Ai Cập là 1 trong những cái nôi nền văn minh của nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử của mình
Với việc mạch nguồn sự sống là sông Nile đem đất phù sai màu mỡ, nguồn nước mát ngọt từ khu vực Trung Phi như Rwanda, Tanzania chảy giữa vùng đất khô cằn xuyên suốt theo chiều Nam – Bắc thì vùng đất khô cằn dọc 2 bên bờ sông đã trở thành một trong những cái nôi nuôi dưỡng nền văn minh của nhân loại
Song cũng chính vì sự màu mỡ tốt tươi này mà Ai Cập thời Cổ đã thu hút bao phen xâm nhập của dị tộc xung quanh như người Nubia da đen phía nam, dân Libya vùng sa mạc phía tây, tộc Beduin và dân Hyksos du mục phía đông cùng đám Hải Nhân phía bắc…
Napoleon từng nói 1 câu nổi tiếng để động viên các binh sỹ Pháp trong trận chiến Kim Tự Tháp ở vùng Embabeh tại Ai Cập ngày 21 tháng 7 năm 1798 “ Từ trên đỉnh các Kim Tự Tháp, 40 thế kỷ đang nhìn xuống chúng ta”
Câu nói tuy chỉ mang tính ước lệ song nó lại phản ánh đúng sự thật là nền văn minh nhân loại đã bén rễ trên đất Ai Cập từ tận hơn 3000 năm TCN
Người Ai Cập cổ đại khác với người Ai Cập ngày nay khi họ nói ngôn ngữ riêng Á Phi (Semitic – Hamite) có liên hệ với tiếng Berber và Semitic trong khi người Ai Cập lại sử dụng tiếng Ả Rập Ai Cập a.k.a ngôn ngữ Masri cũng thuộc ngữ hệ Semitic nhưng ở nhánh Trung Semitic trong khi của người Ai Cập cổ đại là ở nhánh Bắc
Ngoài ra thì nổi tiếng hơn là người Ai Cập ngày nay dùng chữ Ai Cập trong khi văn tự của người Ai Cập xưa là chữ tượng hình phức tạp (hieroglyph) về sau tuy được điều chỉnh cho đơn giản hơn thành ra các loại chữ thầy tu (chữ Hieratic, được sử dụng trong khoảng 3200 TCN cho tới giữa thiên niên kỷ thứ 1 TCN) và chữ bình dân (Demoratic, từ giữa thiên niên kỷ thứ 1 TCN tới khoảng thế kỷ thứ 2 TCN khi ngôn ngữ và chữ Coptic mang đặc điểm của Hy Lạp được sử dụng và thay thế dần các văn tự bản địa)
Trước khi các vương triều đầu tiên của Ai Cập cổ đại được thành lập vào khoảng thế kỷ 32 TCN thì người Ai Cập cổ đã sinh hoạt, tụ cư thành những cộng đồng biệt lập trên khắp Ai Cập
Các hạt nhân cộng đồng biệt lập này là hạt nhân để thành lập nên đơn vị hành chính là các châu (Nome) thời cổ trong lịch sử Ai Cập cổ đại
Tuy gọi là các châu nhưng vào thời quốc sơ cũng như vào giai đoạn phân liệt giữa các thời kỳ vương quốc thì các châu này cũng chính là 1 tiểu quốc riêng biệt có nền chính trị và thờ thần riêng của châu
Tổng cộng Ai Cập thời cổ đại có khoảng 42 châu tương ứng với 42 tiểu quốc độc lập tồn tại rải rác từ vùng thung lũng sông Nile khô cằn ở thượng lưu phía Nam cho tới vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ ở ven biển với 20 châu ở miền Hạ Ai Cập (Bắc Ai Cập, mhw, Ă-mehty) và 22 châu ở Thượng Ai Cập (Nam Ai Cập, tꜣ šmꜣw)
