Đây là một trong những đề xuất tại cuộc họp về tình hình triển khai chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh, ngày 5/3.
Người lao động được hỗ trợ ra sao khi di dời lên phía Bắc?
Ông Lưu Tấn Tiến – Giám đốc công ty TNHH Sơn Tison (TP.Thuận An), cho biết khi di dời lên phía Bắc của tỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng di dời nhưng vấn đề đáng ngại nhất là khâu tuyển dụng lao động.
Người lao động cũ có đi theo doanh nghiệp đến chỗ mới hay không; nhu cầu ăn ở, học hành cho con cái của người lao động cũng cần giải quyết.
Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, đề nghị tỉnh cần cần xử lý khéo việc di dời, từ tiêu chí, danh sách doanh nghiệp và lộ trình cụ thể, để không gây nên những xáo trộn quá lớn từ nhân sự đến tài chính.
Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương, cho biết trong năm 2024, tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời lên phía Bắc.
Song song đó, Sở Công Thương hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời; và triển khai thí điểm di dời, dự kiến di dời 5-7 doanh nghiệp để tổng kết, đánh giá.
Sở Công Thương Bình Dương đề xuất sẽ có 2 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện di dời lên phía Bắc.
Đối với người lao động, tỉnh sẽ hỗ trợ trong thời gian doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất; chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời.
Tại địa điểm mới di dời về, Bình Dương sẽ hỗ trợ đào tạo nghề đối cho công nhân cũng như có chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời lên phía Bắc
Với doanh nghiệp phải di dời lên phía Bắc, tỉnh sẽ thực hiện các hình thức hỗ trợ về khuyến công, xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong KCN.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa điểm mới.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề xuất cần có chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp di dời như: Chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cho rằng các tiêu chí bắt buộc di dời cần phải liệt kê cụ thể. Với các doanh nghiệp chưa thuộc diện bắt buộc di dời, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích di dời.
Ngoài các quy định chung, Bình Dương cần xem xét cụ thể, nhất là chính sách vay vốn với mức lãi vay ưu đãi theo chính sách riêng của tỉnh.
Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh, việc di dời, chuyển đổi công năng phía Bắc là định hướng lớn để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh; đồng thời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng. Việc thực hiện phải từng bước theo lộ trình với tinh thần hỗ trợ là chính. Các nhóm giải pháp sẽ được tập trung để hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời.