Nhà nhà làm giải chạy, người người thành runner
Trải qua nhiều năm phát triển phong trào, chạy bộ đang dần trở thành một môn thể thao phổ biến tại Việt Nam nói chung và các thành phố lớn nói riêng. Trong cộng đồng, không khó bắt gặp hình ảnh từ người già, thanh niên, phụ nữ, đến trẻ em tham gia chạy bộ tại các công viên, vỉa hè dọc các tuyến đường, đường nội khu trong khu dân cư, chung cư vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối.
Còn với khối doanh nghiệp, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đưa chạy bộ thành một hoạt động phong trào thường niên, giúp lan tỏa tinh thần đồng nhóm, gắn kết đối tác, khách hàng và xa hơn nữa là gây quỹ từ thiện từ cộng đồng qua các giải chạy trong và ngoài doanh nghiệp.
Phong trào chạy bộ phát triển nhanh và mạnh khoảng 2 năm gần đây, kéo theo sự xuất hiện của nhiều giải chạy phong trào. Tính riêng năm 2023, có 41 giải chạy phong trào có cự ly 42,195km (Full marathon – FM) được tổ chức ở Việt Nam, tăng 25% so với năm 2022. Những giải này thu hút hơn 264.000 người tham dự và diễn ra trên 27 tỉnh, thành.
Với năm 2024, chỉ tính riêng tháng 3 đã có 10 giải chạy, từ chạy trên đường bằng (road) cho đến chạy địa hình (trail). Luỹ kế cả năm 2024, nếu tính thật chi li, có gần 50 giải.
Phong trào liên tục phát triển, thành tích của runner cũng dần cải thiện.
Năm 2023, có hơn 29.000 lượt chạy Full marathon được ghi nhận hoàn thành – tăng 46% so với năm 2022, theo thống kê từ trang Vietnam’s Best Marathon và Sportstats.
Trong đó, Long Biên Marathon 2023 là giải đấu ghi nhận con số runner hoàn thành cự ly Full marathon cao kỷ lục, với 4.067 người.
Từ cải thiện sức khoẻ tới bệnh… ham thành tích
Trong bối cảnh trên, nhiều runner, từ mục tiêu tập luyện ban đầu là cải thiện sức khoẻ, giải tỏa căng thẳng, giảm stress, hạn chế được một số bệnh lý về tim mạch, chống béo phì và các bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu – theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, đã đặt những mục tiêu cao hơn, như: Chinh phục cự ly Full marathon trong thời gian dưới 4 giờ (sub 4), dưới 3h30 (sub 3:30) hoặc Half marathon dưới 2 giờ (sub 2), dưới 1h30 (sub 1:30)…
Việc đặt mục tiêu giúp các runner có thêm động lực tập luyện, đồng thời dành nhiều thời gian, tiền bạc hơn cho những bài tập chuyên môn (chạy biến tốc, chạy duy trì ở tốc độ cao – PV) và hoạt động phục hồi thể chất sau tập luyện (vật lý trị liệu, bổ sung dinh dưỡng – PV).
Tuy nhiên, việc đặt nặng thành tích dẫn tới hệ quả là việc tập luyện/thi đấu quá sức, thi đấu cự ly cao hơn giới hạn chịu đựng của bản thân hoặc tập luyện trong trạng thái cơ thể không thoải mái cũng dẫn tới một số hệ luỵ đáng tiếc với các runner.
Tham gia một giải chạy tại Quy Nhơn 2023 ngày 12/6/2022, cự ly 21km, runner T.C.Đ.Ph (SN 1977) gặp vấn đề về sức khoẻ và phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Sau hơn một ngày điều trị, runner này đã không qua khỏi.
Sự ra đi của anh Ph khiến cộng đồng chạy bộ phong trào xôn xao. Trong số những lời chia buồn gửi đến gia đình anh, có ý kiến cho rằng “sự mất mát này nhắc nhở runners cần tập luyện kỹ càng và đặt mục tiêu phù hợp, nhưng vẫn phải lắng nghe cơ thể khi vào race, trên hết vẫn là sức khỏe và chạy là hành trình tích lũy tài sản quí giá đó chứ không phải là thứ gì khác”.
Đầu tháng 3/2024, một nam sinh lớp 9 tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng rơi vào tình trạng cơ thể tím tái, rồi tử vong sau khi tham gia nội dung chạy 200m tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.
Một sự cố khác tiếp tục xảy ra trong tháng 3 với một runner tham gia giải Vietnam Ultra Marathon ngày 23/3 tại tỉnh Hòa Bình. Người đàn ông này có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe, ngất xỉu trên đường chạy và tử vong sau đó.
Mới đây, tại giải Tay Ho Half Marathon 2024 ngày 14/4 tại Hà Nội, một nam runner bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, khi cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim. Runner này được xác định có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.
Có dễ bị ngừng tim khi chạy không?
Thực tế, trên cả nước đã ghi nhận một số trường hợp ngất xỉu, ngừng tim, thậm chí tử vong khi tham gia các giải chạy phong trào, đối tượng gồm cả thiếu niên và người trưởng thành.
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Có dễ bị ngừng tim khi chạy đua hay không?”. Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam) và là giảng viên bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, có kinh nghiệm 10 năm chạy bộ – cho biết các nhà khoa học đã thu thập số liệu từ nhiều giải chạy bộ ở Mỹ giai đoạn 2000-2010, kết quả được đăng trên tờ New England Journal of Medicine – một Tạp chí y khoa lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới, theo đó:
Tỷ lệ ngừng tim cao hơn khi thi đấu cự ly FM với 1,01/100 000, trong khi cự ly HM chỉ là 0,27/100 000. Trong 59 ca ngừng tim, có 42 ca tử vong – tương ứng tỷ lệ 71%.
Trong số 10,9 triệu runner tham gia các giải chạy ở Mỹ giai đoạn từ tháng 1/2000 đến 5/2010 thì có 59 ca ngừng tim, tương ứng tỷ lệ 0,54/100.000. Số tuổi trung bình của các runner bị ngừng tim 42±13, trong đó 86% là nam giới.
Biến cố ngừng tim hay gặp ở cuối cuộc đua (1/4 cuối chặng đường – PV) với các nguyên nhân chính gây ngừng tim, gồm: Nhồi máu cơ tim (thường được cứu sống); Bệnh cơ tim phì đại (thường tử vong).
Cũng theo nghiên cứu, nhóm ngừng tim được cứu sống thường có thời gian tập chạy lâu hơn (20 năm so với 11 năm – PV) và quãng đường chạy tích luỹ mỗi tuần nhiều hơn (85 km/tuần so với 66 km/tuần – PV) so với nhóm tử vong.
Độ tuổi trung bình của nhóm ngừng tim được cứu sống là 53, so với nhóm tử vong là 34. Điều này có thể giải thích do nhóm tử vong phần lớn do nguyên nhân bẩm sinh (bệnh cơ tim phì đại có căn nguyên bất thường gen). Như vậy, đột tử trên đường chạy marathon lại hay gặp ở đối tượng trẻ tuổi.
Đáng lưu ý, khi so sánh nhóm ngưng tim được cứu sống và nhóm không kịp cứu sống (tử vong), những người sống sót được cấp cứu kịp thời hơn hẳn. Thời gian trung bình kể từ lúc có biến cố tới lúc được ép tim ở nhóm sống sót là 1,5 phút, so với 5,2 phút ở nhóm tử vong. Như vậy, kỹ năng ép tim là điều mỗi người– bất kể có phải nhân viên y tế hay không – cần thành thạo vì nó có thể cứu sống một mạng người.
Trước đó, nhiều chuyên gia y tế cũng nêu rõ có hai trường hợp tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất với VĐV trong khi tham gia thể thao: Có mắc các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt với VĐV có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, mà chính họ cũng chưa phát hiện; Các dị dạng về mạch máu có nguy cơ gây vỡ tại các điểm phình/dị dạng mạch.
Đột tử do rối loạn điện giải, mất nước… cũng là một số nguyên nhân khác, nhưng số lượng ít hơn.
Ngoài vấn đề tim mạch, hoạt động gắng sức khi chạy FM còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác, trong đó có thể gây mất chức năng thận. Theo đó, khi hoạt động gắng sức, các cơ phải hoạt động quá nhiều, thiếu khối lượng tuần hoàn sẽ dẫn tới không đủ cung cấp oxy và máu tới các vùng cơ.
Điều này sẽ gây ra hiện tượng tổn hại, chết tế bào cơ. Quá trình tế bào cơ bị phân hủy sẽ tạo ra các chất trung gian lắng đọng tại thận và khi thận không thể đào thải kịp sẽ gây ra suy thận cấp.
Vậy chúng ta rút ra bài học gì từ những điều trên: Thứ nhất, sức khoẻ là của bạn, không phải của Ban Tổ chức. Vì vậy, hãy quan tâm và giữ gìn.
Thứ hai, nên đi khám sức khoẻ định kỳ với tần suất ít nhất là một lần mỗi năm, để phát hiện những vấn đề sức khoẻ tiềm tàng không biểu hiện ra bên ngoài.
Thứ ba, bù nước và điện giải đầy đủ trong suốt cuộc đua, không bỏ qua trạm tiếp nước.
Và cuối cùng, chạy mệt thì nghỉ, tập thế nào chạy thế đó!
Chạy vì sức khoẻ bản thân, đừng vì thành tích! Hãy lắng nghe cơ thể của bạn, đừng nghe tiếng leng keng của Huy chương để rồi phải đánh đổi giá đắt.