Đam mê xê dịch
Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, hiện tại sống và làm việc tại Hà Nội, cô gái sinh năm 1995 sớm có đam mê xê dịch, thích đi du lịch một mình bằng xe máy. Vừa qua cô đã có chuyến đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam được cô ấp ủ từ năm 2018.
Chia sẻ với Dân Việt, Nguyễn Minh Huệ cho hay, cô đã đi qua 27 tỉnh, thành phố, vượt qua 4.000km, trải qua rất nhiều trải nghiệm thú vị, được ngắm nhìn, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Được hiểu biết thêm về văn hóa tại các địa phương, văn hóa người Chăm, thưởng thức nhiều món ăn mang đậm nét vùng miền, được gặp gỡ với những người dân rất thân thiện. Đối với cô, đó là điều tuyệt vời trong quãng đời thanh xuân của mình.
Minh Huệ gọi chuyến đi của mình là “hành trình của những điều trùng hợp”, bởi năm nay cô 29 tuổi, xuyên Việt trong 29 ngày, kết thúc vào ngày 29/2.
“Tôi là người đam mê xê dịch. Trước đó, tôi đã từng có những chuyến đi ngắn, đi xe máy một mình khám phá những cung đường, điểm đến Tây Bắc. Ngoài ra, tôi đi du lịch Nha Trang, Đà Nẵng tôi cũng thường thuê xe máy và một mình lái xe khám phá các điểm đến.
Năm 2022, bạn Nguyễn Thị Yến hay còn có Nickname: Yến Vi Vu đã đi xuyên Việt một mình bằng xe máy, bạn đã có những trải nghiệm rất thú vị được chia sẻ trên trang của bạn ấy, tôi rất ngưỡng mộ và đặt câu hỏi, bạn Yến đi được, vậy tại sao mình không thể đi? Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi quyết định thực hiện chuyến đi này.
Tôi xuất phát từ Hà Nội, trước đó thì tôi đã về Điện Biên mượn xe dream của anh trai đi xuống Hà Nội để bắt đầu chuyến đi. Xe máy của anh tôi đã mua được 12 năm, cũng không còn mới nhưng khá chắc chắn, hơn nữa tôi đã mang xe đi kiểm tra rất cẩn thận trước ngày lên đường.
Chặng dừng nghỉ đầu tiên của tôi là ở Thanh Hóa. Ngày thứ hai, từ Thanh Hóa tôi đi một mạch đến Quảng Bình, đây cũng chính là chặng đường “nặng đô” và mệt nhất với tôi. Xuất phát từ 5h sáng tại Thanh Hóa và đến Quảng Bình là 20h, khi tôi chia sẻ chặng đường này trên mạng xã hội, nhiều bạn nam vào bình luận, tôi quá lì và “trâu bò”.
Vì muốn đi đúng lịch trình đã định nên đây là chặng tôi đi dài nhất và bắt buộc phải đi tối. Thực sự có lúc tôi cũng có chút e ngại, bởi có những đoạn đường không có đèn đường, trời thì tối, đèn xe cũng không sáng. Nhưng may đã không có chuyện gì xảy ra.
Từ Quảng Bình tôi vào đến Huế, Đà Nẵng rồi từ đó đi Tây Nguyên, đến Măng Đen, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, Quy Nhơn… xuống miền Tây đi An Giang và điểm cuối là Thành phố Hồ Chí Minh”, Minh Huệ cho biết.
Xúc động trước tình cảm của người dân ở các vùng miền
Theo Minh Huệ, vùng đất khiến cô ấn tượng nhất chính là huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.
“Khi tôi đến Tri Tôn, An Giang, tôi đã rất bất ngờ và ngỡ ngàng, cảm giác như mình đang lạc đến một đất nước nào đó mà không phải ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp người Chăm, được nhìn những người đàn ông mặc váy trong sinh hoạt, lao động hay hành lễ. Được trò chuyện, chia sẻ với những người phụ nữ Chăm dễ thương, hiền lành, tất cả mọi người đều thân thiện.
Văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tại các ngôi chùa Chăm thì quá đẹp, chi tiết điêu khắc tinh xảo. Ẩm thực thì phong phú, đa dạng, từ đặc sản tới bình dân, các món ăn đều mang hương vị, văn hóa ẩm thực của người Chăm, độc đáo và lạ miệng.
Khi đến đây tôi đã bị nghiện nước uống thốt nốt, bởi nó có vị đường đặc trưng, ngọt, thanh mát mà không phải hương vị quả nào cũng có được.
Tôi ở đến 3 ngày, thời gian lưu trú lâu nhất trong hành trình của mình tại các tỉnh và tôi biết mình chưa khám phá hết nơi đây, còn quá nhiều điều lạ lẫm mà tôi cần phải quay lại. Chắc chắn thời gian tới, tôi sẽ thu xếp và có chuyến quay trở lại vùng đất này”, Minh Huệ chia sẻ.
Hỏi Minh Huệ, suốt hành trình xuyên VIệt có gặp sự cố hay nguy hiểm? Cô cho biết, chuyến đi xuyên Việt của cô gặp quá nhiều may mắn và chỉ hai lần bị thủng săm, ngoài ra không gặp bất kỳ sự cố hay nguy hiểm nào.
“Trước khi đi, tôi đã được bạn trai cùng bạn bè chia sẻ kinh nghiệm. Ở mỗi chặng đường, tôi tìm hiểu trước, nơi mình đến, cung đường mình di chuyển, tính toán thời gian di chuyển, tránh đi vào những cung đường vắng, ít người đi, hai bên đường ít người dân sinh sống, không di chuyển vào ban đêm, bởi nhỡ nếu tôi gặp chuyện bất trắc về xe hay gặp nguy hiểm khác sẽ khó tìm được người hỗ trợ, cứu giúp.
Ngoài ra, trước khi lên đường tôi cũng đã chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết như sạc điện thoại, pin dự phòng, máy ảnh, máy tính, tai nghe. Quần áo thì mang áo gió, quần áo mỏng, dễ khô và tính toán mang vừa đủ, tránh mang nặng. Tất thì nên mang tất cao cổ, bên cạnh đó là vành, găng tay lái xe, găng tay ống, một đôi dép lê…
Mục tiêu của tôi đặt ra trước chuyến đi là thời gian 29 ngày. Mục tiêu tiếp theo là tính toán chi phí hợp lý nhưng không quá tằn tiện, xiết chi tiêu tới mức khốn khó. Nhưng tôi cũng không tiêu hoang phí. Trên cung đường đi, tôi vào những quán ăn bình dân, thưởng thức những món ăn mà người dân nơi đó hay ăn, những món đặc trưng ở vùng đó để tôi hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của vùng đó. Và quả thực món ăn ở các địa phương rất ngon, lạ, thậm chí độc đáo.
Còn chỗ ở, tôi không ở khách sạn, homestay mà tôi thường book trước một giường ở phòng tập thể, bởi ở đó hợp lý, vừa tiết kiệm tiền mà tôi lại được giao lưu với những dân mê đi phượt như tôi. Được chia sẻ kinh nghiệm, kết bạn mới. Do đó mà cả chuyến đi và về bằng máy bay tôi chi tiêu hết 15.000.000 triệu đồng”, Minh Huệ cho biết.
Nhìn lại chuyến đi, Minh Huệ cho hay, cô đã tích lũy được nhiều kỹ năng trong cuộc sống, hiểu thêm nhiều kiến thức ở mỗi vùng miền mình đi qua. Đồng thời kết bạn được với nhiều người mới ở trên mỗi chặng đường mình tới.
“Nếu ai đó hỏi tôi, bây giờ sự giàu có nhất của bạn là gì, tôi sẽ trả lời: Đó là sự trải nghiệm, là những chuyến đi. Tôi biết thêm nhiều điều mới mẻ, tích lũy kinh nghiệm cuộc sống, học cách giải quyết các vấn đề, khó khăn bất ngờ.
Có những cung đường tôi đi qua, tôi đã phải dừng lại thốt lên rằng: Việt Nam ơi, đẹp quá!. Tôi cảm thấy tuổi thanh xuân của mình không phí hoài mà còn có thêm hành trang đó là những chuyến đi”, Minh Huệ tâm sự.