Ẩm thực Bình Phước được nhiều du khách đánh giá là đa dạng và phong phú, mang đậm nét văn hóa ẩm thực miền Đông Nam Bộ. Có những món ăn sơn hào hải vị, đặc sản đắt đỏ nhưng cũng có những món ăn rất bình dân, phổ biến, thậm chí món ăn vặt lai rai, vui miệng nhưng lại được chế biến cầu kỳ, hương vị khó quên.
Ẩm thực Việt Nam: Canh thụt
Nếu có dịp đến với mảnh đất này, món ăn đầu tiên mà du khách nhất định phải thử chính là canh thụt. Món canh thụt độc đáo này được tạo nên từ nhiều loại rau rừng khác nhau như lá nhíp, củ nén, ớt tươi cùng nhiều loại gia vị đặc trưng. Có tổng cộng khoảng 10 loại nguyên liệu được sử dụng để làm nên món ăn này và sự kết hợp của chúng tạo nên một hương vị riêng biệt cho canh thụt. Để món ăn thêm thơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng, người làm còn cho thêm tôm, thịt, cá vào quá trình chế biến canh thụt.
Cách chế biến canh thụt cũng cầu kỳ không kém gì lúc chọn nguyên liệu. Để làm ra được một món canh thơm ngon, đúng chuẩn canh thụt của đồng bào S’tiêng, người chế biến phải chọn một cây lồ ô trưởng thành vừa đúng, không quá già hay quá non. Nếu chọn cây lồ ô quá non, nhựa từ cây có thể chảy ra và làm nón canh thêm đắng rất khó ăn. Còn nếu già quá thì khi nấu canh thụt dễ bị bể ống, chảy hết ra bên ngoài.
Khi nấu canh thụt, phải để ống lồ ô hơi nghiêng thay vì dựng đứng, đun lửa nhỏ và quay đều để các nguyên liệu trong món canh thụt được chín đều và lan tỏa được hương thơm ngây ngất nhất. Sau khi canh thụt chín, sẽ đem ra và cho thêm vào một vài loại gia vị khác như tiêu, ớt, rau thơm nhằm giúp món ăn thêm bắt mắt và hương vị được trọn vẹn hơn.
Thưởng thức một chén canh thụt, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được hương thơm từ lá nhíp, đọt mây, ớt… hòa quyện cùng với nhau. Chút vị đăng đắng của đọt mây chỉ xuất hiện trong muỗng đầu tiên thưởng thức và không hề ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Sang tới muỗng thứ hai thì sẽ hoàn toàn cảm nhận trọn vẹn được hương vị của canh thụt. Tất cả rau rừng quyện hòa cùng nhau tạo nên một đặc sản trứ danh đất Bình Phước.
Ẩm thực Việt Nam: Bánh hạt điều
Một món ăn vặt siêu ngon mà nhiều du khách, bạn trẻ rất thích đó là bánh hạt điều. Để làm món bánh này thì người làm cần chuẩn bị nguyên liệu là hạt điều. Sau đó là phần bột sẽ được nhào từ các nguyên liệu như bột quế, bột nổi, bột mì, trứng gà, đường, dầu ăn. Còn hạt điều sẽ được giữ nguyên hạt, nặn bánh xong thì đặt hạt lên trên, cho vào lò nướng cho đến khi bánh chuyển màu vàng ruộm bắt mắt là được. Khi thưởng thức loại đặc sản Bình Phước này, du khách sẽ cảm nhận được hương vị xốp của phần bột, vị bùi bùi và thơm lừng của hạt điều nướng.
Ẩm thực Việt Nam: Gỏi hạt điều Bình Phước
Hạt điều không chỉ là đồ ăn vặt ngon mà còn là nguyên liệu chế biến nên những món ăn cực kỳ đậm đà và hấp dẫn. Món gỏi hạt điều thường có nguyên liệu gồm tôm, thịt, các loại rau thơm, đu đủ bào, cà rốt bào và đặc biệt là hạt điều tươi. Linh hồn của món ăn này nằm ở hương vị nước sốt sánh sánh, sền sệt, được bóp đều và ngấm đẫm vào từng loại nguyên liệu.
Khi thưởng thức món này, du khách sẽ cảm nhận được độ giòn, bùi, ngậy của hạt điều quyện vào với vị ngọt của thịt lợn, tôm và mát của rau thơm khiến du khách sẽ nhớ mãi không quên.
Ẩm thực Việt Nam: Đọt mây nướng
Đọt mây nướng dưới than củi hồng sẽ có mùi cực kỳ thơm, ăn vào có vị mát, bùi, hơi đắng một chút. Đọt mây ăn kèm với muối ớt vắt chanh nữa là tròn vị. Đặc biệt món này cũng có tác dụng rất tốt cho cơ thể, vừa giải rượu lại vừa trị được đầy hơi nên du khách cứ an tâm thưởng thức.
Ẩm thực Việt Nam: Gỏi trái điều
Chắc hẳn du khách đã biết một trong những đặc sản Bình Phước chính là hạt điều. Chính vì thế mà người dân nơi đây đã tận dụng những trái điều thơm ngon để làm nên món gỏi trái điều cực kỳ hấp dẫn. Gỏi trái điều có vị chua chua lại ngọt ngọt kết hợp với một chút tôm và thịt, thêm một ít gia vị để tăng độ mặn. Đến Bình Phước thì nhớ phải thưởng thức qua gỏi trái điều đầy hấp dẫn.
Ẩm thực Việt Nam: Lá nhíp xào
Lá nhíp hay rau nhíp là một loại rau rất phổ biến và được xem là một trong những đặc sản Bình Phước. Lá nhíp sẽ được thu hoạch từ khi vẫn còn non để đảm bảo cuống lá xanh, phần lá hơi phớt hồng để tốt cho sức khỏe khi sử dụng. Lá nhíp có thể dùng để chế biến thành nhiều món như: Lá nhíp xào, nấu lẩu, nấu canh, xào với thịt,… Lá nhịp có vị ngọt, vừa bùi vừa dẻo khi chín nên rất ngon.