Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hải Sơn, 37 tuổi, người có 10 năm công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngoài các phẫu thuật chung về phẫu thuật thẩm mỹ và vi phẫu, anh Sơn còn nghiên cứu sâu về giới tính và sinh dục.
Ngày thầy thuốc Việt Nam: Đến với nghề y vì muốn vượt qua thử thách
Chia sẻ về mối lương duyên với nghề y, bác sĩ Sơn bộc bạch, dù đã qua nhiều năm rồi nhưng những tiết thực hành sinh học đầu tiên ngày học Trung học cơ sở vẫn luôn trong tâm trí anh.
“Hồi đó mỗi khi thực hành giải phẫu mổ tim lợn, thỏ, cá, ếch, thì tất cả các bài thực hành của tôi đều được cô giáo Sinh học đánh giá rất cao và nhận xét là cô chưa từng thấy một học sinh nào có năng khiếu giải phẫu đến vậy. Tôi đã giải phẫu hoàn toàn con cá mà tim nó vẫn đập bình bịch”, nam bác sĩ phẫu thuật cười nhớ lại.
Cả gia đình anh Sơn đều có truyền thống làm nghề giáo viên, và mong muốn anh theo nghề của gia đình, nhưng có lẽ những tiết thực hành sinh học ngày cấp 2 đã gợi ý cho anh trở thành bác sĩ phẫu thuật. Tuy nhiên, yếu tố quyết định, theo anh Sơn vẫn là việc thi vào trường Y cực khó. Là cậu học sinh đam mê thử thách, ước ao được vượt qua thử thách đó, nên anh Sơn đã lựa chọn thi vào trường Đại học Y Hà Nội.
“Sau nhiều năm học và làm nghề, tôi vẫn tin đây là một lựa chọn đúng đắn, vừa có thể giúp đỡ mọi người mà vẫn phù hợp với thôi thúc bên trong mình”, anh Sơn nói.
Ngày thầy thuốc Việt Nam: Những ngày trực cấp cứu luôn áp lực nhưng đầy bất ngờ và thú vị
Bệnh viện hữu nghị Việt Đức là trung tâm cấp cứu ngoại khoa lớn nhất Việt Nam, nên tất cả những ca bệnh nặng nhất của toàn bộ miền Bắc đều sẽ đổ dồn về đây, 24h của ngày trực cấp cứu sẽ luôn áp lực nhưng đầy bất ngờ và thú vị.
Anh Sơn tâm sự, công việc một ngày của anh bao gồm xử trí bệnh nhân cấp cứu trong chuyên ngành, phối hợp đa chuyên khoa để điều trị bệnh nhân khác, giảng dạy cho các bạn học viên và sinh viên trường Y đang đi thực tập, và rất nhiều các công việc hành chính không tên …
Thậm chí, những ngày bận rộn, nam bác sĩ phải nghe tới hơn 200 cuộc điện thoại. Phần lớn là cuộc gọi liên quan tới các ca phẫu thuật cấp cứu như các chấn thương hàm mặt nặng, các tổn thương đứt rời các bộ phận cơ thể cần được phẫu thuật nối lại ngay.
“Một trong những ca phẫu thuật cấp cứu dài nhất của tôi là 16 tiếng liên tục để nối lại 4 ngón tay đứt rời của bệnh nhân. Các ca phẫu thuật nối lại tai, da đầu hay thậm chí dương vật cũng đều rất khó”, anh Sơn cho biết.
Vì thời gian cho các ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ (từ 8-12 tiếng) nên đòi hỏi bác sĩ phải có sự tập trung cao độ, tinh thần cùng sức khoẻ bền bỉ, ngoài ra lúc nào anh cũng cần ở trong trạng thái tỉnh táo để kịp xử lý những tình huống khẩn cấp.
Là một bác sĩ công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện tuyến đầu, bác sĩ Ngô Hải Sơn còn phải chịu áp lực lớn vì phải đảm bảo kết quả phẫu thuật đạt được không chỉ an toàn mà còn có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được kỳ vọng của bệnh nhân.
“Chữa bệnh thông thường thì chỉ cần khỏi bệnh là được nhưng ở chuyên ngành này không chỉ khỏi mà còn cần phải đẹp, hoặc là đẹp hơn nữa. Vì thế ngoài kiến thức chuyên ngành, bạn cần phải nắm được rất nhiều kiến thức khác nữa như về góc độ con người, nhân tướng học, thẩm mỹ học, xã hội học …”
Ngày thầy thuốc Việt Nam: Những trăn trở của nghề
Là người nghiên cứu sâu về giới tính, và làm việc cùng các bạn trong cộng đồng LGBTIQ+, nên trong quá trình làm nghề, bác sĩ Sơn đã gặp không ít câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ cũng như tác động đến con đường đi của mình bởi giới tính vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm và chưa thực sự cởi mở tại Việt Nam. Chính vì thiếu thông tin và sự e ngại những ánh mắt từ người xung quanh, mà có nhiều bạn chưa nhận được những giúp đỡ thích hợp nhất cho vấn đề của mình.
Chia sẻ về một bệnh nhân, nam bác sĩ kể, từ nhiều năm trước, một bạn nữ với một dị tật không âm đạo bẩm sinh, đã được phẫu thuật tạo hình âm đạo bằng phương pháp cũ và lấy chồng, có con nhờ mang thai hộ. Nhưng sau vài năm chung sống, vì âm đạo không đảm bảo được chức năng quan hệ tình dục mà dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.
Khi biết bệnh viện Việt Đức đã triển khai phẫu thuật tạo hình âm đạo bằng đoạn ruột, là phương pháp hiện đại nhất bây giờ, bệnh nhân đã từ nước ngoài trở về Việt Nam để được phẫu thuật với mong muốn được trở nên hoàn thiện và có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
“Kỹ thuật này rất phức tạp nhưng kết quả mang lại thì lại hoàn toàn vượt trội so với các phương pháp cũ. Hiện tại, bệnh nhân đã quay trở lại nước ngoài sinh sống và rất hài lòng với cuộc sống mới của mình”, bác sĩ Sơn cho biết.
Còn một ca bệnh mà đến giờ nam bác sĩ vẫn nhớ như in là trường hợp bệnh nhân có tiền sử tâm thần. Ban đêm, bệnh nhân nằm mơ thấy Phật xuất hiện và nói “lẽ ra mày phải là con gái, vì mày là trai nên mới khổ thế này”. Ngay sáng hôm sau khi tỉnh dậy, bệnh nhân này đã đặt dương vật của mình lên thớt chặt luôn để thoát khổ.
Theo nam bác sĩ, phẫu thuật “vùng kín” vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ về thẩm mỹ. Nhiều người vẫn tưởng đây chỉ là những phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản nhưng thực tế, phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục rất khó và phức tạp. Để tạo hình bừu, tinh hoàn hay tạo hình dương vật phải làm thế nào để đảm bảo đủ các yếu tố như sự cương cứng, chiều dài thích hợp khi giao hợp. Hay chỉ đơn giản là giúp họ tự tin hơn khi đi vệ sinh ở nhà vệ sinh nam.
Do đó, hiện nay có một thực trạng đó là khi nhu cầu tăng lên thì các dịch vụ không đảm bảo chất lượng cũng xuất hiện tràn lan. Hậu quả để lại nhiều khi rất nặng nề và khó sửa chữa, thậm chí không thể khắc phục được. Nhưng đó cũng là một động lực rất lớn để bác sĩ Sơn cũng như nhiều thầy thuốc đang cống hiến cho nghề tìm tòi, học hỏi và triển khai những kỹ thuật mới, giúp bệnh nhân có thể nhận được những dịch vụ tốt nhất.
Câu nói mà bác sĩ Ngô Hải Sơn yêu thích nhất đó là: “Giá trị của một người nên được đánh giá bằng những gì anh ta cống hiến, không phải bằng những gì anh ta đạt được” – Einstein. Câu nói này luôn nhắc nhở anh không ngừng cố gắng từng ngày để cống hiến cho công việc, và cũng là trọng trách khi gắn bó cuộc đời với nghề y.