Điều 69 của bộ luật mới đã hình sự hóa việc quan hệ tình dục với phụ nữ bằng cách hứa hẹn kết hôn mà không có ý định thực hiện. Đặc biệt, luật này cũng bao gồm cả việc lừa dối phụ nữ bằng những lời hứa hẹn không có thật, chẳng hạn như hứa hẹn về sự thăng tiến trong sự nghiệp hoặc kết hôn. Những người vi phạm luật này có thể phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm và phạt tiền.
Luật mới ở Ấn Độ: Lừa dối phụ nữ để “lên giường” sẽ bị đi tù?
Mặc dù luật này là mới, nhưng khái niệm về việc bảo vệ phụ nữ trước những lời hứa hôn giả mạo không phải là điều xa lạ tại Ấn Độ. Trước đây, nhiều phụ nữ đã đưa các vụ kiện tương tự ra tòa án, cáo buộc đàn ông lừa dối họ bằng những lời “hứa nhăng, hứa cuội” để được quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, xã hội Ấn Độ có thái độ bảo thủ về tình dục, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trinh tiết của phụ nữ được coi trọng và nó có sự gắn kết chặt chẽ với hôn nhân, cũng như là để “ngã giá” cho của hồi môn đắt đỏ. Do đó, việc quan hệ tình dục trước hoặc ngoài hôn nhân vẫn là điều cấm kỵ đối với nhiều người, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy trinh tiết của người phụ nữ có “vấn đề”, đều có thể gây khó khăn cho họ trong việc tìm được một cuộc hôn nhân.
Audrey Dmello, giám đốc của Majlis Law, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi phụ nữ tại Ấn Độ, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với luật mới này. Bà cho rằng các vụ án liên quan đến việc “hứa hẹn kết hôn” cần được giải quyết qua luật pháp. Bà nói: “Việc có một luật như vậy giúp phụ nữ cảm thấy được bảo vệ”.
Dưới bộ luật hình sự cũ, nếu người đàn ông hứa hẹn với phụ nữ, chỉ nhằm để “ngủ” với họ. Thì toà án có thể sẽ kết tội người đàn ông này tội hiếp dâm. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán trong các phán quyết của thẩm phán, buộc Ấn Độ phải đưa ra luật mới.
Năm 2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã xét xử một vụ án trong đó nguyên đơn cáo buộc bị hiếp dâm, sau khi có mối quan hệ tình cảm và tình dục lâu dài với bị cáo.
Nguyên nhân bởi người đàn ông sau đó đã do dự trong việc kết hôn vì lý do khác biệt về đẳng cấp. Ở Ấn Độ, mặc dù hệ thống đẳng cấp đã bị bãi bỏ chính thức từ năm 1950, nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng lớn trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến việc xác định vị trí xã hội, nghề nghiệp và đối tượng kết hôn của một người. Trong vụ án này, Tòa án Tối cao đã tuyên trắng án cho người đàn ông, với lý do rằng việc không thực hiện lời hứa kết hôn khác với việc lừa dối ngay từ đầu. Tòa án cho rằng nếu người đàn ông không có ý định lừa dối từ đầu mà chỉ do thay đổi ý định sau đó, thì không thể coi đó là hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đưa ra một phán quyết khác trong một vụ án tương tự. Trong vụ án này, tòa án đã giữ nguyên bản án hiếp dâm đối với một bác sĩ ở bang Chhattisgarh vì ông ta đã có quan hệ tình dục với một phụ, nữ sau khi hứa hẹn sẽ kết hôn, rồi sau đó lại phá bỏ lời hứa và kết hôn với người khác. Bác sĩ này bị kết án 10 năm tù và phạt 50.000 rupee (khoảng 600 đô la Mỹ).
Những phán quyết mâu thuẫn này cho thấy sự phức tạp trong việc áp dụng luật liên quan đến các vụ án “hứa hôn”. Tanvir Siddiki, một luật sư tại Varanasi, cho rằng: “Ngay cả các thẩm phán cũng bị bối rối khi đưa ra phán quyết về vấn đề này”.
Luật mới đã phân biệt rõ các vụ án “hứa hôn” với các vụ án hiếp dâm. Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng các điều khoản của luật vẫn còn mơ hồ. Họ đặt câu hỏi về cách luật sẽ được thực hiện trong thực tế, đặc biệt là việc chứng minh sự lừa dối trong tòa án. Gopal Krishna, một luật sư tại Varanasi và điều phối viên pháp lý của tổ chức phi chính phủ Guria India, cho rằng: “Làm thế nào để chứng minh được suy nghĩ thực của một người?”.
Sự xuất hiện của luật mới này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội Ấn Độ. Một số người trẻ tuổi tại các thành phố lớn bày tỏ sự hoài nghi về tính thích hợp của luật trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng tiến bộ và thay đổi. Durjoy Biswas, một cư dân 21 tuổi tại Kolkata, cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người trở nên hiện đại, nhiều người yêu nhau mà không cần phải kết hôn”. Còn Vanshika Bhattad, 19 tuổi, cư dân Delhi, đặt câu hỏi: “Ngay cả khi người đàn ông lừa dối, việc quan hệ tình dục vẫn cần có sự đồng thuận của cả hai bên. Nếu ai đó buộc phải quan hệ tình dục thì đó mới là hiếp dâm”.