tam-“tay-trung”-len-ban-mo-bong-nhien-ca-nguoi-man-do,-ngua-ran

Tắm “tẩy trùng” lên bàn mổ bỗng nhiên cả người mẩn đỏ, ngứa ran

Bác sĩ Nguyễn Hà Anh, khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu-Dị ứng. Bệnh viện Quân đội 108 chia sẻ, khoa vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 56 tuổi, không có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn. 

Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn tiết niệu có chỉ định phẫu thuật. Trước khi mổ, người bệnh sau khi tắm với dung dịch sát khuẩn trước mổ Lifo Scrub (thành phần chính là Chlorhexidine). 

Khoảng 15 phút sau tắm, bệnh nhân có biểu hiện xuất hiện các tổn thương da rải rác toàn thân, tập trung chủ yếu ở thân mình, có đặc điểm tổn thương cơ bản là các ban đỏ thẫm màu, kích thước khoảng 1cm. Ngoài ra, một vài tổn thương trung tâm có mụn nước kích thước 1mm, tập trung thành mảng lớn, ngứa nhiều.

Người bệnh được bác sĩ chuyên ngành dị ứng thăm khám và chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng nghi do thuốc (kháng sinh, Chlorhexidine), xét nghiệm sàng lọc nguy cơ dị ứng bằng Độc tế bào với Lifo Scrub cho kết quả “nghi ngờ”.

Tắm

Hình ảnh tổn thương da của người bệnh ngày thứ 2 sau chẩn đoán xác định do dị ứng

Người bệnh được xử trí bằng corticoid toàn thân và tại chỗ, kháng histamin và truyền dịch. Tổn thương da của người bệnh có giảm đỏ, giảm ngứa, có xu hướng thoái lui sau 3 ngày. 

Người bệnh sau đó được chỉ định sát khuẩn bằng xà phòng tắm thông thường và phẫu thuật theo kế hoạch.

Theo bác sĩ Hà Anh, Chlorhexidine là chất sát khuẩn phổ biến được sử dụng để chuẩn bị da và niêm mạc trước phẫu thuật. 

Chlorhexidine có hoạt tính chống lại các vi khuẩn gram âm, gram dương và các nấm men, vì vậy được sử dụng để lau rửa vết thương, phòng tránh mảng bám răng và điều trị nấm men ở miệng. Tuy Chlorhexidine là chất sát khuẩn tương đối lành tính nhưng có khả năng gây ra phản ứng dị ứng.

Hiện nay, ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng dị ứng Chlorhexidine, các phản ứng quá mẫn từ phản ứng nhẹ ở da đến phản ứng phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng. 

“Việc phát hiện sớm các biểu hiện của dị ứng với một số các loại chất sát khuẩn thường quy cần được lưu ý bởi các y bác sỹ, nhân viên y tế. Đồng thời, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để tránh các trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Hà Anh nhấn mạnh. 

Bác sĩ Hà Anh cũng chia sẻ thêm, viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da. Viêm da tiếp xúc được chia thành viêm da tiếp xúc dị ứng (phản ứng tăng nhạy cảm của da với các dị nguyên) và viêm da tiếp xúc kích ứng (biểu hiện phản ứng da đối với tác nhân hóa học, lý học và sinh học bên ngoài).

“Người bệnh bị viêm da tiếp xúc thường có các biểu hiện là các dát đỏ, mảng đỏ da, mụn nước, bọng nước hay các mụn mủ, vết loét… tổn thương có thể kéo dài thành mạn tính như dày da, lichen hóa, bong vảy… cơ năng ngứa nhiều, có thể có triệu chứng đau rát, đau nhức.

Bệnh được chẩn đoán dựa vào bệnh sử tiếp xúc, khám lâm sàng, thử nghiệm áp da để xác định dị nguyên gây dị ứng. Điều trị bao gồm corticosteroid tại chỗ, thuốc chống ngứa và tránh các chất kích ứng và chất gây dị ứng”, bác sĩ Hà Anh cho biết. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *