Bạn là ai: người đọc sách hay kẻ tiệc tùng?
[Lưu ý không chia sẻ hoặc sao chép bài viết sang bất kì nơi nào khác vượt ngoài mục đích lưu trữ cá nhân mà chưa có sự đồng ý của tác giả]
Tom là một người ít nói, trầm lặng. Sau khi tốt nghiệp, Tom làm việc tại một công ty về phần mềm. Ít lâu sau, anh được phép làm việc tại nhà. Mỗi buổi tối sau khi xong việc và có thời gian cho bản thân thì anh thường làm một ly cà phê và nhấm nháp quyển sách yêu thích trên Sofa.
Hàng xóm đối diện anh, Jenny, là người mà anh ít khi nhìn thấy nhất. Cô là nhân viên bán hàng, đồng thời thường xuyên có nhiều buổi gặp mặt với bạn bè ở nhiều mức độ thân quen khác nhau. Giờ giấc của cô cũng không cố định mấy, Jenny có thể về nhà lúc 9h tối hoặc 2h sáng.
Đây là hai câu chuyện phổ biến mô tả mẫu hình về người hướng nội và hướng ngoại. Những thông tin trên được truyền thông rộng rãi, tạo nên một bức tranh mang tính rõ rệt về người hướng nội và người hướng ngoại như là 2 mặt đối lập của một đồng xu. Điều này cũng vô tình tạo nên những ngộ nhận khá phổ biến.
Những hiểu nhầm thường thấy
Là người hướng nội nghĩa là bạn không muốn giao tiếp và chỉ mong dành thời gian cho bản thân, và nếu ngược lại, thì bạn là người hướng ngoại.
Thực tế là con người có tính xã hội. Đấy là một trong những điều thể hiện sự khác biệt giữa loài người với các loài động vật khác. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu vì một lý do nào đó mà con người phải ngừng hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội của mình thì sẽ dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong cấu trúc nhân cách – nhân cách bắt đầu bị phá huỷ (theo B.G. Ananhiep). Hoạt động giao tiếp có vai trò trong sự hình thành và phát triển tâm lý. Đơn giản nhất, hãy tưởng tượng một người hướng nội nếu khi còn là đứa trẻ mà không giao tiếp với người lớn xem, liệu nó có thể nói và nghe được như bình thường không?
Mặt khác, xã hội hiện đại tạo nên nhiều phương thức kết nối: mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin. Điều này khiến ai đó dễ dàng giao tiếp với người khác hơn. Mọi người đều giao tiếp, chỉ là khác nhau về cách thức, tần suất và loại đối tượng mà thôi.
Người hướng nội thì nên chọn công việc …, người hướng ngoại thì nên chọn công việc…
Có lẽ đây là một trong những suy nghĩ phổ biến của nhiều người, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cái nhìn tổng quát khi “quan trọng hoá” một yếu tố duy nhất. Nếu xét với lý thuyết năm nhân tố Big Five thì chúng ta đã bỏ qua mất 4 yếu tố còn lại của nhân cách, còn xét trên lý thuyết Đặc điểm nhân cách và yếu tố của Cattell thì ta đã bỏ mất tận … 15 yếu tố. Và đấy chỉ là xét về mặt nhân cách, chưa kể thêm về hứng thú, sở thích cá nhân và năng lực. Mặc dù hướng nội và hướng ngoại có thể sẽ tạo một số lợi thế trong một số loại hình nghề nghiệp, tuy nhiên không phải là quyết định.
Tâm lý học nói gì
Về mặt dân số, tỉ lệ phần trăm người hướng nội và hướng ngoại tuân theo phân phối chuẩn (hình 2). Như vậy ở khoảng giữa, chiếm 68,2% là những người mà chúng ta gọi là Ambivert (trung gian). Mặc dù chúng ta thấy trào lưu trên mạng xã hội chiếm phần lớn là người tự nhận mình là hướng nội hoặc hướng ngoại, hầu hết chúng ta lại không nằm trong số đó.
Hãy nhớ lại hình học năm cấp 2. Khi vẽ trục Ox, dương vô cùng và âm vô cùng nằm ở đầu mút. Giờ hãy thay thế nó là hướng nội và hướng ngoại. Bạn sẽ thấy không có ai nằm ở đầu mút mà chỉ nằm trên một điểm nào đó. Tương ứng là mức độ hướng nội – hướng ngoại. Nếu mức độ của bạn nằm vượt khỏi một độ lệch chuẩn tính từ điểm giữa, thì bạn có thể xác định mình hướng nội hay hướng ngoại. Nói một cách dễ hiểu, sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất.
