ra-mat-ngan-hang-gen-“tra-lai-ten”-cho-cac-liet-si

Ra mắt ngân hàng gen “trả lại tên” cho các liệt sĩ

Cả nước đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ

Sáng nay (23/7), Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Hội nghị do Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan tổ chức đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì hội nghị. Lãnh đạo các Bộ ngành liên quan như Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH  Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương và đại diện các tổ chức cùng các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc sẽ tham gia, chứng kiến thời khắc quan trọng khi ngân hàng gen được ra mắt.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng đã triển khai hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo thống kê, các lực lượng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, so sánh đối khớp hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Ra mắt ngân hàng gen

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam anh hùng (Ảnh: Mạnh Quân).

Năm 2024, Chính phủ giao ngành LĐTBXH chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…

Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân.

Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ. Gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại khắp các chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Đất nước thống nhất được gần 50 năm nhưng ở ngoài vẫn còn gần 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Bộ LĐTBXH đề nghị lấy 600.000 mẫu của hài cốt và thân nhân liệt sĩ để tìm kiếm danh tính liệt sĩ và bổ sung vào Ngân hàng Gen (ADN).

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020 (Ban chỉ đạo 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

Các đơn vị đã phân tích, lưu trữ được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Qua hoạt động giám định, lực lượng chức năng cũng xác định, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1.736 ngôi mộ của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc (đạt tỷ lệ 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).

Việc hình thành Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ được xác định là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ.

 Ra mắt ngân hàng gen xác định danh tính liệt sĩ chưa có thông tin 

Ngay tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Việc xây dựng “Ngân hàng gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Ra mắt ngân hàng gen

Lãnh đạo Nhà nước, bộ, ngành tham gia ấn nút ra mắt Ngân hàng gen quốc gia. Ảnh: Mạnh Quân

Trong bối cảnh công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm dược mộ người thân.

Tại chương trình, 10 gia đình liệt sĩ được trao kết quả giám định gen. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

Phát biểu tại lễ tri ân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị tri ân người có công với cách mạng hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta. Người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, trong đó rất nhiều người ở lại với tuổi 18, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do và nhân dân được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Ra mắt ngân hàng gen

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN). Ảnh: N.T

Thủ tướng khẳng định 77 năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đời sống của người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.

Theo thống kê, có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc hơn mức sống chung tại khu vực sinh sống. Điều này cũng là một biểu hiện của việc thực hiện chủ trương, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh “không hy sinh môi trường, xã hội, công bằng xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần”. Đây cũng là một vấn đề quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư lúc sinh thời.

Trong lễ ra mắt ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân hôm nay, Thủ tướng đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang.

Thủ tướng bày tỏ nỗi xót xa khi thăm nghĩa trang đồi A1 tại Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, thấy rất nhiều mộ liệt sĩ vẫn đề những dòng chữ “mộ liệt sĩ chưa biết tên”, “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *