Những năm gần đây rộ lên một phong trào trong giới trẻ đó là buông bỏ, chữa lành, tu tập tâm linh. Nhiều người trẻ rời bỏ đô thị, không muốn bám trụ ở những thành phố lớn nữa hoặc vẫn ở thành phố nhưng chủ động thất nghiệp để “bớt áp lực, bớt bon chen”.
Buông bỏ khi mà ta chưa có gì có thể là một trạng thái ngộ nhận về những khái niệm “biết đủ để hạnh phúc”, “tìm về bên trong để có bình an”. Nếu không cẩn thận nó là một biện minh vi tế cho sự lười biếng. Lằn ranh ấy rất mong manh.
10 năm qua tôi đi rất nhiều chuyến đi ra bên ngoài, khắp các nước từ vùng Himalayas đến các quốc gia, vùng lãnh thổ dọc theo Con đường Tơ lụa Silk Roads cổ xưa. Và tôi nghiệm ra rằng, nếu ta đi ra bên ngoài chưa đủ nhưng đã vội vã tìm con đường trở về bên trong, rất có thể ta bị nhầm lẫn giá trị.
Buông bỏ, chữa lành thậm chí tìm con đường tu tập giải thoát đều là những lựa chọn rất đáng trân trọng nhưng đó là khi bạn đã đi ra ngoài đủ nhiều để nhìn rõ hơn về bên trong, khi ta đã tạo ra rất nhiều giá trị thật sự cho bản thân, gia đình và xã hội.
Để có thể buông bỏ bạn phải rất hiểu mình, rất nhiều trải nghiệm, phải “lên bờ xuống ruộng” với cuộc đời để không đưa ra quyết định một cách hồ đồ, thiếu trách nhiệm.
Tôi cũng từng đứng trước những lựa chọn rất quan trọng, rất bước ngoặt cho cuộc đời. Đó là tiếp tục công việc đang làm, tiếp tục gắn bó với cái nghề mà mình đã có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản hay dứt bỏ để chọn một con đường mới. Đó là thời điểm 10 năm trước, khi tôi 30 tuổi.
Năm 2014 tôi quyết định phải đi một chuyến xa và dài để tạm thời thay đổi cái quỹ đạo đã quá quen trong 10 năm làm công việc cũ, để có thêm những góc nhìn mới. Tôi chưa biết mình sẽ tìm thấy điều gì, nhưng trước mắt cứ phải đi ra ngoài cái đã. Tôi lựa chọn “đi bụi” xuyên Himalaya từ Nepal qua Tây Tạng với hành trình dài đúng 1 tháng.
Dừng công việc đã gắn bó gần 10 năm, tôi quyết định nhanh chóng bắt tay vào một công việc mới, một con đường mới. Trên con đường ấy tôi thực sự đi từ con số 0, từ vạch xuất phát.
Sau chuyến đi, tôi quyết định rẽ ngang, dừng công việc tôi đã làm được gần 10 năm. Hành trình ở Hy Mã Lạp Sơn một tháng cho tôi nhiều tác động mạnh. Đây là một vùng đất kì lạ, nó cho bạn những rung cảm để trực giác có thể lên tiếng. Tôi nhận ra mình rất trẻ và còn rất nhiều việc phải làm.
Bước vào tuổi “tam thập nhi lập” không phải là lúc để ta hưởng thụ thành quả hoặc bằng lòng với một công việc ổn định. Đây là lúc thích hợp để chúng ta bắt đầu một hành trình mới. Sau này khi quan sát quanh mình, tôi thấy nhiều người trẻ cũng cảm thấy hoang mang, chông chênh, mất định hướng ở ngưỡng tuổi 29-30.
Dừng công việc đã gắn bó gần 10 năm, tôi quyết định nhanh chóng bắt tay vào một công việc mới, một con đường mới. Trên con đường ấy tôi thực sự đi từ con số 0, từ vạch xuất phát.
Tôi nghĩ rằng mình có thể đưa cảm hứng về vùng đất Himalaya về Việt Nam thông qua những vật phẩm văn hoá, thông qua những chuyến đi, thông qua những phương pháp trị liệu cổ xưa để chính tôi và những người xung quanh tôi có thể cân bằng Thân – Tâm – Trí.
Nhưng trước tiên tôi phải cân bằng đã, phải hiểu về vùng đất này cái đã, nên sau chuyến đầu tiên tôi quyết định sẽ tiếp tục phải đi ra bên ngoài thêm nhiều chuyến. Suốt từ năm 2014 đến nay, tôi đã trở về vùng đất Hy Mã Lạp Sơn: Nepal, Tây Tạng, Bắc Ấn Độ, Bhutan… như trở về quê hương thứ hai.
Tôi nhận ra rằng, khi ta đủ yêu một thứ gì đó, đủ yêu một con đường thì con đường ấy cũng cho ta nhiều nguồn cảm hứng kì lạ để sáng tạo và mang lại nhiều giá trị cho chính mình và xã hội.
Hành trình đi để học, để hiểu về vùng đất này cũng là hành trình giúp tôi hiểu về chính mình. Con đường đi ra bên ngoài và đi vào bên trong dần dần hoà vào làm một.
Nhiều người nói với tôi: Được làm việc mình thích là hạnh phúc. Nhưng tôi cũng ít khi phải băn khoăn về việc có yêu thích công việc mà tôi đang làm hay không vì gần như công việc và cuộc sống của tôi không tách biệt.
Tôi nhớ khi tôi và những người bạn đồng hành đến Everest Base Camp bên phía Tây Tạng lần đầu tiên thì cả nhóm bị say độ cao. Có người sau khi bị sốc độ cao sẽ cảm thấy sợ nhưng với tôi đó là một trải nghiệm lý thú để hiểu về Himalaya vì thể tôi đã quyết định càng ngày càng đi lên cao hơn.
Từ năm 2015- 2019 tôi đã đi trekking nhiều cung trek trên rặng Himalaya ở Nepal và Tây Tạng: Everest Base Camp, Annapurna Circuit, Upper Mustang, kora Mt Kailash… rồi đến năm 2023 tôi quyết định thử sức với môn leo núi tuyết bằng chinh phục đỉnh núi đầu tiên là Merapeak cao gần 6500m.
Tháng 3/2024 vừa qua, tôi cũng đã hoàn thành chinh phục đỉnh Ama Dablam một đỉnh núi khó cao gần 7000m ở Nepal. Thông thường chinh phục được Ama Dablam là người ta có thể nghĩ đến chinh phục đỉnh Everest- nóc nhà thế giới, nhưng tôi vẫn muốn đi thêm những đỉnh núi khác.
Một phần tôi muốn mình rèn luyện thêm, một phần tôi muốn tiếp tục “đi ra bên ngoài” để hiểu thêm về bên trong để rõ biết xem tôi đã thực sự sẵn sàng về cả thể chất lẫn năng lượng cho một hành trình kì vĩ như Everest hay chưa.
Hành trình đi để học, để hiểu về vùng đất này cũng là hành trình giúp tôi hiểu về chính mình. Con đường đi ra bên ngoài và đi vào bên trong dần dần hoà vào làm một.
Hạnh phúc là trải nghiệm hành trình chứ không phải đích đến- tôi vẫn luôn quan niệm như thế. Sau 10 năm đến Himalaya tôi đã tạo ra những không gian văn hoá mang tên “Ngôi nhà Tây Tạng” ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành nhưng hành trình khám phá về nguồn năng lượng vùng đất linh thiêng, bí ẩn Himalaya là một chuyến đi dài bất tận. Nó giống như ta được khám phá tâm thức, năng lượng và đi vào bên trong chính ta.
Khởi đầu một con đường mới từ điểm xuất phát chỉ là đam mê, tôi nghĩ rằng chúng ta luôn có một cơ hội để học được từ những điều mới, lĩnh vực mới, thách thức mới. Có không ít giai đoạn tôi gặp những trở ngại, thậm chí vấp ngã tưởng như không thể vượt qua nhưng rồi tôi nhìn lại điểm xuất phát của lựa chọn và nghĩ nếu hạnh phúc là trải nghiệm con đường và thành công cũng là trải nghiệm con đường mà mình đã chọn thì chúng ta đâu cần quá bận tâm rằng, bao giờ thành công sẽ đến và phải tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn của thành công?
Tôi tin rằng, không phải chỉ có con đường trở vào bên trong theo cách từ bỏ, theo cách “né” áp lực, theo cách chiều chuộng cái tôi. Bạn vẫn hạnh phúc khi đi ra bên ngoài, thậm chí phải chịu vô số áp lực. Từng bước chân ra bên ngoài, hướng ngoại, chiến đấu vì mục tiêu, làm việc cực nhọc để có một cuộc sống sung túc, miễn là mỗi bước chân bạn luôn ý thức được sự cân bằng giữa bên ngoài với bên trong.
Hãy cẩn thận bởi lằn ranh giữa sống đơn giản, tự biết hài lòng với một đời sống hết nhuệ khí, hết động lực rất mong manh, ta rất dễ bị nhầm lẫn. Nên nhớ biết an, biết đủ khác hoàn toàn với lười biếng, tự ru ngủ bản thân.
Những lý thuyết bình an từ bên trong, hạnh phúc là biết đủ ấy là khi bạn phải trải nghiệm bên ngoài rồi để hiểu rằng thật ra cân bằng được giữa cái bên trong và cái bên ngoài mới là con đường của bình an. Nên trước tiên đừng ngại phải ra ngoài, phải vượt thoát khỏi những giới hạn, phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Tất nhiên, đó là hành trình ta phải chấp nhận trả giá để nhận ra những bài học.
Cậu bé chăn cừu trong Nhà Giả Kim của nhà văn Paulo Coelho đã phải vượt qua eo biển, vượt xa mạc đến chân Kim Tự Tháp mới thấy kho báu linh hồn bên trong. Nếu mãi đứng ở bờ bên này “bờ” không dám chấp nhận bỏ đàn cừu để đưa cuộc đời trôi dạt trên lưng lạc đà cậu ta có thể mãi mãi không tìm thấy nơi cuộc đời cậu thuộc về và nơi linh hồn cậu trú ngụ.
Đi ra bên ngoài là con đường phải thực hiện trước để ta chấp nhận một thách thức nữa trong xã hội hiện đại đang phát triển với gia tốc chóng mặt. Đó là, ta phải tìm thấy bên trong ngay kể cả khi đang ở bên ngoài.
Thật ra con đường tìm về bên trong không phải là con đường tìm một “hầm trú ẩn”, thoát ly căng thẳng, xô bồ, thị phi của đời sống, không phải là con đường buộc ta từ bỏ những khát khao rất con người. Đam mê và ham muốn chính đáng có thể đưa ta đến những chân trời mới của tự do và chuyển hoá.