Tại Hội thảo về Hiến, lấy, ghép và điều phối mô tạng tại Việt Nam (diễn ra từ ngày 16-17/7) do Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẽ, hiện có quá nhiều rào cản trong việc hiến mô, tạng và ghép tạng.
“Cho dù khi sống tình nguyện đăng ký hiến mô tạng nhưng nếu không may chết não thì ý nguyện này cũng khó thực hiện vì theo quy định, một người chết não muốn hiến mô tạng phải có sự đồng ý của gia đình.
Nhưng quy định về “gia đình” này cũng rất rộng, không chỉ bố mẹ, vợ con, ông bà mà còn cả anh em, cô dì chú bác. Nếu chỉ một người trong gia đình không đồng ý thì việc hiến tạng cũng không thể thực hiện”, PGS Hệ chia sẻ.
PGS Hệ cho biết, mới đây có người chết não, nhân viên Trung tâm đã vận động được bố mẹ, vợ con của người chết não đồng ý hiến tạng nhưng 1 bà cô của người chết não lại không đồng ý. Hay ông một người chết não khác từ quê gọi điện thoại tuyên bố không đồng ý…
Do đó, các đại biểu có ý kiến về quy định phải coi việc đăng ký hiến mô tạng của mỗi người giống như “di chúc” để đến lúc chẳng may người đó bị chết não thì gia đình không thể can thiệp vào “di chúc” này.
Hoặc như phải có quy định về “gia đình” chỉ bao gồm bố mẹ, vợ con để yêu cầu sự đồng ý của họ về việc hiến tạng của người chết não chứ không cần phải hỏi “ba đời” như hiện nay.
PGS Hệ cũng đề xuất cần phải mở rộng mạng lưới các bệnh viện hiến (lấy tạng từ người cho chết não- PV) để tăng thêm nguồn tạng cho các bệnh viện ghép. Hiện Việt Nam mới có 26 bệnh viện hiến là quá ít. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nếu mạng lưới bệnh viện hiến được mở rộng thì sẽ tăng có thêm nhiều tạng cho người cần ghép.
Đồng thời điều phối về việc hiến- ghép, cho-nhận tạng cũng sẽ thông suốt hơn giữa các bệnh viện, không cần phải chuyển người chết não tiềm năng tới bệnh viện khác để lấy mô tạng vì việc chuyển viện sẽ tăng nguy cơ ngừng tim, khiến việc các tạng bị ảnh hưởng, không đảm bảo để ghép.
“Mới đây, có bệnh nhân chết não mà chúng tôi phải gọi đến 58 người mới xác định được 2 bệnh nhân nhận ghép thận, 56 bệnh nhân khác người đã tử vong, người từ chối nhận… Quá trình này mất 16 giờ. Hay như một ca chết não khác, chúng tôi cũng mất 16 giờ gọi 119 bệnh nhân chờ ghép mới xác định được 5 người nhận gan, thận, tim…
Do vậy, cần phải thiết lập lại sự thông suốt hơn về bệnh nhân chờ ghép, thông tin người chờ ghép.. để tình trạng người chờ ghép tạng rất nhiều mà khi có tạng lại tìm mãi không được người nhận… “, PGS Hệ chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc vận động đăng ký hiến mô tạng. Cụ thể như khó khăn về quan niệm, nhận thức của người dân về việc hiến tạng sau khi chết não. Nhiều người vẫn quan niệm phải chết toàn thân, e ngại rằng người thân đã chết “mà vẫn không yên”…;
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng vẫn có nhiều quy định gây khó khăn cho việc hiến mô tạng của người chết não như: điều kiện có thể hiến tạng sau chết não, tuổi hiến tạng (hiện nay là trên 18 tuổi), chế độ cho người hiến tạng và gia đình, cơ chế tài chính cho người ghép tạng… thanh toán cho vận động hiến tạng, ghép và sau ghép…
Bà Tiến cũng cho biết, thời gian qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào đăng ký hiến mô tạng, số lượng người đăng ký hiến mô tạng trên cả nước đã tăng lên rõ rệt.
Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường vận động người dân theo từng nhóm đối tượng, cần thiết phải thay đổi các quy định về việc hiến mô tạng để giúp tăng nguồn tạng, từ đó sẽ có nhiều cuộc đời được hồi sinh và nhiều cái chết không chỉ “về với cát bụi” mà sẽ nhân thêm nhiều sự sống, mang lại nhiều hạnh phúc cho cuộc đời này.