Tổng cộng 102 dự án di sản kiến trúc đã được đưa vào Danh sách Di sản Kiến trúc Thế kỷ 20 Lần thứ 9, nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn các di sản trong nền kiến trúc của Trung Quốc thế kỷ 20. Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã chuyển từ “bảo vệ di tích văn hóa” sang “bảo vệ di sản văn hóa”, và nhận thức này sẽ mang đến những triển vọng mới cho phát triển đô thị và bảo tồn văn hóa.
Danh sách các dự án trong Danh sách di sản kiến trúc thế kỷ 20 lần thứ 9 của Trung Quốc được tiết lộ tại hội thảo “Tầm nhìn công khai về di sản thế kỷ 20 – Giới thiệu về danh sách di sản kiến trúc thế kỷ 20 lần thứ 9 của Trung Quốc” được tổ chức tại Thiên Tân. Danh sách này bao gồm: Phố Cổ Thiên Tân; hội trường đại biểu nhân dân tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc; Bảo tàng Nghệ thuật tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc và nhiều địa điểm khác.
Trung Quốc: Bảo tồn di sản kiến trúc thế kỷ 20
Một điểm nhấn học thuật của sự kiện chính là việc xuất bản sách chuyên đề (sách xanh) Báo cáo thường niên Di sản kiến trúc thế kỷ 20 của Trung Quốc (2014-2024).
Theo đó, ý nghĩa và giá trị của việc xuất bản sách xanh nằm ở việc tóm tắt quá trình phát triển của di sản kiến trúc thế kỷ 20 của Trung Quốc trong thập kỷ qua, đồng thời nêu bật những thành tựu của nước này trong việc tôn vinh di sản kiến trúc. Cuốn sách cũng đề xuất tầm nhìn phát triển tương lai cho loại hình di sản này.
Các chuyên gia trong ngành đã có các bài phát biểu quan trọng, xem xét khái niệm di sản kiến trúc thế kỷ 20 từ các góc độ khác nhau. Họ cũng cung cấp cho người tham dự một góc nhìn mới về việc khai thác và sử dụng di sản kiến trúc từ quan điểm quốc tế. Các chuyên gia tham gia khác cũng chia sẻ về kinh nghiệm thiết kế, hiểu biết sâu sắc, và cảm nhận của họ trong việc bảo tồn và phát triển di sản.
Shan Jixiang, Chủ tịch Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc kiêm Giám đốc Ủy ban Học thuật Bảo tàng Cố cung, cho biết “khai thác” chính là trọng tâm trong việc bảo vệ công trình này. “Di sản kiến trúc thế kỷ 20 không bị “đóng băng” mà luôn thay đổi theo thời gian. Một công trình hoặc khu di tích lịch sử phải được trao chức năng của ngày hôm nay, sử dụng đúng cách và được khai thác hợp lý.”
“So với các công trình cổ bằng gỗ truyền thống, di sản công nghiệp có phạm vi sử dụng rộng hơn”, Lấy Công viên Thủ Cương ở Bắc Kinh làm ví dụ, Shan giới thiệu về tầm quan trọng của việc “khai thác”.
“Công viên Thủ Cương từng là cơ sở sản xuất thép, nhưng nay đã trở thành công viên di sản công nghiệp sau khi ngừng sản xuất. Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn đang diễn ra tại Công viên Thủ Cương và chức năng của nó không ngừng được mở rộng”, Shan nói.
Ông nói thêm rằng bảo vệ di sản kiến trúc thế kỷ 20 không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ hay các cơ quan văn hóa mà là trách nhiệm của toàn dân.
Chỉ khi công chúng hiểu được giá trị của các di sản này và ý nghĩa của chúng đối với các thế hệ tương lai, chúng mới được bảo tồn cẩn thận, đạt được “sự tôn trọng” và trở thành động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, mang lại lợi ích cho đời sống thường nhật cũng như văn hóa của nhiều người hơn.
Về hiện trạng công tác bảo vệ di sản văn hóa Trung Quốc, Shan nói với Global Times rằng, Trung Quốc đã chuyển đổi từ “bảo vệ di tích văn hóa” sang “bảo vệ di sản văn hóa”; từ việc chỉ bảo vệ các di tích văn hóa cổ đại sang bảo vệ cả di sản văn hóa đương đại và thế kỷ 20; và từ việc chỉ bảo vệ “một cây cầu hay một tòa tháp” sang bảo vệ các hành lang giao thương hàng hóa và giao lưu văn hóa.
Việc khai thác các công trình không chỉ tiếp nối giá trị của di sản lịch sử mà còn mở ra những khả năng mới cho sự phát triển đô thị.
“Di sản kiến trúc thế kỷ 20 bắc cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Chúng ta nên cân bằng giữa công tác bảo vệ và khai thác, tạo tiền đề cho công tác xây dựng đô thị và bảo tồn văn hóa trong tương lai”, Shan nói.