Người nuôi tằm ở Vọng Nguyệt: Vất vả nghề “ăn cơm đứng”
Người nuôi tằm: Vất vả nghề “ăn cơm đứng”
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Ngô Văn Tấn (76 tuổi) ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khi lứa tằm ông nuôi vừa trải qua lần lột xác thứ tư. Những con tằm bò lúc nhúc trên mặt 3 nong tre được kê song song tại chiếc giá gỗ đặt giữa nhà. Nghe tiếng tằm ăn lá dâu rào rào, ông Tấn giải thích: “Con tằm vào thời điểm gần chín thường ăn rất khỏe. Thành ngữ có câu ‘Ăn như tằm ăn rỗi’ là vì thế”.
Người đàn ông 76 tuổi chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi nuôi tằm chủ yếu để ươm tơ hoặc bán nhộng làm thức ăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu ‘chuộng’ ăn tằm. Do vậy, hiện tại, gia đình tôi cũng chỉ nuôi tằm để bán làm thực phẩm. Đến bất cứ đám cưới nào của thôn Vọng Nguyệt đều có thể thấy một đĩa tằm rang trên mâm cỗ”.
Chỉ tay vào những con tằm đang ngọ nguậy trên đám lá dâu, ông Tấn cho biết thêm: “Chi phí bỏ ra cho việc nuôi tằm là khá ít, lại quay vòng nhanh, chỉ sau hơn 3 tuần đã có thể đem bán được nếu nuôi ‘ghép’. Một lứa nuôi tằm kéo dài trong khoảng 40 ngày, mỗi tháng tôi thường chỉ nuôi 1 lứa và thu về từ 30 đến 50kg tằm. Thu nhập hàng tháng dao động từ 5 đến 6 triệu đồng”.
Vừa thái lá dâu cho tằm ăn, ông Tấn vừa tâm sự về những khó khăn trong việc nuôi tằm: “Công việc này rèn luyện cho tôi tính cẩn thận, kiên trì rất cao. Đầu tiên là trong công đoạn cho ăn, một nong tằm đặc sẽ ăn khoảng 1kg lá dâu mỗi bữa, cứ cách 3 tiếng phải cho chúng ăn 1 lần. Như vậy một ngày cần cho tằm ăn 8 lần, cả ban đêm. Nếu chất lượng tằm tốt đều thì tôi đỡ vất vả vì không phải nhặt nhiều, nhưng nếu tằm xấu thì sẽ phải nhặt liên tục để bỏ đi những con hỏng”.
Trên đường dẫn phóng viên tới tham quan vườn dâu được trồng để nuôi tằm, ông Tấn say sưa tiếp lời: “Người ta gọi nghề nuôi tằm là nghề ‘ăn cơm đứng’ vì nếu đang ăn cơm mà trời có dấu hiệu mưa là phải chạy ngay đi để hái lá dâu. Tằm ăn lá dâu dính mưa sẽ bị chết. Riêng vào mùa mưa, lá dâu ướt thì tôi sẽ phải trải ra sân để phơi khô”.
Ông Tấn nhấn mạnh: “Thức ăn cho tằm cần đặc biệt lưu ý phải là lá dâu sạch, dâu không được trồng trên các vùng đất mà xung quanh họ phun thuốc sâu hoặc đất nhiễm vị cay, đắng. Chẳng hạn như người ta trồng hoặc phơi ớt bên cạnh là mình cũng không được hái lá dâu đó cho tằm ăn vì con tằm sẽ chết”.
Những năm qua, vợ chồng ông Tấn đã sử dụng hơn 4 sào đất (khoảng 1.440 mét vuông) chuyên trồng dâu để nuôi tằm. Người đàn ông 76 tuổi cho hay: “Mỗi năm, tôi lại đốn dâu 1 lần vào thời điểm cuối tháng 12 âm lịch chứ không cần trồng lại. Trước đó, vợ chồng tôi phải làm cỏ sạch sẽ, rồi bón phân, chủ yếu là phân hữu cơ, sau này nuôi tằm thì lấy phân tằm để bón lại cho dâu”.
Theo ông Tấn, mùa nuôi tằm ở Vọng Nguyệt thường kéo dài từ tháng 2 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm (tránh nuôi vào mùa rét). Trung bình, mỗi nong thu được khoảng 5kg tằm tươi với giá 110.000 đồng/kg. Tằm chín đến đâu, thường có khách hàng đến nhà mua tới đó, số còn lại sẽ được vợ chồng ông mang ra chợ bán.
Nghề nuôi tằm Vọng Nguyệt: Ký ức về một thời kỳ phát triển thịnh vượng
Nhớ lại thời kỳ phát triển thịnh vượng của của nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Vọng Nguyệt, bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi) tâm sự: “Trước đây, nhà nào nhà nấy đều trồng dâu, nuôi tằm. Bản thân tôi cũng làm công việc này từ thời con gái tới lúc hơn 60 tuổi mới thôi. Nhân công làm việc đều là người trong nhà cả. Già, trẻ, gái, trai mỗi người một việc, nhờ nghề truyền thống này mà thu nhập của các gia đình cải thiện đáng kể”.
Trên con dốc nối triền đê với dòng sông Cầu, bà Gái nhìn về 4 hướng xung quanh rồi hồi tưởng: “Ngày ấy, cứ đến Vọng Nguyệt là thấy bạt ngàn màu xanh của những nương dâu trải dài suốt triền đê. Nhưng giờ đây, nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống, không còn nhiều gia đình nuôi tằm. Các vườn dâu ngày xưa đã được trồng thay thế bằng cây ăn quả”.
Cũng gắn bó hơn nửa đời người với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà Chu Thị Thơm (75 tuổi) nhấn mạnh: “Trước đây, nghề nuôi tằm là nghề nuôi sống người dân Vọng Nguyệt. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do sự ô nhiễm từ các khu công nghiệp nên nhiều gia đình không còn trồng dâu, nuôi tằm nữa vì không đáp ứng được chất lượng tằm ở mức tiêu chuẩn. Chưa kể, đa số người trẻ họ thích đi làm ở các công ty để có mức thu nhập cao hơn so với việc ‘nối nghiệp’ ông bà, cha mẹ chăn tằm”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đăng, trưởng thôn kiêm Giám đốc Hợp tác xã thôn Vọng Nguyệt cho biết: “Nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương chúng tôi có ý nghĩa rất quan trọng. Trong tiềm thức của nhân dân thôn Vọng Nguyệt, xưa kia cha ông lập nghiệp bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, do vậy hiện nay vẫn còn một số người cao tuổi, trung tuổi tiếp tục duy trì công việc này để bảo tồn nghề truyền thống”.
“Hiện tại, diện tích đất trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn thôn Vọng Nguyệt đã thu hẹp lại còn khoảng 5.000 mét vuông, với 6 hộ gia đình tiếp tục làm nghề. Nhà nước cùng với cấp huyện, cấp xã đều tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tằm có cơ hội để phát huy nghề truyền thống của địa phương. Bản thân tôi cũng luôn động viên những người trung tuổi trong thôn nếu có thời gian rảnh thì tiếp tục trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập, còn thế hệ trẻ thì cố gắng học thêm kinh nghiệm từ thế hệ đi trước để bảo tồn nghề truyền thống do cha ông để lại”, ông Đăng chia sẻ thêm.