ong-thich-minh-tue:-“nguyen-mot-doi-bo-hanh,-tam-noi-song-suoi,-chang-khai-niem-kho-khan”

Ông Thích Minh Tuệ: “Nguyện một đời bộ hành, tắm nơi sông suối, chẳng khái niệm khó khăn”

Ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú (43 tuổi) quê gốc ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có thời gian tu tập trong chùa nhưng giờ ông tự tu và thực hiện hành trình bộ hành gây sốt trên mạng xã hội.

Ông Thích Minh Tuệ:

Ông Thích Minh Tuệ nghỉ chân tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Ngày 18/5, ông Thích Minh Tuệ chia sẻ với báo Dân Việt từ tên gọi, mục đích bộ hành: “Minh có nghĩa là sáng, tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này”.

“Hiện nay, nếu nói con tu tại gia cũng không đúng, vì không tu tại nhà, con cũng không tu tại chùa. Con làm theo Đức Phật Thích Ca dạy, học tập theo 3 Y và 1 bát của ngài”, ông Thích Minh Tuệ, nói.

Ông Thích Minh Tuệ:

Nhiều người dân đứng xung quanh ông Thích Minh Tuệ dùng điện thoại quay video tại một bãi đất trống tại Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Ông Minh Tuệ cho hay: Đức phật trên con đường tu tập, thường sống ở gốc cây, ở rừng núi, hang đá, bãi tha ma… tập học 13 pháp hạnh đầu đà (Pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần). Tổng trì tất cả các pháp tạng, những gì Đức Phật Thích Ca dạy ông đều học cả.

“Con đi bộ không phải muốn truyền tải gì cả, Đạo Phật của Thích Ca đã thuyết rồi, giáo lý và chánh pháp, sách … đã có, mọi người cần học ở đó nên con không cần truyền bá gì nữa. Hiện nay con cần thực hành lời Phật dạy để hoàn thiện bản thân, để đem lợi ích của mình cho mọi người. Nếu mình có thì mọi người cũng hạnh phúc.

Con tập học theo Đức phật, chưa là hạt cát nên đang cố gắng, hiện con không thuộc Giáo hội hay chùa nào không thuyết pháp, giảng đạo”, ông Minh Tuệ nói.

Ông phát nguyện mình sẽ đi bộ hành suốt đời. Nếu mưa thì dừng chân, nắng lên sẽ tiếp tục bộ hành. Trong quá trình bộ hành, ông Minh Tuệ sẽ chỉ ăn cơm chay một bữa vào sáng sớm từ bố thí của người hữu duyên, có tâm từ bi. Buổi trưa trở đi ông sẽ không nhận thức ăn, nước uống của ai cả.

Ông Minh Tuệ tắm rửa ở sông suối hoặc xin nhờ các cây xăng trên đường đi bộ hành. Y phục là những tấm vải nhặt được ở nghĩa địa, trên đường đi. “Những tấm vải người dân cố tình vứt cho con thì con không lấy, con chỉ lượm vải ở ngoài đường rồi may áo mặc”, ông Minh Tuệ nói.

Ông Minh Tuệ nói thêm: “Đối với con tất cả đều là khó khăn và không khó khăn. Nếu cho đó là khó khăn thì nó là khó khăn, mình vượt qua được thì không còn khó khăn nữa. Không phải cái này khó hơn cái kia, có người cho đó là khó khăn, người khác lại nói là không tùy theo mình nghĩ. Mình thấy an lạc, hạnh phúc thì là không khó khăn nữa”.

Chia sẻ về gia đình, ông Thích Minh Tuệ nói: “Từ tháng 10/2017, con về nhà làm giấy chứng minh liên quan đến một số công việc cá nhân, từ đó đến nay con không về nhà nữa. Con sẽ cố gắng tu hành, làm điều thiện để đền ơn sinh thành, dưỡng dục với họ. Con hiện không có tài sản, vật chất chỉ ước nguyện và cho họ niềm tin rằng mình không làm khổ họ”.

Ông Minh Tuệ nói thêm: “Con biết mọi người bộ hành theo con, nhưng nhiều người chen lấn, xô đẩy ai cũng muốn quay phim, chụp hình đó là tự mình làm tắc giao thông của mình. Nếu mọi người đi theo bộ hành, rèn luyện sức khỏe thì nên đi thẳng hàng, nề nếp, yên lặng và trật tự không quay phim sẽ không ảnh hưởng đến ai”.

“Những người đi cùng không phải là đệ tử của con, họ cũng giống như mọi người tự tu tập. Con nói với họ rằng muốn đi thì đi, muốn về thì về, tự học tập nếu họ hỏi con về vấn đề gì thì con chia sẻ với họ. Nếu đi để tu tập, tu hành theo lời phật dạy thì hãy đi, còn nếu đi để vì tiền, để làm việc gì khác thì họ tự chịu con không liên quan đến họ, họ không liên quan đến con”, ông Thích Minh Tuệ tâm sự.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *