Có những lao động vẫn bị “ép buộc đi làm ngày lễ 30/4 và 1/5” dưới hình thức khuyến khích
Chia sẻ về câu chuyện bị “ép buộc đi làm ngày lễ 30/4 và 1/5”, bạn Lương Thị Mỹ Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Tôi làm nhân viên văn phòng cho một công ty lữ hành, chuyên bán vé tour du lịch. Đúng ra vào các kỳ nghỉ tôi sẽ được nghỉ làm như quy định của luật. Tuy nhiên, công ty lúc nào cũng ‘khuyến khích’ nhân viên đi làm trong ngày này với lý do đông khách”.
Nhiều lần chị Mỹ Anh xin nghỉ (dù quy định là được nghỉ – PV) nhưng quản lý vẫn khó chịu ra mặt. “Nhà tôi cách Hà Nội 500 km, một năm mới có 1-2 kỳ nghỉ dài để về quê. Vì thế, dù lễ 30/4 và 1/5, công ty huy động tăng ca và trả lương cao hơn nhưng tôi vẫn muốn được nghỉ làm”, chị Mỹ Anh nói.
Thực tế, có những năm công ty huy động nhân viên làm thêm ngày lễ, nhưng mức tiền lương thấp, thưởng lễ không có nên nhiều anh em chán nản không muốn làm việc.
Chuyện tại công ty của chị Mỹ Anh không hề hiếm. Vào các kỳ nghỉ, dù nhiều người lao động không mong muốn đi làm thêm hay tăng ca ngày nghỉ nhưng thực tế vẫn bị công ty “ép” đi làm với những lý do trá hình: Ví dụ như: Do tính chất công việc; do khách hàng đông; do tiến độ bàn giao sản phẩm gấp…
Nếu không đi làm thì nhân viên lại bị gây khó dễ, mà đi làm thì không phải công ty nào cũng tuân thủ đúng chế độ (tăng tiền công khi đi làm ngày nghỉ, ngày lễ cho nhân viên).
Về vấn đề này bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cần có chế tài mạnh tay hơn trong việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Hiện nay mức xử phạt theo quy định còn nhẹ. Thứ nữa các hình thức thanh kiểm tra còn yếu nên ít khi phát hiện sai phạm của các doanh nghiệp vi phạm trong các quy định về thời giờ làm thêm.
“Bản thân người lao động cũng cần nâng cao kiến thức về pháp luật lao động và tham gia tố giác các tiêu cực, vi phạm liên quan tới quy định về thời gian làm thêm và tiền công, tiền lương ngày nghỉ”, bà Ngân nói.
Doanh nghiệp ép buộc đi làm ngày lễ 30/4 và 1/5 sẽ bị phạt tiền
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Dương lịch: 1 ngày; Tết Âm lịch: 5 ngày; Ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế Lao động: 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh: 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, nếu doanh nghiệp vi phạm quy định này ép buộc đi làm ngày lễ 30/4 và 1/5 sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Người lao động cũng cần hiểu rõ chỉ đúng những ngày lễ theo luật quy định ở trên được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương, còn những ngày nghỉ gộp thì không được tính. Ví dụ như năm 2024, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục do hoán đổi ngày làm việc để nghỉ gộp, và khuyến khích chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thực hiện cho người lao động nghỉ như đối với công chức, viên chức.
Tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu doanh nghiệp bắt ép đi làm vào ngày lễ sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP nêu rõ sẽ phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật. Hoặc huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp người lao động đồng ý đi làm ngày lễ thì thời gian làm việc tối đa là 12 giờ/ngày. Tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động. Từ 10 – 20 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động. Phạt từ 20 – 40 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động. Phạt từ 40 – 60 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động. Đặc biệt phạt 60 – 75 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.