Ngày 11/6, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Bình cho biết, ê kíp trực liên quan đến ca bệnh của cháu Huỳnh Long Điền (4 tháng tuổi) gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đã bị đình chỉ công tác, không cho làm chuyên môn.
“Sau khi Hội đồng chuyên môn họp và có kết luận thì tính tiếp. Quan điểm của Trung tâm là không bao che, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó”, ông Bình nói.
Trước đó, gia đình của cháu Đ. có đơn gửi đến Sở Y tế tỉnh Cà Mau, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, tố ê kíp bác sĩ trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Bình đã tắc trách, “ngó lơ” trước sức khỏe của cháu Đ. sau khi cháu bị sốc phản vệ.
Theo nội dung đơn: Vào ngày 2/6, cháu Đ. tiêm phòng mũi 5 trong 1 tại Trạm Y tế thị trấn Thới Bình, nhưng khi về nhà thì bị sốt, khóc quấy và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Bình điều trị vào ngày 3/6.
Tuy nhiên, sau khi nhập viện, tình trạng bệnh cháu vẫn không thuyên giảm. Đến trưa ngày 4/6, gia đình xin được chuyển cháu lên Bệnh viện Sản nhi Cà Mau để điều trị, nhưng không được ê kíp bác sĩ trực đồng ý, vì cho rằng trong khả năng điều trị của bệnh viện.
“Khoảng 16h cùng ngày, cháu tôi được bác sĩ tiêm một mũi thuốc, nhưng sau đó cháu bị tím tái, bất tỉnh nhưng không có nhân viên y tế nào đến thăm khám, dù gia đình có trình báo”, ông Huỳnh Sỹ Nguyên (ông nội cháu Đ.) nói trong bức xúc.
Không được bác sĩ sang thăm khám, mẹ cháu Đ. đã ôm con mình chạy đến phòng bác sĩ trực cầu cứu khi cháu đã bất tỉnh. Lúc này, chỉ có điều dưỡng tên Thon ra lật ngược bệnh nhi lại vỗ vào lưng cho cháu tỉnh, giao cho gia đình, rồi vào phòng đóng cửa lại không tiếp tục cấp cứu cho bé.
Thấy tình trạng con em mình không giảm, ngày càng tăng nặng, gia đình cháu Đ. yêu cầu được cho chuyển viện bằng xe cấp cứu, đồng thời xin được hỗ trợ nhân viên y tế theo xe, nhưng cũng không được đáp ứng.
Lo sợ cho tính mạng của cháu bé, gia đình đã tự thuê xe chở cháu đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau cấp cứu. “Khi ra đến Bệnh viện Sản nhi, nhân viên y tế cho biết mạch của cháu tôi tiêm thuốc không vào nữa, nhưng rất may là cháu đã được cứu sống”, ông Nguyên nói và cho biết, gia đình chỉ muốn ngành chức năng làm rõ vụ việc, nhằm tránh lặp lại tình trạng tương tự như cháu nội của ông.
Trao đổi với Dân Việt, Bệnh viện Sản nhi Cà Mau cho biết, bệnh nhi lúc nhập vào Khoa cấp cứu của bệnh viện được chẩn đoán bị phản ứng phản vệ độ II, tăng độ III, nghĩ do cefotaxim, nhiễm trùng tiêu hóa.
“Khi gặp trường hợp này, bác sĩ cần xử lý tại chỗ ngay cho bệnh nhân rồi mới chuyển đến cấp cứu để theo dõi, điều trị tiếp”, bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau nói.