Bác sĩ Phạm Thị Phương Thảo, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mất giọng, khản tiếng, đã đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ.
Bệnh nhân là bà Bùi Thị Hường, 64 tuổi, trú tại xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nhập viện với biểu hiện khàn tiếng kéo dài.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, cách đây 2 tháng bệnh nhân tự nhiên xuất hiện khàn tiếng, khàn tiếng tăng dần, giọng nghẹt, phát âm khó, không nói to được, thi thoảng ợ hơi, ợ chua, không nuốt nghẹn, không khó thở, không sốt, không nôn.
Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi điều trị nội khoa nhưng không đỡ, tưởng mình mắc bệnh nghiêm trọng về tuyến giáp nên đã đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.
Sau khi thăm khám kỹ, bác sĩ bất ngờ cho biết, bà Hường bị mất giọng là do… stress.
“Đây là trường hợp bệnh nhân bị rối loạn giọng nói do tâm lý căng thẳng stress. Bệnh nhân đến khám với giọng căng nghẹt, khó phát âm, nói không rõ chữ và không nói to được. Các triệu chứng này xuất hiện một cách từ từ, tăng dần hoặc bệnh nhân đột nhiên không nói được”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Theo bác sĩ Thảo, trong những năm gần đây, rối loạn giọng nói có xu hướng gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều bởi do tính chất công việc như: giáo viên, ca sỹ, bán hàng, thuyết trình…
Do vậy, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ tại khoa Tai mũi Họng điều trị bằng phương pháp trị liệu giọng nói. Bệnh nhân đã hồi phục được giọng nói của mình trong thời gian ngắn.
Theo bác sĩ Thảo, rối loạn giọng nói do tâm lý căng thẳng, thường xảy ra ở nữ giới, với những người có tâm lý yếu chịu stress trong một thời gian dài hoặc sau một cú sốc tinh thần. Bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn giọng nói như trên.
Rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói của người bệnh trở nên thay đổi khác thường. Đây là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, cần được bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng chẩn đoán đúng và điều trị càng sớm, khả năng phục hồi giọng nói sẽ càng cao.
“Trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khoẻ mạnh, người bệnh cũng cần uống nhiều nước, có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản”, bác sĩ Thảo khyến cáo.