Ngoài ra, hướng nội và hướng ngoại có những đặc điểm riêng nhưng không bị gộp chung với nhiều yếu tố khác. Chúng đứng độc lập. Ví dụ như trong mô hình Big Five, hướng ngoại là một nhân tố trong đó, với bốn nhân tố còn lại gồm: sự cởi mở, tận tâm, dễ chịu, nhạy cảm. Nhầm lẫn thường thấy là hướng nội thì ít cởi mở.
Một số đặc điểm tâm lý
Một số đặc điểm của yếu tố A của Cattell.
Hướng nội: Kín đáo, biệt lập, phê phán, lạnh nhạt, kiên định
– Phê phán
– Giữ ý kiến của mình
– Lạnh nhạt
– Chính xác, khách quan
– Đa nghi
– Quá lạnh nhạt (đến mức thô bạo)
– Cáu kỉnh, buồn rầu
Hướng ngoại: Thân mật, hiền hành, vô tư, giao thiệp rộng.
– Hiền lành, vô tư
– Sẵn sàng hợp tác
– Chú ý đến người khác
– Nhân hậu, cẩu thả
– Cả tin
– Dễ thích nghi, dễ bị chi phối
– Nhiệt tình
– Vui vẻ
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, các đặc điểm này có tồn tại và có thể hiện ra bên ngoài hay không còn tuỳ vào cá nhân.
Lợi ích của việc biết mình là người hướng nội/ngoại
Hướng nội và hướng ngoại là một đặc điểm, không phải là toàn bộ nhân cách
Những lợi ích của việc biết mình là người hướng nội hay hướng ngoại không có tính quyết định bằng hiểu rõ toàn bộ các đặc điểm nhân cách, trí tuệ của mình. Lợi ích chung của việc đó giúp ta biết điểm mạnh, yếu và giới hạn bản thân.
Trong tiến trình phát triển cá nhân, ta hay mắc sai lầm ở chỗ thường xem cách người khác làm và bắt chước, cố công đi theo công thức của người khác. Việc xác định các đặc điểm nhân cách và đối chiếu với mục tiêu của mình để có phương pháp phù hợp nhất cho chính mình.
Bạn là người hướng nào
Mình biết rằng ai cũng tò mò. Và vì thế ở đây mình sẽ giới thiệu một công cụ nhằm xác định xem bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Thực tế có nhiều công cụ để định tính, tuy nhiên trong khuôn khổ để giúp các bạn dễ sử dụng, dễ thực hiện, ít làm sai nhất khi không có người trực tiếp hướng dẫn mình sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng Bảng nghiệm kê nhân cách Eysenck (EPI)
Để sử dụng hiệu quả nhất, mình có những nguyên tắc như sau:
– Làm ở nơi thoải mái, không bị yếu tô bên ngoài làm xao nhãng.
– Trả lời nhanh, thấy câu nào đúng thì đánh ngay, hạn chế suy nghĩ. Cứ thấy câu nào dễ thương thì đánh ngay vào.
Đi kèm đây mình sẽ có hai file, các bạn hãy mở file bảng hỏi lên làm trước, xong rồi đến file tính điểm. Trong file tính điểm đã có hướng dẫn và chú giải cụ thể.
[https://drive.google.com/file/d/1eIkgP9FLHNaGEUYaS9lQH5Fzk94E0feX/view?usp=sharing]
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sự cảm nhận bản thân bạn cũng quan trọng không kém. Nếu điểm số của bạn gần mốc giữa và bạn cảm thấy mình có cả hai mặt tính cách thì khả năng bạn là người hướng trung; vì như đã nói: không phải ai cũng là người hướng nội hoặc hướng ngoại.
Lời kết
Hướng nội và hướng ngoại, những đặc điểm dễ nhận thấy từ phía bên ngoài, đã được truyền thông rộng rãi, mà điều này đôi khi là dẫn đến những hiểu nhầm, cũng như cách nhìn có phần quan trọng hoá yếu tố này. Thực chất để đánh giá bản thân mình hay người khác, cần có cái nhìn tổng quát nhiều yếu tố cấu thành nên tâm lý người và có cái nhìn khách quan, khoa học.