de-xuat-goi-bhyt-bo-sung:-giam-tien-tui,-tang-quyen-loi

Đề xuất gói BHYT bổ sung: Giảm tiền túi, tăng quyền lợi

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc…

Một là BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật BHYT mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia BHYT theo Luật BHYT. 

BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT;

Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.

Đề xuất gói BHYT bổ sung: Giảm tiền túi, tăng quyền lợi- Ảnh 1.

Người dân tham gia BHYT bắt buộc khi đi khám chữa bệnh, tỷ lệ chi từ tiền túi vẫn khá cao. (Ảnh minh họa: Khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Hai là BHYT thương mại là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội.

Đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của 2 loại BHYT này, Bộ Y tế cho biết, BHYT thương mại dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. 

Tuy nhiên các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần BHYT bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. 

Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.

Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết và chưa có vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế để kiểm soát và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm sức khỏe trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phi lợi nhuận.

Còn BHYT bắt buộc, dù phạm vi quyền lợi của BHYT của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. 

Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia BHYT vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi. 

Gói BHYT bổ sung: tăng quyền lợi, giảm tiền túi

Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng thì việc quy định BHYT bổ sung là rất cần thiết.

“Quy định hình thức BHYT bổ sung liên kết với BHYT thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức thương mại là: “Bảo vệ và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia BHYT”, Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Đề xuất gói BHYT bổ sung: Giảm tiền túi, tăng quyền lợi- Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc (Phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Về việc đa dạng hóa các gói BHYT, bà Trần Thị Trang – Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) đã cho biết, loại hình BHYT bắt buộc hiện nay là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước đảm bảo để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, với mức đóng cố định và “vừa đủ” để mọi người dân đều có thể tham gia nên quyền lợi BHYT bắt buộc cũng sẽ có những hạn chế về dịch vụ y tế, thuốc hay vật tư được thanh toán.

“Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn”, bà Trang chia sẻ.

Mục tiêu của gói BHYT bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ “tiền túi” của người bệnh.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc.

Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp. Bộ Y tế sẽ xây dựng các dịch vụ tăng thêm sao cho không trùng lắp với BHYT bắt buộc.

Theo Bộ Y tế, việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào ‘thời kỳ già hóa dân số” và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.

Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *