Dân công sở nói tiền lương thấp, “ăn không đủ, lấy gì cống hiến”
Khác với công nhân, lao động làm việc theo sản phẩm, hưởng lương theo năng suất, đối tượng dân công sở là đối tượng làm việc toàn thời gian, tiền lương cũng chỉ được tính dựa trên mức tiền lương cơ bản.
Nguyễn Thị Tuyết Mai (37 tuổi), quản lý bán hàng tại công ty chuyên nhập khẩu vali tại Hà Nội cho biết: Dù công việc của chị khá bận, mệt vì tuần phải làm 6,5 ngày, đôi khi phải làm cả ngày lễ, tết, hoặc tăng ca, trực tối nhưng mức lương cũng không hề cao.
“Một tháng tổng thu nhập của tôi tầm 12 triệu, tháng nào cao được tầm 14 triệu đồng. Thu nhập không cao, công việc áp lực (thi thoảng khách hàng khiếu nại) nhưng tôi chấp nhận vì có thời gian rảnh để làm thêm ngoài”, chị Tuyết Mai nói.
Hiện nay ngoài làm ở công ty, chị Tuyết Mai còn làm thêm công việc bán vé máy bay. Công việc tạo thêm cho chị một khoản thu từ 5-7 triệu đồng/tháng. Chị Tuyết Mai cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại vì dù sao vẫn còn thời gian cho chị làm thêm.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Mai, nhiều chị em dân văn phòng nhận mức lương thấp lẹt tẹt chỉ 5-7 triệu đồng/tháng. Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (24 tuổi) ở phường Nguyễn Du Hà (Hà Nội) chia sẻ: “Mình làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm tháng chỉ được hơn 3 triệu đồng tiền lương. Đi lại ăn uống nhiều, tiền lương không đủ. Sếp thì nói ‘cứ cống hiến rồi mùa xuân sẽ tới’ nhưng ăn không đủ, lấy gì cống hiến đây”, Thùy Linh chia sẻ.
Mới đây, cô cùng với bố tới Phiên giao dịch Việc làm quận Hai Bà Trưng để tìm kiếm cơ hội việc làm. Bố của Linh cho biết: “Không cần công việc có mức lương quá cao, chỉ cần tiền lương đủ sống và công việc gần nhà là được”.
Cùng chung tâm trạng, nhiều dân công sở cũng cho rằng, tiền lương không đủ sống mà sếp cứ đòi phải cống hiến là không chuẩn.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, nhân viên văn phòng ở công ty công nghệ ở Hà Nội chia sẻ: “Muốn anh em cống hiến thì tiền lương cũng phải đủ sống, chứ tiền lương thấp cứ đòi cống hiến thì chúng tôi sống kiểu gì, vợ con chúng tôi sống kiểu gì”.
Theo anh Quang Tuấn, để có thể sống được ở Hà Nội, tiền lương thấp nhất phải đảm bảo đủ 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập để một lao động có thể nuôi được 1 con, với điều kiện là không phải thuê nhà.
Tiền lương thấp, sao bắt người lao động cống hiến
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay thu nhập của người lao động, nhất là công nhân lao động ở các thành phố lớp đang chưa đáp ứng được nhu cầu sống.
Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 được Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, 75,5% trên số 3.000 người được khảo sát cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ và 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Lan chưa có mức chuẩn để xác định mức sống tối thiểu. Mức sống tối thiểu mà Viện khảo sát đó là mức sống mà công nhân mong muốn. Tuy nhiên, mong muốn đó đều là những mong muốn duy trì cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu.
Theo các chuyên gia lao động, hiện nay giá nhà ở tăng cao, 1 căn chung cư giá rẻ (khoảng 50m2) cũng có giá ít nhất là 2 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tổng thu nhập vào khoảng 20 triệu đồng/tháng (mỗi tháng tiết kiệm được 10 triệu đồng) thì để mua được một căn chung cư lao động cũng phải tiết kiệm từ 20-30 năm.
“Một lao động nếu làm được 20 triệu đồng, tiết kiệm 10 triệu đồng thì 10 triệu đồng còn lại sẽ không đủ chi tiêu, nuôi 1 con ăn học. Tiền học của con ở trường công lập cũng mất khoảng 2 triệu đồng, cộng thêm tiền học thêm, ăn, tiền chi tiêu của cả gia đình… nếu cộng thêm cả tiền thuê nhà thì không đủ”, một chuyên gia phân tích.
Còn theo bà Lan, chuyện sếp kêu gọi nhân viên “cứ làm việc đi rồi tiền sẽ tới” nên nhìn nhận ở 2 khái niệm khác nhau.
Chế độ tiền lương nên nhìn nhận ở góc độ công bằng, tăng trưởng kinh tế. Tiền lương thấp là do năng suất lao động thấp, cũng có khi không phải là thế. Năng suất lao động có thể được cải thiện, kinh tế có sự tăng trưởng nhưng doanh nghiệp vẫn muốn trả lương thấp.
Còn nếu nhìn nhận ở góc độ thứ 2 thì câu chuyện trên thiên về nhìn nhận ở ý thức, giá trị văn hóa của doanh nghiệp, khuyến khích người lao động làm việc. Tuy nhiên, chủ sử dụng chỉ có thể khuyến khích lao động làm việc khi người lao động của họ nhận được tiền lương đủ duy trì cuộc sống tối thiểu.
Nếu nói “Cứ làm việc đi mùa xuân thì sẽ tới hay tiền sẽ đến, là không được. Cần thực hiện mức lương đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trước khi đòi hỏi người lao động cống hiến”, bà Lan nói.