trai-nghiem-diem-den-hoang-so-va-doc-dao-lang-da-co-voi-nien-dai-3.000-nam

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm

Du lịch làng Gò Cỏ: Ngôi làng đặc biệt, bởi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hoá của người Sa Huỳnh

Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 70km về phía Nam, làng Gò Cỏ thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, có 83 hộ dân với diện tích 105 ha.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 1.

Những ngôi nhà homestay và đặc biệt các món ăn đặc sản ở Gò Cỏ cũng là điều hấp dẫn du khách. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Làng Gò Cỏ là một trong những ngôi làng đặc biệt, bởi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hoá của người Sa Huỳnh, người Chăm Pa được các chuyên gia khảo cổ, các nhà văn hoá nhìn nhận có giá trị vô cùng quý giá về văn hoá, lịch sử (niên đại cách đây 2.500 – 3.000 năm).

Sa Huỳnh là nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Sơn, Chăm Pa và Sa Huỳnh. Tại đây hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa bao gồm hệ thống đá cổ như đường đá cổ, mương dẫn nước, bia đá cổ và đặc biệt là 12 giếng đá cổ.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 2.

Những phiến đá cổ có dấu tích của người Chăm Pa. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 3.

Giếng đá cổ tại làng Gò Cỏ. (Ảnh: Huyền Không)

Năm 2019, Hợp tác xã làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ được thành lập và được công nhận điểm du lịch cộng đồng OCOP ba sao cấp tỉnh.

Người dân trong làng làm du lịch cộng đồng bằng những thứ sẵn có ở làng. Mô hình homestay, nhà tranh, vách đất được phục vụ du khách trải nghiệm, được coi là một trong số rất nhiều điểm nhấn cho sản phẩm du lịch làng Gò Cỏ.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 4.

Nhiều du khách cho hay, nếu đi du lịch ở đây thì nên thưởng thức các món ăn đặc sản ở Gò Cỏ. (Ảnh: Huyền Không)

Du khách đến với Gò Cỏ sẽ cảm nhận được nét riêng hiếm có một ngôi làng nào có được, bởi đến nơi đây du khách còn được kết nối tham quan các địa điểm khác của Đức Phổ, như Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh; Đầm An Khê, trải nghiệm làng gốm Phổ Khánh.

Các hoạt động, trải nghiệm thường gắn với đời sống người dân nơi đây, du khách đến sẽ đi thuyền nan tre chèo tay tham quan ghềnh đá hay là đi trekking con đường ven biển về làng.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 5.

Nữ du khách đến từ Nha Trang chia sẻ, chuyến đi đến làng Gò Cỏ là một trải nghiệm quý giá giàu cảm xúc. (Ảnh: Huyền Không)

Món ăn đặc sản ở Gò Cỏ: Hấp dẫn du khách bởi giữ được hương vị tự nhiên của biển cả

Chia sẻ về làng Gò Cỏ, nữ du khách Huyền Không đến từ Nha Trang cho biết, cô phải lòng Gò Cỏ chỉ sau vài bức hình, trong vòng một buổi chiều quyết định lên đường.

“Tôi đặt vé tàu trước giờ khởi hành chỉ mấy tiếng nên cô không có nhiều sự lựa chọn, một chiếc vé ngồi mềm điều hoà khởi hành từ ga Nha Trang tới ga Đức Phổ cách làng chừng 20km trong vòng 7 giờ đồng hồ. Tới làng, cô chọn một chiếc homestay đậm chất vùng quê.

Chủ home là một bác gái mũm mĩm với chất giọng đậm xứ Quảng làm màn giao tiếp ban đầu hơi bất đồng nhưng sau đó cũng ổn vì Bác rất nhiệt tình nói cho tới khi tôi hiểu mới thôi (Thực ra tôi cũng lì vì tôi hỏi đi hỏi lại cho tới hiểu mới thôi).

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 6.

Theo nữ du khách, làng phù hợp cả hướng nội hướng ngoại, “bỏ phố về biển” part time hoặc full time. (Ảnh: Huyền Không)

Ấn tượng ban đầu về Gò Cỏ là một ngôi làng nhỏ, yên bình với những hàng dừa cao thẳng tắp trông rất “Bali”. Bãi biển hoang sơ được bao bọc bởi gành đá cổ với bãi cát vàng trải dài thẳng tắp. Điều đặc biệt tôi thấy ở Gò Cỏ là từ con đường làng, bờ rào tới những bậc thang được xếp bằng đá trông rất đơn sơ nhưng lại rất có “hồn”.

Chuyến đi tới Gò Cỏ của tôi chỉ vỏn vẹn ngắn ngủi 3 ngày 2 đêm nhưng đọng lại rất nhiều cảm xúc. Đã 3 tuần kể từ ngày rời Làng mỗi sáng thức dậy tôi lại bị nhớ cái âm thanh quen thuộc của bà Tám: “Nay con muốn ăn gì?” hay tiếng nô đùa của tụi nhỏ rồi nhớ tiếng sóng vỗ đập vào ghềnh đá cổ, tiếng cười nói hỏi thăm của các cô chú trong làng mỗi khi gặp “con ở đâu tới? Con ở nhà ai, ở chơi lâu không?””, nữ du khách chia sẻ.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 7.

Nữ du khách cho biết, làng Gò Cỏ có vài tiệm tạp hoá bán đồ ăn vặt, cafe, nước ép…vv. (Ảnh: Huyền Không)

Theo nữ du khách đến từ Nha Trang, với những ai đang muốn tìm một nơi để “chữa lành” đúng nghĩa thì hãy về Làng Gò Cỏ. Về đây để cảm nhận được sự hồn hậu chất phát của một ngôi làng cổ ven biển, cảm nhận được sự vất vả lam lũ chân chất thật thà và hiếu khách của người dân.

“Về Gò Cỏ sẽ cho bạn cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác – nơi mà chẳng có khói bụi thành phố cũng như tiếng còi xe ồn ào, nơi chỉ có tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng cười nói và đâu đó có cảm giác giống như đứa con đi xa trở về nhà, trở về quê hương. 

Bạn sẽ được trải nghiệm ở “nhà tranh vách đất” hay ở cùng nhà với các cô chú người bản địa, cùng ăn uống sinh hoạt và đơn giản là nghe các cô chú kể những câu chuyện thường ngày thật gần gũi và thân quen. Ngoài ra còn rất nhiều trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa địa phương mà bạn có thể tham gia như đổ bánh xèo, đan lưới, chèo thuyền ra khơi đánh cá cùng các chú và nghe hát bài chòi v.v…”.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 8.

Nữ du khách Huyền Không lưu ý với các bạn trẻ, Làng Gò Cỏ là loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu văn hoá địa phương nên sẽ ko phù hợp với những ai ưa náo nhiệt, tiện nghi, dịch vụ.

Còn bạn Hoàng Hoài, sinh viên khoa Nhật Trường Đại học Phương Đông thì cho biết, lần đầu đến làng Gò Cỏ, cô đã rất ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp lạ của làng.

“Đi đến đâu cũng bắt gặp đá, từ con đường tới hàng rào đá, giếng nước đều được làm bằng đá nguyên khối. Ra tới biển, hướng tầm nhìn ra sẽ thấy đá xếp chồng, xếp lớp nằm đó để những con sóng xô ào ạt tung bọt trắng xóa. Người dân thì thật hiền lành, chân chất và cực kỳ dễ thương, ẩm thực nơi đây hoàn toàn được chế biến từ nguyên liệu do người dân tự nuôi, trồng, đánh bắt, vì vậy vừa sạch, vừa đảm bảo an toàn, dù các món ăn không được chế biến cầu kỳ, theo phong cách hoàng cung hay sang chảnh, nhưng tôi thưởng thức lại thấy lạ miệng, ngon.

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 9.

Món ăn đặc sản ở Gò Cỏ. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Trải nghiệm điểm đến hoang sơ và độc đáo làng đá cổ với niên đại 3.000 năm - Ảnh 10.

Bãi biển với cát vàng mịn màng và nước biển trong xanh tại làng Gò Cỏ. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Hải sản ở biển Gò Cỏ phong phú và đa dạng bốn mùa. Người dân Gò Cỏ cũng khéo tạo ra những món ăn thơm ngon, vừa bổ dưỡng lại vừa giữ được hương vị tươi ngon của hải sản. Nếu các bạn đến đây nên thưởng thức các món ăn đặc sản ở Gò Cỏ này, bao gồm các món: chả nhum, chả trứng hàu sữa, cá cơm muồm, mực lá, canh lưỡi long, canh hàu lá giang, canh rong mứt, gỏi da cá, hến đầm An Khê xào,…”, bạn Hoàng Hoài cho hay.

Được biết, hiện tại, các homestay và nhà hàng cộng đồng đều cung cấp dịch vụ ăn uống. Các nguyên liệu phần lớn lấy từ các sản vật địa phương như các loại củ: khoai lang, bình tinh, nghệ, củ mì… hay từ thiên nhiên của biển và rừng Gò Cỏ. Có thể chia ẩm thực của làng thành 4 nhóm chính: Lưỡi long, hải sản, các loại củ, rau rừng.

Lưỡi long là loài cây phát triển tự nhiên ở Gò Cỏ nói riêng cũng như khu vực tỉnh Quảng Ngãi hay Quảng Nam, Bình Định nói chung, đây có thể được xem là thực vật bản địa của Gò Cỏ. Ngoài việc trồng lưỡi long làm hàng rào xung quanh nhà, người dân còn dùng lưỡi long như một thực phẩm để chế biến những món ăn dân dã như: canh lưỡi long cá thửng, canh lưỡi long nấu tôm, ngoài ra còn có mứt lưỡi long và gỏi lưỡi long, món ăn mới được người dân chế biến gần đây. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *