cang-gan-den-thoi-diem-cai-cach-tien-luong,-cong-chuc-cang-lo!

Càng gần đến thời điểm cải cách tiền lương, công chức càng lo!

Cải cách tiền lương: Mong lương “tăng 1” giá đừng “tăng 10”

Từ 2 tháng nay, ngày nào cô Nguyễn Thị Hải (54 tuổi), giáo viên Trường mầm non Xuân Mai (Thanh Hóa) cũng cùng với đồng nghiệp bàn tán xôn xao về việc tăng lương từ ngày 1/7 tới đây.

Cô Hải cho biết: Tổng tiền lương hiện giờ (tiền lương hệ số cộng tiền đứng lớp, tiền thâm niên) của cô được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu tới đây tăng lương tiền lương của cô có thể lên tới 14-15 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi tham khảo tài liệu là như vậy, nhưng nghe cải cách tiền lương sẽ cắt bỏ nhiều khoản phụ cấp, trong đó có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp nên khả năng tiền lương của tôi chỉ tăng được 1-2 triệu đồng/tháng thôi”, cô Hải chia sẻ.

Càng gần đến thời điểm cải cách tiền lương, công chức càng lo!- Ảnh 1.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiền lương tăng nhưng mong giá cả được bình ổn. Ảnh: N.Trang

Theo cô Hải, tiền lương tăng cao thì ai cũng thích, nhưng quan trọng nhất với những người lao động như cô là lương tăng, mà giá cả thực phẩm cũng tăng thì coi như lương tăng chẳng để làm gì.

Khảo sát của cô Hải cho thấy cuối tháng 5 vừa qua, nhiều mặt hàng “nhấp nhổm” tăng giá. Ở chợ giá gạo đã tăng 3.000 – 5.000 đồng tùy loại, thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg, các loại rau cũng nhúc nhích tăng lên vài nghìn đồng.

Còn theo 1 công chức trẻ – chị Nguyễn Thị Nhung (25 tuổi) đang làm tại văn phòng huyện ủy của một huyện ngoại thành Hà Nội thì điều chị mong đợi nhất có lẽ vẫn là mức tiền lương thực tế tăng bao nhiêu sau cải cách tiền lương. Dù tốt nghiệp đại học nhưng sau 2 năm đi làm việc chị vẫn chỉ nhận mức lương hơn 4,5 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp kèm theo.

“Bạn bè cùng lớp tốt nghiệp ra trường đi làm cho các công ty tư nhân lương gấp đôi, gấp 3 em. Em thích ổn định nên thi vào công chức, nhưng nếu tiền lương không được cải thiện, chắc một thời gian nữa cũng phải nghỉ việc để xin ra ngoài làm”, Nhung chia sẻ.

Đây là đợt cải cách toàn diện tiền lương ở cả khu vực công, khu vực tư. Theo đó, tiền lương ở nhóm cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng hơn 30%, tiền lương của người lao động ở khu vực tư sẽ tăng 6% (lương tối thiểu vùng), cùng với đó tienf lương theo giờ áp dụng cho lao động tự do cũng tăng từ 22,5 nghìn đồng/1 giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ với vùng 1.

Theo Nhung, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, hàng tháng cô phải nhận viện trợ đồ ăn của bố mẹ từ quê ra. Thêm vào đó, cô không dám ở trọ riêng mà thuê trọ cùng với 3 người bạn khác, mỗi tháng hết chừng 1 triệu đồng tiền nhà. Ngoài ra, mỗi tháng Nhung cũng còn nhiều khoản cần chi tiêu thêm. Ví dụ như: Tiền ăn khoảng 1 triệu đồng/tháng; tiền mua sắm quần áo nhu yếu phẩm khác khoảng 500 nghìn đồng; tiền thăm hỏi, ốm đau… hết khoảng 1 triệu đồng/tháng; tiền xăng xe, điện thoại 500 nghìn đồng…

“Nhiều tháng, em còn không đủ tiền chi tiêu, phải vay mượn bạn bè, người thân. Nếu tới đây, cải cách tiền lương, lương tăng 1-2 triệu đồng thì vẫn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống của em, nhất là khi các mặt hàng, giá cả tăng từng ngày thế này”, Nhung nói.

Cần sớm tăng lương, ngăn bão giá khi thực hiện cải cách tiền lương 

Từng chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là sớm ban hành được bảng lương theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức để các đơn vị sớm thực hiện khi cải cách tiền lương. Ngoài ra cũng cần nhanh chóng ban hành mức lương tham chiếu để lấy căn cứ giải quyết các chế độ khác như tính tiền lương hưu, tiền trợ cấp xã hội…

“Một vấn đề quan trọng nữa Chính phủ cần lưu tâm đó là thực hiện kiểm soát giá. Làm sao để lương tăng nhưng giá cả vẫn được giữ ổn định. Có vậy thì cải cách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa với người lao động”, ông Lợi nói.

Càng gần đến thời điểm cải cách tiền lương, công chức càng lo!- Ảnh 2.

PGS, TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội cho biết lâu nay tiền lương thường “chạy theo” giá. Ảnh: NN

Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất với mặt hàng thiết yếu. Ông Phú cho rằng, nếu lương tăng 6% nhưng giá tăng có hơn mức này thì quả thật đáng lo ngại.

Ông Phú cũng cho rằng đợt cải cách tiền lương tháng 7 tới đây được nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay là quá thấp. Tuy nhiên, cần có giải pháp ngăn bão giá vì nếu không có thể giá tăng cao hơn cả tốc độ tăng tiền lương (30%).

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội cũng cho rằng những năm qua, đi đôi với lương tăng là giá cũng tăng, thậm chí là lương “chạy theo” giá, điều đó tạo áp lực lên đời sống công nhân, người lao động.

“Đây không phải là lần tăng lương bình thường, mà là cải cách tiền lương. Nếu không kiểm soát được sự nhảy múa về giá của nhiều mặt hàng, nhiều người mượn cớ “té nước theo mưa” thì sẽ tác động lớn đến những người thu nhập thấp”, chuyên gia kinh tế TS Đinh Trọng Thịnh quan ngại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *