bat-ngo-voi-doanh-thu-“khung”-tu-thi-truong-my-pham-o-viet-nam

Bất ngờ với doanh thu “khủng” từ thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam

Với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm.

Bất ngờ với doanh thu

TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế). Ảnh: Gia Khiêm

Tại triển lãm quốc tế về sản phẩm, công nghệ và dịch vụ làm đẹp (Vietnam Beautycare Expo 2024) TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn 2020 đến đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành mỹ phẩm phải đối mặt với tác động của một số gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát. Tuy nhiên, hiện tại ngành mỹ phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứ thị trường của Anh, nghiên cứu thị trường trên 80 nước), quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD.

“Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường nhiều tiềm năng và sức hút. Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng tạo dựng được một vị thế nhất định và xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Thịnh cho hay.

Ngoài ra, theo dữ liệu thống kê số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được công bố tại Cục Quản lý Dược và các Sở Y tế, trong 8 năm từ 2015-2022, tổng số Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là 296.116 phiếu trong đó mỹ phẩm nhập khẩu chiếm 70% về số lượng.

Bất ngờ với doanh thu

Hơn 200 gian hàng đại diện cho 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tại triển lãm. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, tuy nhiên, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở, tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean.

Thêm nữa, các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt, do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *