Ngày 16/6, tại xã Hải Phúc, UBND huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) phối hợp Chi Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chương trình truyền thông, phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc.
Hải Hậu là địa phương hưởng ứng lời kêu gọi người dân Việt Nam đăng ký tham gia hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” ngày 19/5 vừa qua.
Chia sẻ lại Lễ Phát động, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, sau gần một tháng được Thủ tướng Chính phủ phát động, cả nước có thêm khoảng 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng, nâng tổng số người đăng ký hiến mô, tạng ở Việt Nam hiện nay lên gần 100.000 người.
Nói về việc hiến tạng, PGS Tiến cho biết, ở Việt Nam, đến nay đã có hơn 1.000 người được ghép tạng nhưng 95% là người cho sống, chỉ có 5% người cho chết não.
“Điều này chưa thực sự tốt vì ghép tạng từ người cho sống, cứu được người nhận nhưng đồng thời cũng có 1 người đang khỏe mạnh sống yếu đi khi cho tạng. Trong khi đó, chúng ta có hàng người chết não mỗi năm, một nguồn tạng không được sử dụng mà lại chôn vùi xuống đất hoặc đốt thành tro bụi.
Ngoài ra, còn có rất nhiều tạng mà chỉ người mất mới hiến dược như trái tim, lá phổi… Điều này đồng nghĩa với rất nhiều người bệnh chờ được ghép tim, phổi… không có nhiều cơ hội để nhận nếu như số người cho chết não không gia tăng”, PGS Tiến chia sẻ.
Theo bà Tiến, hiến tạng từ người cho chết não, người mất đi đã làm được việc cao đẹp, giúp cứu sống nhiều cuộc đời. Còn gia đình người hiến chết não cũng sẽ vẫn cảm thấy trái tim đập trong lồng ngực, hơi thở từ lá phổi, ánh sáng từ đôi mắt của cha, con, chồng hay anh em mình đang sống trong cơ thể của người nhận.
Điều này có thể sẽ là sự an ủi có ý nghĩa với người sống.
Tăng thêm người cho chết não là hạn chế được vấn nạn mua bán nội tạng đang đẩy người nghèo vào nguy hiểm khi bán tạng vì cuộc sống quá khó khăn. Dù điều này bị nghiêm cấm nhưng đâu đó vẫn còn lén lút tồn tại vì không có tạng để nhận, có cầu thì có cung, vẫn sẽ có người tham lam bất chấp mọi thứ để phạm tội.
“Gia tăng người cho chết não là giảm được rất nhiều chi phí điều trị y tế. Chỉ đơn cử 1 ca ghép thận có chi phí bằng 1/4 chi phí dành cho người suy thận phải lọc máu để giữ mạng sống. Chưa kể sau khi được ghép thận, người bệnh có thể quay trở lại lao động, đóng góp cho xã hội, giúp ích cho gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói vì bệnh tật triền miên”, PGS Tiến khẳng định.
PGS Tiến mong muốn trong thời gian tới có thêm nhiều địa phương hưởng ứng phong trào đăng ký hiến mô, tạng như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi nhận thức của người dân thay đổi thì số người đăng ký cũng sẽ tăng lên rất nhiều.
Tại lễ phát động, rất đông người dân xã Hải Phúc và các xã lân cận đã đăng ký hiến tặng mô tạng, trong đó có nhiều gia đình cả vợ chồng, cha mẹ, con cái đều tham gia đăng ký hiến mô tạng.
Bà Nguyễn Thị Chắt (65 tuổi, trú tại xã Hải Phúc) cho biết: “Tôi từng chứng kiến những câu chuyện thương tâm khi người suy thận, suy gan đau ốm, phải nằm viện thường xuyên để duy trì sự sống. Nhiều cháu bé còn đang rất trẻ phải sống trong cảnh mù lòa, chờ ghép giác mạc.
Do đó, tôi đăng ký hiến mô tạng với mong muốn nếu chẳng may mình mất đi vẫn sẽ có cơ hội cứu giúp người khác”.
Hiện nước ta có gần một triệu người mù do các bệnh lý khác nhau về mắt. Riêng với bệnh về giác mạc, có khoảng 300.000 người, trong đó 150.000 người bị mù hai mắt.
Mỗi năm lại có thêm hơn 15.000 người bị mù do các bệnh lý về giác mạc. Hiện danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc đã lên đến hàng nghìn người, nhưng rất ít người có được giác mạc để tìm lại ánh sáng.
Theo Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007, đến nay, cả nước đã ghi nhận 971 người hiến giác mạc sau khi qua đời, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình với 437 người hiến, tại Nam Định 332 người hiến.
Riêng tại huyện Hải Hậu từ năm 2014 đến nay đã có hơn 280 người hiến tặng giác mạc, góp phần mang lại ánh sáng cho nhiều người không may bị mù do các bệnh lý về giác mạc.
“Một người mất hiến giác mạc sẽ đem ánh sáng cho 2 cuộc đời. Một việc làm vô cùng cao cả, nhân văn “cho đi là còn mãi”, PGS Tiến nhấn mạnh.