Lý do chỉ tăng lương cơ sở từ 1/7 và chậm cải cách tiền lương là gì?
Phát biểu trước Quốc hội liên quan tới vấn đề tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bên cạnh phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu (tăng 30%), Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH từ 1/7.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chia sẻ lý do chưa thể cải cách tiền lương từ 1/7. Bà Trà phân tích chọn phương án tăng lương cơ sở thay vì cải cách tiền lương luôn vì khi thực hiện cải cách tiền lương, cụ thể là xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức phát sinh một số vấn đề.
Cụ thể, việc bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến bất hợp lý rất lớn. Đó là tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo.
Trong khi đó, nhóm công chức – đối tượng tham mưu chiến lược, được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%. Đối tượng viên chức có thể tăng được hơn 50%. Đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương như vậy, nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%.
Theo bà Trà, có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3-5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.
“Một vấn đề nữa là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh vấn đề”, bà Trà nói thêm.
Cùng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới, dẫn đến rất nhiều đối tượng hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là lực lượng nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên.
Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn.
Tăng lương tăng cao nhất từ khi có lương cơ sở
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, lần đầu tiên mức lương cơ sở tăng cao đạt 30%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Chính phủ thực hiện lương cơ sở (2004).
Mức lương cơ sở tăng, kéo theo tiền lương, thu nhập hàng tháng của công chức, viên chức (khu vực công) tăng lên, đồng thời nhiều khoản tiền khác cũng tăng theo. Đầu tiên phải kể tới là khoản tiền lương hưu; trợ cấp hàng tháng; tiền trợ cấp tai nạn lao động; tiền đóng BHXH tự nguyện…
Tăng lương cơ sở từ 1/7, tiền lương của nhóm công chức A3, hệ số 8 sẽ là nhóm có mức tăng lương cao nhất, khoảng hơn 18 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp.
Trong khi đó, mức lương thấp nhất thuộc về công chức nhóm C1, có hệ số 1,65, bậc 1. Đây là nhóm công chức có trình độ trung cấp trở xuống.
Hiện nay, tiền lương của nhóm này được gần 3.000.000 đồng. Nếu tăng lương cơ sở lên 2,34 thì tiền lương của nhóm này đạt hơn 3.800.000 đồng, tăng được gần 900.000 đồng.
Đánh giá về quyết định tạm lùi cải cách tiền lương, thực hiện tăng lương cơ sở, nhiều chuyên gia tiền lương cho rằng đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh cải cách tiền lương gặp nhiều cái khó.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lý giải thêm: “Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng để xây dựng vị trí việc làm cần căn cứ vào chuyên môn nghiệp vụ, khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức. Thứ 2 là vị trí việc làm phải đảm bảo tối ưu chi phí, để công chức, viên chức có thể thực hiện công việc mà không làm lãng phí thời gian.
Mục tiêu cải cách tiền lương là để tăng năng suất lao động để hiệu quả công việc tốt hơn. Nguyên tắc tốc độ tăng lương bao giờ cũng phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì ngược lại: Tốc độ năng suất lao động đang thấp hơn tốc độ tăng lương, vì thế tiền lương vẫn chưa đạt được như kỳ vọng là hoàn toàn chính xác.
Xét ở mối quan hệ hàng hóa, thị trường thì chỉ khi năng suất lao động tăng, anh mới có thể tăng lương. Nếu chúng ta chưa làm rõ được quan hệ này thì chưa thể cải cách tiền lương.
Bởi vậy, việc lùi cải cách tiền lương ở giai đoạn này để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm việc triển khai Nghị quyết 27 tôi cho rằng là một bước đi đúng đắn, linh hoạt của Chính phủ.”.
Trong ngày mai (26/6) quốc hội sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề cải cách tiền lương.