tieu-chuan-trach-nhiem-xa-hoi-giup-nang-cao-nang-suat-lao-dong

Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội giúp nâng cao năng suất lao động

img

Triển khai trách nhiệm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Ảnh minh họa.

Đóng góp cho sự phát triển bền vững

Hiện nay, định nghĩa về thành công của doanh nghiệp đã có sự thay đổi khi xã hội không chỉ nhìn vào các chỉ số kinh tế, mà còn nhìn vào những yếu tố đó có ảnh hưởng như thế nào đến bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội cùng lợi ích cộng đồng. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (viết tắt CSR – Corporate Social Responsibility) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, cộng đồng theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp và vì sự phát triển chung của xã hội.

Giới chuyên gia đánh giá, việc triển khai trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp góp phần điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh. Khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính, giảm chi phí hoạt động, nâng cao uy tín, quản lý rủi ro và giải quyết khủng hoảng tốt hơn, thúc đẩy cam kết với người lao động, quan hệ tốt với Chính phủ và cộng đồng, tăng năng suất lao động,… Nếu người lao động có điều kiện môi trường làm việc thuận lợi sẽ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thế giới, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hóa.

Tiếp đó, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, hấp dẫn các đối tác, nhà đầu tư và người lao động.

Mặt khác, thực hiện trách nhiệm xã hội còn góp phần giúp doanh nghiệp thu hút lao động giỏi. Bởi lao động có năng lực là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Ở các nước đang phát triển, số lượng lao động lớn nhưng đội ngũ lao động đạt chất lượng cao lại không nhiều, do vậy việc thu hút và giữ được nhân viên có chuyên môn tốt và có sự cam kết cao là thách thức đối với doanh nghiệp.

Loạt tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội tiêu biểu

Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trách nhiệm xã hội, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội đã được nhiều tổ chức tiêu chuẩn quốc tế xây dựng thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến các tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội điển hình như sau:

img

Nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới đang đẩy mạnh áp dụng hàng loạt các tiêu chuẩn trách nhiệm nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất và phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

ISO 45001:2018: Tiêu chuẩn ISO 45001 với phiên bản mới nhất ISO 45001:2018 là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. ISO 45001:2018 được công bố vào tháng 3/2018, thay thế tiêu chuẩn OHSAS18001 và mang lại cải tiến đáng kể về quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp. Đây là tiêu chuẩn được công nhận trên phạm vi toàn thế giới với các tiêu chí tập trung vào đảm bảo an toàn lao động, được áp dụng vào rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.

Tiêu chuẩn BSCI (Business Social Compliance Initiative) được Hiệp hội Ngoại thương nay là Hiệp hội Kinh doanh Toàn cầu Thương mại Bền vững (Amfori) phát triển vào năm 2003. Tiêu chuẩn BSCI là bộ quy tắc dùng để đánh giá và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. Thông qua việc áp dụng BSCI, doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc thực hiện các điều kiện làm việc đảm bảo tại các quốc gia trong chuỗi cung ứng của mình.

Tiêu chuẩn Sedex-SMETA: Sedex (Supplier Ethical Data Exchange) là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2001. Sedex ra đời nhằm mục đích giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. Sedex-SMETA là viết tắt của cụm từ tiếng anh “Sedex Members Ethical Trade Audit”. Sedex-SMETA là tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện nay. Tiêu chuẩn không chỉ tập trung vào các yêu cầu về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội mà còn đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong quản lý chuỗi cung ứng.

Tiêu chuẩn SA 8000: SA 8000 là tiêu chuẩn quốc tế ra đời vào năm 2001, được xây dựng dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các quy chuẩn nhân quyền quốc tế và luật lao động của nước sở tại. Tiêu chuẩn SA 8000 gồm các tiêu chí đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động trong doanh nghiệp, trong đó đặc biệt yêu cầu sự công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài 4 tiêu chuẩn nêu trên còn rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội khác. Nhìn chung, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội thường có phạm vi bao quát và tiêu chí chung tương đối giống nhau. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu của từng tiêu chí lại có sự khác biệt. Vì vậy, doanh nghiệp cần căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, phạm vi thị trường, yêu cầu của đối tác, năng lực,… để lựa chọn áp dụng sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *