Ca mắc bạch hầu chủ yếu ở “vùng lõm” tiêm chủng
Ngày 18/7, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, số ca mắc bạch hầu vẫn rải rác trong năm.
Năm 2023, có 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong những tháng đầu năm 2024 (đến ngày 18/7/2024), Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (3 ở Hà Giang, 2 ở Bắc Giang, 1 ở Nghệ An và tử vong.
Trong những ngày gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về trường hợp nghi mắc bạch hầu tại tỉnh Lào Cai, tuy nhiên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của trường hợp này và cho kết quả âm tính với bạch hầu.
Theo TS Đức, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh và vaccine bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985, do đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và đã làm giảm số mắc hàng trăm lần (năm 1983 có hơn 3.500 ca).
“Những năm gần đây chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tiêm chủng đầy đủ do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm, vì vậy vẫn còn một tỷ lệ nhỏ nhất định đối tượng chưa được tiêm tại cộng đồng.
Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.
Do đó, đánh giá tình hình bạch hầu năm 2024 đến nay chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn diện rộng là thấp”, TS Đức cho biết.
Tỷ lệ tiêm nhiều loại vaccine trong đó có vaccine phòng bạch hầu thấp
Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025. Theo kế hoạch, hiện tại Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng vaccine để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm: Viêm gan B; Lao; Bạch hầu; Ho gà; Uốn ván; Bại liệt; Bệnh do Haemophilus influenzae tuýp B; Sởi; Viêm não Nhật Bản B; Rubella; Tiêu chảy do virus Rota.
Trong kế hoạch Tiêm chủng mở rộng trên, Bộ Y tế thông tin chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vaccine trong năm nay là đạt tỷ lệ tiêm từ trên 90% – trên 95%.
Tuy nhiên, hiện chỉ có ba vaccine: Lao, Sởi và DPT (bạch hầu – ho gà -uốn ván) đạt tiến độ với tỷ lệ tiêm chủng từ trên 39% – trên 40%, trong 5 tháng đầu năm.
Đối với tỷ lệ tiêm vaccine “5 trong 1” có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ từ 2, 3 và 4 tháng tuổi đạt 36,8% so vởi chỉ tiêu 37,3%.
Tương tự, tỷ lệ tiêm các vaccine còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine viêm não, vaccine sởi – rubella… chỉ đạt từ 265% đến hơn 36%, đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, TS Đức khuyến cáo người dân cần:
– Đưa trẻ (từ 2 tháng đến 7 tuổi) thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
– Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.