singapore-trung-'doc-dac'-khong-chi-nho-doc-quyen-taylor-swift

Singapore trúng 'độc đắc' không chỉ nhờ độc quyền Taylor Swift

Singapore trúng 'độc đắc' không chỉ nhờ độc quyền Taylor Swift- Ảnh 1.

Đã gần một tháng kể từ khi cơn sốt Eras Tour của Taylor Swift càn quét qua Đông Nam Á vào đầu tháng 3, những bàn luận xung quanh thỏa thuận độc quyền của Singapore với ngôi sao người Mỹ vẫn chưa dừng lại.

Gary Ng, nhà kinh tế học cao cấp phụ trách nghiên cứu chuyên đề Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis ở Hong Kong và là nhà nghiên cứu tại Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á ở Bratislava, đã có bài viết phân tích về kế hoạch dài hơi mà Singapore đã thực hiện để cuối cùng có được Eras Tour.

“Swiftonomics” (nền kinh tế Taylor Swift) đã lan truyền khắp nhiều nền kinh tế trong năm qua khi Taylor Swift tổ chức loạt concert cháy vé toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, việc ca sĩ người Mỹ chỉ dừng chân ở Singapore, tổ chức nhiều buổi hòa nhạc hơn bất kỳ thành phố nào ngoài Los Angeles (Mỹ) hay Toronto (Canada), đã tạo ra một làn sóng chỉ trích về ngoại giao.

Các chính trị gia ở những nơi bao gồm Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) phàn nàn về việc chính quyền của họ không đưa Swift đến thành phố của mình, hoặc chỉ trích “sự không thân thiện” của Singapore khi thực hiện thỏa thuận độc quyền.

Nhưng Gary Ng nhận định chắc chắn rằng thành công của Singapore với Eras Tour không chỉ là kết quả của một chương trình độc quyền trong khu vực được sắp xếp. Đúng hơn, nó là sản phẩm của việc lập kế hoạch tích cực, tầm nhìn tuyệt vời và một hành trình đầy thử thách.

Singapore trúng 'độc đắc' không chỉ nhờ độc quyền Taylor Swift- Ảnh 2.

Nhiều nơi ở Đông Nam Á đã tỏ ra bất bình khi Singapore là điểm dừng chân duy nhất của Eras Tour tại khu vực. Ảnh: The New York Times.

Chiến lược bài bản

Event tourism (du lịch sự kiện) có ý nghĩa quan trọng hơn sau thời kỳ Covid-19. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho du lịch và các trải nghiệm liên quan hơn là cho các chuyến đi mua sắm.

Từ Cao Hùng đến Hong Kong, đang ngày càng nhiều thành phố châu Á đầu tư vào du lịch concert nhằm mang lại cơ hội tăng trưởng mới hoặc tái tạo “vinh quang” cũ.

Những sự kiện như vậy thể hiện sự phối hợp kinh tế giữa các lĩnh vực bao gồm hàng không, bán lẻ và khách sạn, đồng thời cũng có thể đóng vai trò trong việc định hình hình ảnh toàn cầu của một địa phương.

Singapore đã có kế hoạch dài hơi với những bước đi bài bản để cuối cùng tổ chức được một sự kiện thành công như Eras Tour.

Vài năm trước, Sân vận động Quốc gia Singapore, trung tâm của khu phức hợp Trung tâm thể thao Singapore (Singapore Sports Hub) trị giá 1,39 tỷ USD, bị ví như “con voi trắng” – ám chỉ những công trình không được sử dụng nhưng chủ sở hữu vẫn tốn chi phí để duy trì.

Mô hình hợp tác công – tư đã dẫn đến chi phí thuê quá cao, cản trở các nhà tổ chức sự kiện.

Singapore trúng 'độc đắc' không chỉ nhờ độc quyền Taylor Swift- Ảnh 3.

Singapore đã có những thay đổi và kế hoạch bài bản để định vị mình là trung tâm tổ chức sự kiện trong khu vực. Ảnh: Straits Times.

Thay đổi xảy ra vào năm 2022, khi chính phủ tiếp quản quyền sở hữu với một thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ đôla Singapore và đặt khu phức hợp dưới sự quản lý của Kallang Alive Sport Management, một công ty nhà nước mới thành lập.

Chi phí thuê giảm đáng kể, một phần là do các khoản trợ cấp và ưu đãi gián tiếp của chính phủ.

Một tháng sau khi tiếp quản, chủ tịch của Kallang đã đến Los Angeles để gặp gỡ các nhà tổ chức sự kiện, bao gồm cả AEG Presents, khi công ty này mới bắt đầu bán vé cho các điểm dừng đầu tiên tại Mỹ trong Eras Tour và chưa công bố bất kỳ kế hoạch về các điểm dừng ở nước ngoài.

Ngoài sự chủ động này, Singapore còn có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới để hỗ trợ du khách đến tham dự các sự kiện và buổi hòa nhạc. Đối với các nhà tổ chức khai thác thị trường châu Á, vị trí của Singapore và sân bay được kết nối tốt, có hiệu quả rõ rệt giúp dễ dàng tiếp cận đối tượng khán giả tiềm năng đa dạng.

Ngoài ra, chiến lược dài hạn của chính phủ Singapore và ít rủi ro chính trị đã giảm những bất ổn có thể xảy ra. Tổng cục Du lịch Singapore đã điều hành Quỹ Sự kiện Giải trí từ năm 1998 để hỗ trợ các sự kiện có thể thu hút du khách.

Việc định vị Singapore như một trung tâm tổ chức sự kiện và hòa nhạc là một nỗ lực tập thể, có sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ, với định hướng chính sách rõ ràng và ít rủi ro về sự thay đổi đột ngột.

Cơ hội còn rộng mở

Eras Tour đã giúp Singapore mang đến một màn giới thiệu tuyệt vời về vị thế của mình. Với tư duy linh hoạt, chính phủ đã có thể tận dụng tối đa khoản đầu tư thông qua quảng cáo, chẳng hạn việc Phó Thủ tướng Lawrence Wong biểu diễn các bài hát của Swift bằng guitar trên Instagram và các nền tảng mạng xã hội khác.

Singapore trúng 'độc đắc' không chỉ nhờ độc quyền Taylor Swift- Ảnh 4.

Để tham gia vào cuộc chơi, chính phủ các nước Đông Nam Á khác cần có chính sách để thúc đẩy du lịch concert. Ảnh: The New York Times.

Chính phủ Singapore vốn chú trọng tới nền kinh tế và hoạt động kinh doanh hơn là tổ chức các hoạt động tương tác chính trị với những ngôi sao nổi tiếng đến thăm. Do đó, thỏa thuận độc quyền giữa chính quyền nước này và AEG nên được coi đơn giản là một vấn đề kinh doanh hơn là một nỗ lực nhằm làm suy yếu vị thế các nước láng giềng.

Tuy nhiên, thành công của Singapore với “Swiftonomics” không có nghĩa là sẽ không còn cơ hội cho phần còn lại của châu Á.

Hội nhập khu vực ngày càng tăng và mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn và gia tăng cạnh tranh lành mạnh đối với các sự kiện.

Sức chi tiêu ngày càng tăng của người châu Á có nghĩa là khu vực này có thể tạo ra nhiều hơn một trung tâm hòa nhạc. Nếu có sự phát triển mạnh mẽ, toàn bộ khu vực có thể thu hút nhiều du khách hơn.

Hầu hết láng giềng của Singapore đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú hơn, do đó có thể cung cấp gói du lịch hấp dẫn cho du khách xuyên biên giới.

Để tham gia vào cuộc chơi, chính phủ các nước Đông Nam Á khác cần phát triển chiến lược dài hạn của riêng mình và thành lập nhóm chuyên trách để điều phối và hỗ trợ du lịch concert.

Muốn thành công sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng và giao thông đạt tiêu chuẩn, cũng như có một môi trường chính trị ổn định.

Một số nhà phê bình có thể cho rằng đội ngũ của Taylor Swift lẽ ra không nên thực hiện thỏa thuận độc quyền với Singapore, vì điều đó khiến người hâm mộ ở các nước láng giềng phải tốn nhiều chi phí mua vé, đi lại hơn nếu muốn thưởng thức buổi biểu diễn của cô.

Nhưng không ai biết ban đầu đội ngũ Eras Tour có muốn thực hiện điểm dừng nào khác trong khu vực Đông Nam Á hay không. Điều rõ ràng là Singapore đang đi trước rất xa để định vị mình trong lĩnh vực du lịch và sự kiện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *