Nam điều dưỡng suýt “quay xe” vì sốc trong ngày đầu làm việc ở viện dưỡng lão
Hơn 2 năm trước, anh Nghiêm Xuân Tùng (31 tuổi) quyết định nghỉ việc khi đang làm nhân viên xe cứu thương để chuyển về làm điều dưỡng ở viện dưỡng lão tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Thấy vậy, một người đồng nghiệp nữ liền ra sức can ngăn: “Mày không làm được viện dưỡng lão đâu. Tao từng làm rồi nhưng còn phải chạy đây này…”. Đây là một cô gái nhưng anh đánh giá rất xông xáo, thậm chí có thể tự tay bê bệnh nhân từ tầng 6 xuống tầng 1 khuyên.
Ngẫm vợ đang mang thai, công việc xe cứu thương nay đây mai đó, thậm chí có thời điểm đi xa mấy ngày mới trở về nên anh Tùng quyết định nghỉ để về chăm sóc các cụ ở viện dưỡng lão. Như vậy anh sẽ có thời gian chăm lo vợ con, cuộc sống gia đình.
Cuộc sống của cụ bà vượt hàng nghìn km ở viện dưỡng lão. Clip: Ngọc Hải
Ngày đầu tiên khi bước chân vào Viện dưỡng Diên Hồng, anh Tùng thực sự đã bị “sốc”. Anh sốc bởi công việc chăm sóc người cao tuổi trái ngược hoàn toàn với những gì mình đã làm từ trước. Nếu như trước đây, đi xe cứu thương anh làm cấp cứu, tiêm truyền, thay băng, rửa vết thương, chăm sóc về chuyên môn thì về viện dưỡng lão anh kiêm đa nhiệm vụ từ cho ăn, tắm rửa, vệ sinh cá nhân…
“Tôi là con trai nên nhận nhiệm vụ chăm sóc các cụ có sức khoẻ yếu. Nếu như các cụ khoẻ có thể tự đi vệ sinh cá nhân được nhưng với cụ yếu thì mình phải làm hết từ A-Z. Ngay cả việc thay bỉm tã cho các cụ cũng cũng phải tự tay làm. Ngày đầu làm việc tôi thật sự bị sốc”, anh Tùng kể lại.
Trở về nhà, anh Tùng vẫn chưa hết choáng, người nôn nao. Tối đó, anh không ăn cơm mà vào phòng nằm nghỉ. Thấy chồng về không nói lời nào, vợ hỏi thăm anh chỉ nói: “Anh mệt, em ăn cơm đi”. Vợ động viên: “Anh thử làm thêm 1, 2 ngày nếu không phù hợp thì tìm việc khác”.
“Viện dưỡng lão cho mỗi người khi mới vào làm thử việc trước 3 ngày, nếu ai thấy phù hợp mới quyết định. Nhiều người ngay ngày đầu tiên làm đã chạy mất dép. Ngày đầu tôi thấy nản lắm rồi khi mọi việc ngổn ngang, có cụ liên tục la hét cả ngày, có cụ thì chửi mắng thậm tệ… Tôi suýt bỏ để tìm việc khác, kể chạy Grab hay công việc nào đó cũng được.
Thấy tôi có vẻ nản, một số chị em ở trung tâm động viên nói: ‘Đừng nghỉ việc nhé, vào đây tuyển được người khó lắm, mãi mới tuyển được nam. Em bê các cụ thôi cũng được còn việc thay bỉm tã chị làm cho. Chị làm quen việc rồi’. Tôi cảm nhận được sự quan tâm của mọi người dành cho mình. Tôi tự động viên bản thân, mọi người làm được thì mình cũng sẽ làm được. Thế rồi tôi gắn bó công việc này cho tới bây giờ”, anh Tùng cười nói.
Nam điều dưỡng này cũng cho hay, chăm sóc các cụ cao tuổi không chỉ cần năng lực chuyên môn mà cũng phải là người nắm bắt tâm lý. Người cao tuổi mỗi người một tính nên phải nắm rõ tính cách từng người. Công việc này đòi hỏi người thực sự có tâm mới làm được.
“Có cụ rất khó tính, chỉ ăn cháo nóng. Tuy nhiên, đúng giờ ăn các cụ lên giường nằm nhất định không ăn. Một lát sau cháo nguội lại quát mắng. Lúc này chúng tôi biết tính liền đi đun lại cháo, động viên cụ mới ăn. Có cụ thì luôn muốn mình được ưu tiên đầu tiên như ngâm chân muối gừng hay pha sữa thì làm cho cụ bao giờ cũng phải trước tiên. Có người thì chỉ cần nhắc nhở giữ vệ sinh chung sẽ cáu gắt.
Tôi nhắc nhở: “Anh Vinh, phòng của anh bẩn, anh dọn đi nhé!”. Chiều tôi lại nhắc: “Anh Vinh nhé, dọn đi nhé!”. Sau anh ấy liền cáu: “Để anh dọn, nói lắm thế. Đến hôm sau, anh ấy nhận ra không phải với tôi liền chủ động đi ra bắt chuyện: Tùng ơi, cho anh xin lỗi! Biết tính cách từng người rồi nên tôi cũng quen”, anh Tùng tâm sự.
Chuyện chưa kể về những “siêu nhân” chăm sóc các cụ ở viện dưỡng lão
Chăm sóc cho nhiều người già yếu, lại là con trai nên những việc nặng hầu như sẽ do anh Tùng cáng đáng. Có cụ to, khoẻ khi bế các cụ lên giường hay vệ sinh cá nhân hoàn toàn dựa hết vào lực có lúc khiến anh đau điếng người hay ê ẩm lưng. Chính vì vậy mọi người gọi là anh và đồng nghiệp là “siêu nhân” vì mình rất dũng cảm khi chăm sóc người già.
Gắn bó với việc chăm sóc người cao tuổi ở viện dưỡng lão đến nay đã 6 năm, chị Lò Thị Linh (29 tuổi) nhận mình là người vô cùng “can đảm”. Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, chị đã quyết định về viện dưỡng lão làm việc qua lời giới thiệu của một người bạn. Lẽ dĩ nhiên, giống như anh Tùng, chị Linh cũng đã rất bất ngờ với công việc mình làm.
“Khi mới làm công việc chăm sóc các cụ tôi gặp không ít khó khăn. Phải tìm hiểu làm sao cho các cụ thoải mái nhất. Các cụ có cụ bệnh tật, tuổi cao khó tính. Lúc này mình không khác gì một nhà tâm lý học, bác sĩ học,… nên phải trau dồi nhiều kiến thức, làm sao cho khéo léo, các cụ thấy thoải mái, dễ chịu, an tâm nhất. Với các cụ khoẻ mạnh chúng tôi hỗ trợ chăm sóc ăn uống, vui chơi. Còn với cụ yếu đòi hỏi cần phải chăm sóc hỗ trợ toàn diện, hỗ trợ cho ăn, vệ sinh cá nhân, tắm rửa, di chuyển…”, chị Linh chia sẻ.
Theo chị Linh, mỗi tháng các điều dưỡng sẽ được phân công nhiệm vụ trực xuyên đêm. Mỗi nhân viên sẽ thường xuyên đi qua các phòng để biết được các cụ ngủ hay thức, cần gì sẽ hỗ trợ. Có những cụ bà đêm không không ngủ, đi lại suốt đêm.
“Công việc vất vả là vậy nhưng mỗi khi được người nhà tin tưởng, động viên, gửi lời cảm ơn nên chúng tôi cũng vơi đi cái mệt để cố gắng hơn. Có ông coi như con cháu, dù không ở đây nữa nhưng thi thoảng đi qua ông có quả xoài, quả cam hay cái kẹo lại mang cho khiến tôi rất cảm động”, chị Linh bày tỏ.
Có thâm niên lâu nhất khi gắn với viện dưỡng lão đến nay đã 10 năm, chị Vũ Thị Hồng Thơm (34 tuổi) chia sẻ, đã trải qua đủ công việc ở đây.
“Những ngày đầu, viện dưỡng lão còn ít, chúng tôi phải kiêm hết từ bếp, tạp vụ, phục vụ chăm sóc các cụ. Đến nay số lượng các cụ lớn hơn rất nhiều. Làm công việc này đòi hỏi phải có tâm, sự kiên trì mới làm được. Các cụ cao tuổi tính khí thất thường. Tôi nhớ có cụ bà rất khó tính. Khi vào trung tâm, bà toàn khóc. Sau tôi dành sự quan tâm, bà rất quý. Tôi cũng học hỏi được từ bà nhiều điều.
Khi tôi chuyển sang cơ sở khác, bà vẫn nhớ đến hỏi thăm, Tết năm nào bà cũng gửi tiền mừng tuổi dù không làm ở cơ sở cũ nữa. Hay có cụ ông, chúng tôi hay gọi là bố Khánh. Bố không có con, vợ mất nên đã vào trung tâm ở những năm tháng cuối đời.
Niềm đam mê của bố là thích xem bóng đá. Tôi thương vì tuổi già chỉ có mình bố. Có những ngày bố ốm, chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc… Công việc vất vả là vậy nhưng may mắn khi gia đình và chồng con luôn kề bên động viên, chúng tôi cảm thấy yên tâm, yêu nghề hơn”, chị Thơm nói thêm.