Đã qua rằm tháng Giêng, nhưng hiện không ít gia đình vẫn còn bánh chưng để trong tủ lạnh. Nhiều người thấy một vài chiếc bánh chưng bị mốc trắng ở phần góc bánh, nhưng không bỏ đi. Ai cũng cho rằng, chỉ cần cắt đi phần mốc, phần bánh chưng còn lại vẫn có thể ăn được.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Mai Thị Hoà (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Tết năm nào cũng vậy gia đình chị từ quê ra Hà Nội sinh sống và làm việc gia đình cũng gửi cho nhiều bánh chưng. Tuy nhiên, mang ra chị để trong tủ lạnh không ăn lâu ngày bánh có hiện tượng bị mốc trắng bên ngoài.
“Bố mẹ tôi năm nào cũng gói thêm để con cháu mang ra ăn sau Tết. Tuy nhiên, nhiều khi bận không ăn hết bánh mốc chút vỏ bên ngoài tiếc nên tôi cũng chỉ cắt phần mốc đi rồi cho vào rán ăn, chỉ giữ lại phần bánh vẫn thơm ngon nên không vấn đề gì. Nhiều năm nay tôi đều làm như vậy có thấy vấn đề gì đâu”, chị Hoà chia sẻ.
Giống với gia đình chị Hoà, gia đình chị Hương Trang (29 tuổi, Hà Nội) thời điểm hiện tại cũng vẫn còn 4 chiếc bánh chưng trong tủ lạnh. Vì sợ tăng cân nên Tết vừa rồi chị hạn chế ăn bánh chưng, mà lại được 2 bên nội ngoại cho những 8 cái nên đến giờ vẫn chưa ăn hết.
“Hôm rằm tôi bỏ bánh ra xem thì thấy có biểu hiện mốc ở ngoài lá, tôi định vứt đi nhưng mẹ chồng tiếc nên vẫn cứ cất trong tủ lạnh. Tôi sợ mốc của bánh chưng lây sang cả những thực phẩm khác, nên không thích nhưng cũng đành chiều bà. Hơn nữa, bánh mốc rồi mà vẫn ăn thì tôi thấy không ổn chút nào, sợ ăn vào bị ngộ độc mà bà thì cứ giữ bảo chỉ cần cắt bỏ phần mốc đi” chị Trang nói.
Không chỉ riêng gia đình chị Hoà và gia đình chị Hương Trang, nhiều người cũng cho rằng, khi bánh chưng bị mốc thì chỉ cần cắt bỏ phần mốc, sau đem rán hoặc hấp phần còn lại là vẫn có thể ăn được. Vậy cách làm này có đúng hay không?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, bánh chưng sau khi luộc thường sẽ được vớt ra và rửa lại bằng nước. Trong quá trình rửa ít nhiều sẽ khiến bánh bị nhiễm vi sinh vật, nếu không được bảo quản tốt thì mốc sẽ phát triển ở phần lá, nhất là ở 4 góc, rồi dần phát triển vào bên trong bánh.
“Có nhiều loại mốc, nếu bằng mắt thường thì có thể thấy mốc trắng, mốc đỏ, mốc đen, mốc vàng… Mỗi loại mốc sẽ làm biển đổi thực phẩm thành một mùi vị khác. Như đối với tương bần – tương làm bằng đỗ tương và gạo nếp, loại mốc dùng để làm tương có tên khoa học là Aspergillus Oryzae, mốc này có màu vàng, giúp biến tinh bột thành đường, làm cho tương có vị ngọt. Loại mốc này là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của tương. Tuy nhiên đối với các loại mốc khác thì sẽ khiến tinh bột có vị chua, khó ăn và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, mốc ở bánh chưng thường không có mốc vàng mà sẽ là mốc trắng, mốc đen. Những loại mốc này sẽ khiến tinh bột có vị chua, khi phát triển ở môi trường giàu protein như thịt ở trong bánh chưng thì vi khuẩn Salmonella có thể sẽ tạo thành độc tốt Aflatoxin. Ngoài ra, trong bánh chưng bị hỏng cũng có thể chứa vi khuẩn Ecoli, loại vi khuẩn này nếu ăn phải sẽ gây bệnh tiêu chảy.
Chính vì vậy, ông Thịnh nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn nhất thì không nên ăn bánh chưng đã bị mốc. Tuy nhiên nếu bánh bị mốc ít thì cũng có thể tận dụng bằng cách cắt gọt kỹ hết phần mốc, phần còn lại có thể nấu lại bằng cách rán, hấp… để sử dụng.
“Nếu chỉ mốc nguyên phần lá thì cần bóc hết phần lá, cắt bỏ phần bánh sát lá. Nếu bánh bị mốc trắng như màng nhện ở phần gạo thì cần cắt gọt sâu, làm sao để hết các chân mốc rồi mới sử dụng để chế biến lại. Còn khi bánh bị mốc quá nhiều, vào đến tận phần đỗ, phần thịt thì tốt nhất không nên tiếc vì ‘tham thực thì cực thân’, ăn vào ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Thịnh nói thêm.