Cuộc sống người phụ nữ từng bị trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội bây giờ ra sao?
Một ngày đầu năm 2024, chúng tôi gặp lại chị Tạ Thị Thu Trang (hiện 49 tuổi) khi đang tất bật chuẩn bị bát bún cho khách tại cửa hàng ăn nhỏ của mình ở phố Đặng Dung, quận Ba Đình, Hà Nội. Cách đây gần 8 năm, câu chuyện chị Trang đi tìm bố mẹ ruột gây xôn xao dư luận. Mẹ của chị Trang là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Ba Đình vào ngày 10/10/1974.
Khi nhân viên y tế trao con, bà Hạnh mang số 33 nhưng nhận được đứa trẻ số 32. Lúc này bà Hạnh thắc mắc thì được nữ hộ sinh giải thích trong lúc tắm rửa, số bị mờ. Bà đi tìm những đứa trẻ đánh số gần cạnh thì đều đã được gia đình đưa về. Tay ôm con về nhưng trong lòng bà Hạnh chất chứa bao canh cánh trong lòng. Mặc dù vậy, vợ chồng bà rất yêu thương con. Đứa trẻ đó chính là chị Trang.
Nỗi trăn trở của người phụ nữ từng bị trao nhầm suốt 42 năm. Clip: Gia Khiêm
Thế nhưng càng lớn chị Trang càng không giống bất cứ ai trong gi đình. Thậm chí, có lúc vợ chồng bà Hạnh còn ngờ vực sự chung thuỷ của nhau. Bỏ qua tất cả sự hoài nghi, thậm chí định kiến của người ngoài cả hai vợ chồng bà Hạnh chăm sóc yêu thương chị Trang vô bờ bến.
Năm 2016, bà Hạnh nghĩ khoa học phát triển, tại sao không thử xét nghiệm ADN để xoá tan những suy nghĩ trong lòng suốt bấy năm qua. Bà lén lấy sợi tóc của con gái mang đi xét nghiệm thì cho kết quả chị Trang không phải con mình. Lấy hết can đảm, một ngày bà Hạnh nói ra sự thật cho con gái biết.
Bà mong muốn tìm đứa con bị thất lạc và tìm bố mẹ ruột cho chị Trang. Sự việc bị trao nhầm con 42 năm trước ở nhà hộ sinh được chia sẻ lên mạng xã hội nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây cũng là chuyện vô cùng hy hữu xảy ra ở Thủ đô.
Ba tháng sau, bà Hạnh đã tìm được người con bị trao nhầm, chị Trang cũng biết bố mẹ mình là ai. Những tưởng câu chuyện đi tới đoạn kết có hậu nhưng đến hiện tại, nhiều vấn đề xảy ra khiến chị Trang cũng như bà Hạnh không khỏi hụt hẫng.
“Thời điểm đó khi câu chuyện bắt đầu gây xôn xao mạng xã hội thì bạn sinh cùng ngày về nhận mẹ tôi, nhận gia đình, anh chị em. Bạn ấy cũng về nói chuyện với bố mẹ mình về việc bị trao nhầm: ‘mẹ ơi con không bao giờ đưa một người lạ nào thay thế chỗ của con cả, con khẳng định với mẹ. Trang là con của mẹ và sự việc bị nhầm khi ấy là vậy’ “, chị Trang nhớ lại.
Nhận được cha mẹ, chị Trang mừng khôn xiết. Bố mẹ chị cũng hỏi cuộc sống bao năm qua của con gái thế nào. Chị cho biết luôn được gia đình bên này yêu thương, che chở.
“Mẹ bảo sau khi sinh thấy đúng số nên bế về nuôi và không mảy may nghi ngờ gì. Chính vì vậy khi sự việc xảy ra, bố mẹ tôi khó chấp nhận được sự thật có phần ngang trái này”, chị Trang chia sẻ.
Đôi mắt chị Trang hiện rõ nỗi trăn trở, u buồn khi ngược về quá khứ. Người về nhận bà Hạnh là mẹ được 2 tháng rồi cắt đứt liên lạc, không qua lại nữa.
“Hồi đầu tôi buồn và khóc rất nhiều. Tôi suy nghĩ không biết mình đã làm sai điều gì để con gái đến nhận lại mẹ rồi lại không liên lạc nữa. Từ đó đến nay gần 8 năm trôi qua con gái không liên lạc gì với tôi nữa”, bà Hạnh buồn nói.
Sự việc trao nhầm con 42 năm và dang dở ước mong thử ADN của người trong cuộc
Còn về phần mình, 8 năm qua, chị Trang vẫn đi lại, thăm hỏi bố mẹ. Thế nhưng, sự xuất hiện của chị cũng chưa thực sự được gia đình chào đón. Cách đây hơn 3 tháng, chị viết một lá thư gửi mẹ mình và quyết định dừng liên lạc bởi cảm thấy sự xuất hiện của mình khiến đấng sinh thành phiền lòng.
Trong thâm tâm, chị Trang bảo, nếu có một điều ước, chị ước bản thân mình đừng biết gì cả, mọi thứ chỉ như một giấc mơ thôi. Còn khi đã biết rồi, chị lại háo hức đi tìm nguồn cội, cuộc sống không thể trở về như trước được. Và nếu được chọn lại, chị sẽ vẫn đi tìm bố mẹ, để biết được người đã sinh ra mình.
Cho đến hiện tại, điều mà chị Trang còn buồn, còn trăn trở nhất là chưa được làm xét nghiệm ADN với bố mẹ ruột. Chị chỉ mong được làm xét nghiệm để biết chính xác đó có phải là bố mẹ mình hay không, để con cháu biết tổ tiên thật sự của mình là ai.
“Có lần tôi nói chuyện với mẹ ruột về việc thử xét nghiệm ADN nhưng bà từ chối. Bà nói trước sau gì bà cũng sẽ thử ADN với tôi nhưng chưa phải bây giờ. Nhưng thời gian đã gần 8 năm trôi qua mà bố mẹ tôi vẫn không muốn làm”, chị Trang chia sẻ.
Cũng theo chị Trang, sau đó người bị trao nhầm với chị gọi điện đến với lời lẽ khiến chị và bà Hạnh không khỏi tổn thương.
“Tôi chỉ mong mỏi được xét nghiệm ADN với bố mẹ để muốn được biết chính xác chứ không phải băn khoăn như suốt bao năm qua. Lúc nào tôi cũng sống trong sự nghi ngờ. Có ADN là chứng minh 100% không phải suy nghĩ. Rồi về sau đến đời con cháu mình không bị lấy nhầm huyết thống chứ tôi không vì bất kể lý do nào khác”, chị Trang bùi ngùi nói thêm.
Ngày 21/2, chị Tạ Thị Thu Trang đã làm đơn kiến nghị tới Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trình bày về trường hợp của mình, khẩn thiết mong được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và nêu rõ: “Tôi không yêu cầu bồi thường hay khiếu nại gì, chỉ mong được giúp đỡ để tìm được người thân”.
Trong đơn, chị Trang viết: “Trong quá trình 7 năm qua, tôi và bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nhiều lần đặt vấn đề thử ADN để xác minh chính xác tôi có phải con gái ruột của ông H., bà D. không nhưng chị L. A. và gia đình ông H., bà D. không hợp tác, không hỗ trợ. Nay tôi làm đơn này kính mong Thanh tra Sở Y tế Hà Nội giúp đỡ, để tôi được xét nghiệm ADN, tìm ra bố mẹ đẻ của tôi.
Trong trường hợp bà D., ông H. không phải là bố mẹ của tôi, tôi cũng rất mong Thanh tra Sở Y tế Hà Nội giúp đỡ tôi trong quá trình tìm kiếm những công dân sinh ra ngày 10/10/1974 ở nhà hộ sinh ngõ Hàng Bún, giúp đỡ cho tôi được phép thử ADN cùng các phụ huynh của các công dân này, cho tôi có thể tìm được bố mẹ đẻ của mình…”.
Trước những chia sẻ của chị Trang về vấn đề này, PV Dân Việt cũng đã liên hệ với người bị trao nhầm cùng thời điểm với chị nhưng chưa nhận được phản hồi nào về vấn đề này!
Trao đổi với PV Dân Việt, sáng ngày 28/2, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Phương Đông, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận được đơn phản ánh của chị Tạ Thị Thu Trang.
“Hiện chúng tôi đang giao cho đơn vị chuyên môn kiểm tra lại thông tin. Thời điểm xảy ra sự việc từ năm 2016. Đây là vấn đề dân sự theo quy định liên quan đến việc xác định cha mẹ, con cái được thực hiện tại cơ quan hộ tịch hoặc toà án.
Tuy nhiên chúng tôi đang kiểm tra cụ thể Sở Y tế Hà Nội đã xử lý thông tin gì, sau sẽ mời trực tiếp chị Trang lên trao đổi, làm việc để hướng dẫn cụ thể. Trước đó, Sở cũng đã cùng nhiều bên tham gia hỗ trợ vụ việc này. Thanh tra Sở có trách nhiệm đơn vị thường trực trong giải quyết đơn, còn giải quyết do đơn vị chuyên môn của Sở trên tinh thần hỗ trợ công dân hết mức”, ông Đông nói thêm.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chuyện nhầm lẫn con có thể xảy ra khi có sự bất cẩn của nhân viên y tế với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những năm trước đây khi quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh và cơ chế quản lý chưa tốt.
“Thực tế đã xuất hiện một số trường hợp nhầm lẫn con là các trẻ sơ sinh, sau nhiều năm sau mới phát hiện. Sự việc trên là một sự việc đáng tiếc, mang đến nhiều cảm xúc cho những người trong cuộc. Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân liên quan đến hộ tịch và mối quan hệ dân sự. Nguyên tắc giải quyết sẽ căn cứ vào quy định của luật dân sự, luật hộ tịch và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân sự để giải quyết”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp có tranh chấp về quan hệ cha con thêm một trong các bên có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Căn cứ để chứng minh quan hệ cha mẹ con trong trường hợp này sẽ căn cứ vào kết quả giám định ADN. Việc giám định ADN sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật. Giám định này hồi hỏi các bên phải tự nguyện và cung cấp mẫu.
“Vụ việc này xảy ra đã lâu, những người con cũng đã trưởng thành bởi vậy vấn đề nuôi dưỡng con không còn được đặt ra. Vấn đề còn lại là cải chính hộ tịch của những người con để trở về họ của cha đẻ, thủ tục này thực hiện tại phòng Tư pháp nơi người con cư trú. Sau khi có kết quả giám định ADN thì người con cùng cha đẻ mẹ có thể tới phòng tư pháp để làm thủ tục nhận cha con theo quy định pháp luật. Nếu có tranh chấp về vấn đề xác định cha mẹ con thì có thể gửi đơn đến toà án để được giải quyết”, luật sư Cường nói thêm.