20 châu Hạ Ai Cập gồm: Inebu-hedj (Bạch Thành quốc), xứ Imentet, Amentet (Lữ Khách quốc, Tây Quốc), Súc vật quốc (Khepesh), 2 xứ Nit Resu/Nam Mộc (Khiên) quốc và Nit Mehtet/Nit Mehetet/ Bắc Mộc quốc, Khasu’u/ Khasu’wu (Sơn Ngưu quốc), 2 xứ Lao móc phía tây (Hui-ges Imenti,Hui-ges Amenti) và phía Đông (Hui-ges Labti, Hui-ges Aabti) , xứ của thần Andjety (Andjety, Anedjti), Hắc Ngưu quốc (Kem-Ur, Kem-Wer), xứ Bò Heseb (Hesbu, Hesebu), xứ Ngưu – nghé (Tjeb-Nedjer), xứ Quyền trượng của sự thịnh vượng (Heka-Redj), xứ Cực Đông (Khenti Labti, Khenti Aabti), xứ Ibis/Tehut a.ka xứ của thần Thoth (Djehuti), Ngư quốc (Hat Mehit), Hoàng vị quốc (Behdet, Behedet), 2 xứ Nam Phương Hoàng Tử quốc (Imty Khenty, Amty Khenty) và Bắc Phương Hoàng Tử quốc (Imty Pehu, Amty Pehu) và xứ của Thần Ưng Sopdu (Sepdju, Sepedju)
Trong khi đó thì 22 tiểu quốc Thượng Ai Cập gồm Cung quốc (Ta-Seti), Ngạc ngư quốc (Meseh, Mes-h), Mãng xà quốc (Wadjyt, Wadjet), Đại quốc (Ta-Wer, Ta-Ur), Thố quốc (Xứ Thỏ, Wenet, Uenet), xứ rắn vipe núi (Dju-fet), Quyền Trượng quốc (Waset, Uaset), Sênh tiền quốc (Bat, Seshesh), Nhị điêu quốc (Netjerui, Herui), Đao quốc (Mednit, Medenit, Maten), Đền Miễu quốc (Nekhen), Horus Hoàng vị quốc (Wetjes-Her, Wetjes-Hor), Nhị quyền trượng quốc (Wabwi, Uabwi, Uabui), Linh Dương quốc (Ma-hedj), Vương quốc của thần Anubis (Input, Inpu, Anpu), xứ của thần Set (Nemti,Sep), xứ sở thần Min (Min, Menu, Minu) , xứ động vật tượng trưng của thần Set (Sha), 2 xứ Sung Dâu phương nam (N’art Khentet, N’aret Khentet, Atef Khent) và Sung Dâu phương Bắc (N’art Pehtet, N’aret Pehtet, Atef Pehu) cùng 2 xứ Sung Dâu và Rắn Vipe Thượng (Nedjfet Khentet, Nedjefet Khentet) và Sung Dâu và Rắn Vipe Hạ (Nedjfet Pehtet, Nedjefet Pehtet)
Theo thời gian thì dần dần 42 tiểu quốc này xung đột và thôn tính lẫn nhau cho tới khi vua Namer (một số văn bản gọi là Menes) của Liên minh Thinis ở Thượng Ai Cập thống nhất Hạ Ai Cập vào bản đồ Thượng Ai Cập từ tay các vị tiền nhiệmVua Bọ Cạp (Ai Cập cổ đại có tới 2 vị vua có danh hiệu là vua Bọ Cạp (Weha, Serk) gồm vua Vua Cạp Đệ Nhất được cho là sống vào khoảng năm 3250 TCN và vua Bọ Cạp Đệ Nhị mà theo giả thuyết có thể là tiên vương của Namer, Namer hoặc thậm chí là 1 trong các đối thủ bị pharaoh Namer chinh phục trên con đường thống nhất Ai Cập)
Ai Cập sau khi được thống nhất đã được các vị pharaoh cai trị từ kinh đô Thinis (sau là Memphis)
Giai đoạn từ sau khi thống nhất từ khoảng thế kỷ 32 TCN cho tới khoảng thế kỷ 27 TCN được ghi vào lịch sử là thời kỳ các vương triều đầu tiên (Vương triều thứ 1 và thứ 2)
Các pharaoh thuộc vương triều thứ Nhất và thứ 2 này khi mất được an táng trong các lăng mộ hình cái bệ tứ giác nhô lên giữa sa mạc
Thế kỷ 27 TCN, pharaoh Djoser đăng cơ, khai sinh ra vương triều thứ 3 trong lịch sử Ai Cập cũng là vương triều đầu tiên của thời kỳ Cổ vương quốc Ai Cập (thế kỷ 26 TCN – thế kỷ 21 TCN)
Về vương quyền của mình thì theo Thượng Cổ sử Tây Phương của Phạm Cao Dương các vị pharaoh từ thời kỳ Trung Vương Quốc Ai Cập (2055 TCN -1650 TCN) đổ về trước đều xem mình là 1 vị thần thuần chủng trong hàng ngũ các vị thần trong khi các vị pharaoh từ thời Tân vương quốc Ai Cập (1550 TCN -1069 TCN) trở đi đều xem mình là á thần được sinh ra từ cuộc hôn nhân của vị thần với 1 phàm nhân.
Sở dĩ có sự xuống cấp về thần quyền như vậy là nhằm để các vị pharaoh bớt ê mặt hơn trước dân chúng nếu như họ bị thất bại trong việc gì đó như thua trận mạc hay để dân chúng gặp thiên tai mà giải quyết bất lực
Cùng với sự đăng cơ của pharaoh Djoser thì trong lịch sử của thế giới bắt đầu xuất hiện công trình lăng tẩm mới tồn tại đến ngày nay mà người Ai Cập tự hào qua câu nói miêu tả về mức độ trường tồn của kỳ quan này của quê hương mình: “Mọi thứ đều phải sợ thời gian song chính thời gian lại sợ kim tự tháp”
Kim Tự tháp ra đời khi kiến trúc sư tài ba kiêm tể tướng, đại tư tế và có thể còn là cả thầy thuốc bậc thầy Imhotep nảy ra sáng kiến chồng vài cái lăng mộ Mastaba kiểu cũ lên nhau theo nguyên tắc “Chiều cao tỷ lệ thuận với độ nhỏ dần của mastaba” nhằm tạo ra 1 cầu thang thông thiên cho linh hồn của pharaoh (ka hoặc ba) có thể theo đó mà bước lên trên trời để diện kiến với thần Sáng thế Ra
Kim tự Tháp loại đầu tiên mà Đại Tư tế Imhotep thiết kế và chủ quản xây dựng cho pharaoh Djoser là kim tự tháp dạng bậc thang na ná các kim tự tháp bên Trung Mỹ để rồi tới đời các pharaoh kế vị thuộc vương triều thứ tư là Sneferu sau vài lần nỗ lực thử nghiệm với công trình Kim Tự Tháp cạnh cong đã thực sự xây dựng nên được loại kim tự tháp với cạnh phẳng với kim tự tháp đầu tiên trong số đó là Kim Tự tháp Đỏ trên cao nguyên Giza
Các vị pharaoh kế nhiệm Sneferu như Khupfu (Cheop) và Khafre (Khafre) đã tạo dựng cho mình các công trình Kim tự tháp còn lớn hơn kích cỡ lăng tẩm của cha ông cũng như thêm vào các công trình khác như tượng Đại nhân sư Sphinx…
Theo vài nguồn thì để xây dựng các Kim Tự tháp, thì các pharaoh cần huy động nhiều n hân lực cũng như trong cơ cấu xã hội Ai Cập bấy giờ có tồn tại chế độ nô lệ song những nhân công xây nê các Kim tự tháp lại được huy động từ dân tự do, những công dân của vương quốc Ai Cập chứ không phải từ nô lệ
Việc xây dựng nên các Kim tự tháp có kích thước lớn là đỉnh cao quyền lực của các Pharaoh trong lịch sử Ai Cập cũng như chứng tỏ được phần nào quốc lực của Ai Cập khi đó để có thể khai thác, vận chuyển và đưa các tảng đá hộc vào đúng vị trí để tạo thành công trình trường tồn theo năm tháng
Song sự cường thịnh này cũng có thời hạn sử dụng của nó, việc huy động nhân lực, vật lực để xây dựng các khu lăng tẩm bề thế cũng như đem quân chinh phạt các tộc người bên ngoài như dân Lybia, Nubia hay dân ở Cận Đông dù đem lại đỉnh cao cho các pharaoh song người hưởng không chỉ có pharaoh mà còn cả các quý tộc và với dân thường thì có khi chả được ích lợi gì trừ của cải cướp được nếu may mắn chiến thắng
Chính những điều này đã đem lại hạt giống suy tàn cho Cổ vương quốc Ai Cập vào thời điểm vương triều thứ 6 (2345 TCN – 2181 TCN) khi bên cạnh các cuộc nội chiến, nổi dậy là quyền lực trung ương của Memphis chỉ giới hạn trong khu vực kinh đô và các chúa châu thì tự quản, cát cứ cũng như thôn tính, xâu xé nhau
Từ Vương triều thứ 7 của Ai Cập trở đi được ghi vào chính sự là thời đại Trung Gian thứ Nhất a.k.a thời Loạn Thế lần thứ Nhất (2181 TCN -2055 TCN) kéo dài mãi cho tới khi pharaoh Mentuhotep Đệ Nhị của vương triều thứ 11 chinh phục các đối thủ, bao gồm cả các địch thủ là các vị pharaoh thành Hecraleopolis, thu giang sơn về 1 mối, tái thống nhất Ai Cập lần thứ 2, mở ra thời đại Trung Vương quốc Ai Cập
Theo tư liệu của sử gia kiêm tư tế người Ai Cập sống thời Ai Cập Hy Lạp hóa của nhà Ptolemy là Manetho được các sử gia đời sau ghi lại thì mức độ loạn lạc của Thời Loạn thế lần Thứ Nhất vào thời điểm vương triều thứ 7 của Ai Cập chỉ có thể gói gọn bằng các câu tóm tắt “70 vị vua Memphis chia nhau cai trị trong 70 ngày” (sử gia Sextus Julius Africanus, 160-240) hoặc “5 ông vua trong vòng 75 ngày” (Sử gia Eusebius Pamphili, 260-340)
Vài tác phẩm thư tịch Ai Cập cổ còn lại như Lời tiên đoán của Neferti hay Lời khuyên bảo của Ipuwer cũng có ghi chép mơ hồ về các cuộc nổi dậy của người dân chống lại pharaoh và quý tộc trong các giai đoạn loạn thế
Sau khi pharaoh Mentuhotep Đệ Nhị thống nhất lại Ai Cập thì Ai Cập bước vào thời kỳ Trung Vương Quốc (khoảng 2055 TCN tới 1650 TCN) với kinh đô được dời từ Memphis về thành Thebes và Itjtawy
Nền chính trị Trung vương quốc được tập trung hơn so với Cổ vương quốc với pharaoh (Vua) vẫn là người cai trị tối cao song dưới quyền pharaoh thì có tới 2 ông Tể tướng (Vizier) giúp pharaoh lo chính sự
Các vương triều thứ 11 và thứ 12 của thời Trung vương quốc tiếp tục bành trướng chinh phạt về phía đông vào khu vực Cận Đông của dân Canaan ở khu vực Palestine, Israel, chống nhau với ngườ Lybia cũng như là nam tiến phang nhau với dân Nubia
Vào thời giữa giai đoạn trị vì của vương triều thứ 12 Ai Cập cổ đại thì pharaoh Sernuset Đệ Tam đã thân chinh ba quân nam chinh bắc chiến từ Nubia ở phía nam cho tới đánh nhau với dân Canaan ở Đông Địa Trung Hải
Công cuộc chinh phạt của vua Sernuset Đệ Tam đã cho ra đời huyền thoại về vị Pharaoh Sesotris mà theo các sử gia Hy Lạp như Herodotus, Diodorus Siculus, Strabo cũng như sử gia La Mã là Pliny Già thì vị pharaoh này thậm chí đã bắc tiến vào tận vùng Tiểu Á xa xôi phía Bắc hoặc vào tới tận châu Âu, đánh bại dân Scythia và Thrace rồi lập nên thuộc địa người Ai Cập xa nhất về phía Bắc là xứ Colchis tại khu vực sông Phasis ven biển Đen trên địa phận nước Georgia ngày nay hoặc theo câu chuyện của Pliny Già thì vị pharaoh chỉ chịu thúc thủ trước mỗi vua xứ Colchis
Thậm chí trong 1 dị bản của sử gia người Goth làm quan cho Byzantine Jordanes thời sau thì pharaoh tên Versosis (có khả năng là tên biến âm từ Sernuset) của Ai Cập trong trận sông Phasis còn đụng độ với quân người Goth do vua Tanausis chỉ huy và chính vua Tanausis người Goth đã đánh bại và đuổi vị Pharaoh chạy về nước
Dù tam sao thất bản kiểu nào thì rõ ràng mức độ bành trướng của người Ai Cập thời Trung Vương Quốc chắc chắn là không hề nhỏ
Nhưng cũng như thời Cổ vương quốc, các cuộc chiến tranh chủ yếu chỉ đem về của cải và lợi ích cho pharaoh và quý tộc, tăng lữ là chính trong khi quần chúng lao khổ thì gần như không được gì
Giai đoạn suy tàn của Trung vương quốc Ai Cập bắt đầu diễn ra cuối thời trị vì của Vương triều thứ 12 với chiến tranh, khởi nghĩa, đấu đá, chính trị, cát cứ phân quyền
Thời kỳ Loạn Thế lần thứ 2 (1650 TCN -1550 TCN) bắt đầu diễn ra vào thời các vương triều 13 và 14 song lên đến đỉnh cao vào cuối vương triều thứ 14 cùng với sự xuất hiện của dị tộc lăm le xâm lược Ai Cập
Bên cạnh sự tan rã từ bên trong nội bộ thì Ai Cập Cổ cũng phải đối mặt với làn sóng xâm lược của ngoại tộc mới được gọi là dân Hyksos từ khu vực Cận Đông tiến vào
Cuộc xâm lược của người Hyksos tuy là đem đến sự diệt vong cho các vương triều trước của người bản địa song nó lại du nhập kỹ thuật quân sự như kỹ thuật xa chiến, cung phức hợp mà người Hyksos mang tới
Chính nhờ cuộc xâm lược này mà người Ai Cập cổ vào thời Tân vương quốc có được cơ hội tiếp thu các kỹ thuật quân sự mới, giúp họ nâng cấp sức mạnh của mình để có thể đọ sức tranh hùng với thế lực các cường quốc Mitanni và Hittite trong thời Tân Vương quốc
Trở lại với thời đại Loạn thế lần thứ 2 thì tận dụng cơ hội Ai Cập bị chia rẽ, đấu đá nội bộ mà quân xâm lược người Hyksos tràn vào dễ dàng chiếm đóng được miền bắc và dồn đẩy các pharaoh bản địa về phía Thượng Ai Cập
Nếu như trong cuộc chiến Ai Cập – Hyksos, người Ai Cập có cơ hội tiếp thu được các kỹ thuật quân sự tiên tiến hơn từ người Hyksos thì ngược lại người Hyksos cũng học hỏi từ họ cách tổ chức nên thể chế chính trị để có thể quản lý nên vùng lãnh thổ mới chiếm được
Trong khi lần lượt các pharaoh bản địa bị dồn về phía Nam để hình thành nên các vương triều 16, 17 và vương triều Abydos thì ở miền Bắc, người Hyksos cũng học hỏi, mô phỏng theo mô hình quản lý của các pharaoh bản địa để thành lập nên vương triều thứ 15 với kinh đô đóng tại Avaris
Tuy vậy thì mối quan hệ giữa người Hyksos và dân Ai Cập bản địa vẫn là thù địch và pharaoh các vương triều 16,17 và Abydos của Ai Cập vẫn kình chống nhau với người Hyksos
Cuộc chiến nhiều năm của các vương triều bản địa với dân Hyksos cuối cùng cũng đạt được bước ngoặt quan trọng khi người Hyksos sau nhiều năm thống trị miền Bắc Ai Cập trở nên bị đuối sức trước các vị pharaoh cuối cùng có tư tưởng chống lại dân Hyksos là Seqenenre Tao và Kamose
Khi các pharaoh cuối cùng là Seqenenre Tao và Kamose lần lượt đứng lên bắc tiến chống lại Pharaoh Apopi của dân Hyksos thì người Hyksos đã tỏ ra yếu thế hơn nên đã phái người đưa tin xuống cho đồng minh là người Kush (dân Nubia) phía nam để nhờ họ đánh tập hậu nhằm chia lửa cho miền Bắc song người đưa tin và bức thư đã bị pharaoh bản địa bắt được
Sau nhiều năm chống giữ thì tới đời pharaoh Ahmose I Đệ Nhất (con trai của Seqerene Tao và em trai của Kamose vương triều 17) cuối cùng cũng đánh bại dân Hyksos và đuổi được họ ra khỏi kinh thành Avaris trên đất Ai Cập để chạy về pháo đài cuối cùng của họ là Sharuhen ở khu vực sa mạc Negev hoặc Gaza để rồi quân Ai Cập kéo tới tiêu diệt tàn cuộc Hyksos sau 3 năm vây hãm
Với chiến công đánh đuổi quân Hyksos thì Ahmose Đệ Nhất cũng là người lập nên vương triều thứ 18 cũng như khai sinh ra Tân Vương quốc Ai Cập (khoảng năm 1550 TCN cho tới 1069 TCN)
Các vị pharaoh thời Tân vương quốc với các kỹ thuật tiếp thu được dân Hyksos đã xây dựng quân đội hùng mạnh và bành trướng ra bênngoài, đánh nhau với không chỉ người Nubia mà còn cả dân Hải nhân, Hittite, Mitanni và lập nên 1 đế quốc Ai Cập rộng lớn
Bên cạnh đó thì các pharaoh Ai Cập thời tân vương quốc để tránh tình trạng bị trộm mộ đã chuyển từ hình thức an táng trong các Kim Tự tháp sang hình thức an táng trong các khu lăng mộ đục vào đá tại Thung lũng các vị vua
Công nghiệp các vị vua như Sethi, Ramses Đệ nhất, Ramses Đệ Nhị thậm chí đã tiến xa hơn trước khi bên cạnh mảng võ công như trận Kadesh, trận Megiddo, nô dịch dân Do Thái (tới thời Ramses Đệ Nhị thì dân Do Thái dưới sự lãnh đạo của Moses đã dắt díu nhau vượt biển Đỏ để thoát khỏi ách áp bức của người Ai Cập và lập nên quốc gia riêng của mình vào khoảng thời gian sau đó trên vùng Sinai và khu vực bờ Đông Địa Trung Hải) thì họ còn có văn trị với việc xây cất thêm nhiều đền đài còn tồn tại đến tận ngày nay như Abu Simbel
Quân đội Ai Cập chính là 1 trong những công cụ để đưa tên Ai Cập vào bản đồ lịch sử khi nó chỉ dùng để chống các cuộc xâm nhập của ngoại bang mà còn bành trướng ra cả bên ngoài
Lực lượng ban đầu của Ai Cập chỉ gồm hải quân và bộ binh song cùng với sự xâm lược của người Hyksos thì họ đã học được và sở hữu bộ phận chiến xa
Tuy là công cụ đưa Ai Cập lên đỉnh cao vinh quang song người Ai Cập lại thuộc nhóm dân thích hòa nên nghiệp binh ban đầu không được người Ai Cập cổ đại hồ hởi đón nhận
Thành phần quân đội Ai Cập vào thời kỳ Cổ và Trung vương quốc được trưng tập từ các lực lượng mà các chúa châu tuyển được từ những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội bị trúng số ra trận trái ngược với quân đội chính quy chuyên nghiệp vào thời Tân vương quốc
Tổ chức quân đội Ai Cập khi có chiến dịch thường được chia làm 2 bộ phận Bắc và Nam Ai Cập (tương ứng với 2 miền Hạ – Thượng Ai Cập) dưới quyền chỉ huy của thống soái tối cao thường là pharaoh, dưới pharaoh là 1 vị tổng chỉ huy được vua điểm mặt gửi vàng cũng như được vua trao thẩm quyền chọn lựa các tướng lĩnh cấp thấp hơn (thường là các thân vương hoàng tộc hoặc quý tộc) để chỉ huy toàn quân
Thường thì có nhiều cách để giữ chức Nguyên soái ba quân, hoặc chứng tỏ tài năng học vấn hoặc là dùng của cải bôi trơn để chạy chức
Ngoài tổ chức thành 2 bộ phận lớn thì quân đội Ai Cập cổ lại được chia nhỏ thành các đơn vị hay các đoàn quân mang tên các vị thần như đã thấy tại trận Kadesh là Ra, Amen, Ptah và Sutekh
Mỗi đội quân trên có khoảng 4000-5000 người; mỗi quân đoàn này sau lại được chia thành 20-25 đơn vị nhỏ hơn với quân số các nhóm nhỏ đó là 200 – 250 người
Các đơn vị lính Ai Cập Cổ được nhận dạng dựa trên vũ khí họ mang gồm cung thủ, trường thương, giáo binh và bộ binh cận chiến
Ngoài ra góp mặt trong các đơn vị Ai Cập là người mang kỳ hiệu, biểu tượng của đơn vị, tương tự như các binh sỹ mang biểu tượng của đơn vị bên quân đội La Mã
Thường thì những biểu tượng đơn vị thường chỉ xuất hiện trong các đội quân tác chiến đủ lớn để có thể phân thành các đội nhóm tác chiến độc lập trên trận địa
Biểu tượng, chiến kỳ phổ biến nhất trong quân đội Ai Cập là loại chiến kì quạt có hình dạng 1 nửa hình tròn được gắn trên cây quyền trượng lớn, dài
Ngoài ra thì vào thời nữ hoàng Hasepshut còn xuất hiện chiến kỳ hình chữ nhật gắn trên cây quyền trượng lớn, dài cũng như được trang trí bằng lông đã điểu
Trong số các quân đội thì bộ binh là lực lượng xuyên suốt từ thời cổ tới tận thời Tân Vương quốc
Thành phần bộ binh chủ yếu có 3 loại chính là các tân binh trẻ tuổi, bao gồm các binh sỹ bị gọi đăng ngũ là đám thấp cấp, tiếp đến là cựu binh là những chiến binh có kinh nghiệm cũng như sống sót qua các trận đánh trước đó đúng theo như người ta hay nói là “sống lâu thành quỷ” và loại cao cấp nhất trong bọn, các dũng sỹ là tầng lớp chiến binh ưu tú của xã hội
Trong quân đội Ai Cập từ thời Trung vương quốc thì các binh sỹ thuộc dũng sỹ thường được phiên chế vào đơn vị tiên phong với nhiệm vụ và vai trò là lực lượng xung kích của toàn quân
Về phần vũ khí thì các vũ khí của binh sỹ Cập cổ đại đều được làm bằng đồng và các hợp kim của đồng như đồng đỏ
Các binh sỹ Ai Cập thường được trang bị cung, gậy ném, súng cao su, giáo, thương, kiếm, dao găm, rìu, gậy chiến, chùy chiến, khiên, gươm lưỡi cong khopesh cùng với khiên gỗ được phủ da.
Gươm của người Ai Cập cổ là gươm khopesh với kích thước 50 cm -60 cm với cán dài, lưỡi cong hình liềm với phần lưỡi ngoài mài sắc
Lưỡi gươm cong hình liềm giúp gươm trong tay các chiến binh Ai Cập có thể giúp làm vướng hoặc móc các vũ khí cận chiến của kẻ thù cũng như có thể được sử dụng để móc và tước khiên của đối phương để rồi chỉ thêm 1 nhát đâm thẳng là đoạt mạng kẻ thù
Giáo của Ai Cập gồm phần cán và phần đầu mũi giáo bằng đồng thiếc hoặc đá lửa có chuôi được gắn vào cán dài bằng gỗ
Ngoài ra thì cũng có cả 1 loại giáo mà phần đầu được thay bằng lưỡi búa dùng cho việc chặt chém
Giáo và lao Ai Cập ban đầu được chế tạo sử dụng để đi săn song nó cũng tỏ ra hữu ích trong trận chiến khi trọng lượng của ngọn giáo là đóng góp vào mức độ xuyên phá của ngọn giáo
Chiều dài giáo Ai Cập thì không rõ song trong hình ảnh khắc họa pharaoh Ramsess Đệ Nhị thì ngọn giáo có chiều dài tương đương chiều cao của 1 người bình thường
Bên cạnh gươm khopesh và giáo thì người Ai Cập sử dụng rìu chiến
Rìu chiến Ai Cập ngoài loại lưỡi thẳng còn loại rìu lưỡi hình bán nguyệt được gắn vào vừa vặn trên cán rìu được các binh sỹ dùng để vung chém đoạt mạng cũng phá khiên, phá giáp
Cung tên là 1 trong những vũ khí chính của quân Ai Cập
Loại cung đầu tiên có thân cong kép được người Ai Cập chế tạo từ cặp sừng linh dương với mảnh gỗ gắn ở giữa cung
Vào thời kỳ Vương quốc thì xuất hiện loại cung cong thân đơn dài từ 1-2m bằng gỗ nguyên khối, hẹp dần ở 2 mút đầu cung với dây cung làm từ gân hay sợi thực vật
Ngoài ra còn có 1 số cung có kích thước lớn hơn được gia cố thêm bằng que gỗ với dây thừng loại nhỏ
Với loại cung đơn này thì đòi hỏi nhiều thời gian tập luyện mới có thể giương cung được
Bên cạnh loại cung đơn thì người Ai Cập cổ còn sử dụng loại cung phức hợp có tầm bắn xa hơn được du nhập bởi người Hyksos
Loại cung phức hợp có chiều dài bằng cánh tay một người bình thường
Cung phức hợp này khi chưa được căng dây thì có hình dạng cong lồi ra phía bên ngoài, được gia cố thêm chất sừng ở phần bụng cung hướng về xạ thủ trong khi gân thì được thêm vào phần lưng cung để rồi các lớp này được kết dính vào nhau cũng như bao phủ bằng vỏ cây bulo
Khi chưa được sử dụng thì dây cung được tháo ra để khi cần thì 2 người sẽ hợp lại căng cung
Cả cung phức hợp và cung đơn đều được sử dụng song hành trong quân đội Ai Cập với cung đơn bằng gỗ do kích thước của nó nê được các cung thủ sử dụng trong khi cung phức hợp tuy nhỏ gọn song lại phức tạp và cần được bảo dưỡng nhiều hơn thì do các chiến binh cưỡi chiến xa sử dụng
Đi kèm cung là với các cây tên có thân bằng sậy, mũi bằng đá lửa, gỗ cứng hoặc đồng đỏ được gắn 3 cái lông vũ
Tên Ai Cập có kích thước khoảng 80,1 cm – 85,1 cm với 4 loại tên khác nhau gồm đầu mút dạng cái đục hoặc hình chiếc lá với tên có mũi đá lửa và loại đầu nhọn hay đầu loe với loại tên có mũi gỗ
Bên cạnh cung tên dùng để bắn tầm xa thì người Ai Cập còn dùng gậy ném là thanh gỗ thẳng có đầu nhọn hoặc mũi giáo được gắn vào 1 đầu
Loại gậy này khác boomerang của thổ dân Úc ở chỗ khi ném đi nó sẽ không quay lại
Loại này còn được người Ai Cập cổ sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày như dùng để săn thú
Ngoài ra thì người Ai Cập còn sử dụng cả súng dây bắn các hòn đá cuội vào kẻ thù
Khiên thì có kích thước lớn và được làm bằng gỗ phủ da
Bên cạnh đó thì chiến phục của các chiến binh Ai Cập gồm gồm giáp ngực được làm từ các lớp vải lanh dày xếp chồng lên nhau cũng như trước phần bụng dưới có mang khiên có thớ dùng để che chở cho phần eo
Tuy nhiên thì không phải binh sỹ nào cũng được trang bị hay mang giáp trụ ra trận, thường thì chỉ có các tướng lĩnh hoặc binh sỹ thuộc tầng lớp cao mới có
Riêng loại giáp trụ của Pharaoh là loại giáp vảy dài có dát các viên đá bán quý nhằm gia cố thêm độ cứng cho giáp trụ; ngoài ra thì pharaoh cũng sử dụng vương miện có màu xanh lam (Kepresh) được dùng chỉ khi đi đánh trận
Thay cho mũ chiến thì các chiến binh thường là đội khăn choàng hoặc đội bộ tóc giả dày (Người Ai Cập cổ xem tóc là dơ hoặc có thể do trình độ vệ sinh ngày đó chưa tốt dễ sinh chấy rận nên thường thì họ cạo trọc đầu rồi đội tóc giả hoặc trùm khăn lên che nắng) song cũng không hiếm trường hợp để đầu trần xung trận
Các binh sỹ mang thương dài bên cạnh thương dài thì họ cũng còn được trang bị các vũ khí cận chiến như dao găm hay gươm cong ở thắt lưng
Đối với bộ phận chiến xa thì bộ phận chiến xa Ai Cập xuất hiện trong quân đội Ai Cập muộn hơn nhờ vào công của người Hyksos song sau đó thì nó trở thành 1 bộ phận không thể thiếu trong quân đội Ai Cập
Chiến xa Ai Cập là loại chiến xa nhẹ (1 bản sao được tái tạo theo cấu trúc bản chính cũng chỉ nặng có 34 kilogram) do 2 ngựa kéo có thể tải được 2 người gồm 1 đánh xe (ketjen, kedjen) và 1 binh sỹ (Seneny)
Tổ chức đơn vị chiến xa trong quân đội Ai Cập là các đơn vị đi kèm và hỗ trợ các đội bộ binh với quân số ở cấp đơn vị nhỏ nhất là 10 -12 cỗ 1 nhóm; cao hơn là các cấp tổ chức gồm đội 50 chiếc và đoàn (pedjet) 250 chiếc do chỉ huy Đoàn chiến xa quản lĩnh
Cá biệt thì trong 1 số thời điểm như tại trận Kadesh, số chiến xa của 1 nhóm lên tới 25 cỗ xe
Chiến xa Ai Cập có cấu trúc là khung gỗ cong, cao 2 bên hông trong khi phần sau thì trống giúp các binh sỹ có thể dễ dàng lên xuống xe cùng phần sàn phủ bằng da
Trục xe thường làm bằng gỗ tần bì và nằm ở phần sau của chiếc xe (căn cứ theo cỗ chiến xa tìm được trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun thì trục xe chỉ dài 2.3 m)
Phần gọng buộc ngựa của cỗ xe có chiều dài 2,89 m được làm bằng gỗ cây đu và được uốn bằng cách gia nhiệt
Về bánh xe thì có 2 loại là loại 4 nan hoa được sử dụng vào thời kỳ đầu và loại có 6 nan hoa vào thời sau
Các bánh xe có vành được làm bằng gỗ tần bì, bọc 1 lớp da làm lốp xe với các que nan bằng gỗ sồi thường xanh cùng dây buộc bằng vỏ cây bulo
Các bộ phận trên được làm bằng gỗ đã được xử lý bằng nhiệt
Với các nan xe thì khi chế tạo, các thợ thủ công đã gia nhiệt các khúc gỗ nguyên khối rồi uốn cong 40 độ (loại bánh 4 nan) – 60 độ (bánh xe có 6 nan xe) rồi dán chúng lại với nhau trong khi da ướt được dùng để buộc các nan xe ngay tại mối nối với trục xe rồi tới lượt vỏ cây bulo được buộc vào nhằm giúp chống nước
Với các chiến binh trên xe thì chiến xa là dành cho các chiến binh có địa vị cao trong xã hội như quý tộc
Tầng lớp chiến binh cưỡi chiến xa trong xã hội Cận Đông cổ thường được gọi là Maryannu
Chiến xa Ai Cập thường chở 2 người là 1 xà ích điều khiển ngựa bằng roi với dây cương với đôi khi là cả khiên che chắn cũng như 1 lính chiến trang bị cung phức hợp với tên cũng như các vũ khí dùng để cận chiến như giáo, gươm cong khopesh, rìu
Giáp trụ của các binh sỹ chiến xa là bộ giáp vảy song cũng có khi chỉ là các dải da vắt chéo qua ngực để che chắn cho phần thân trên
Chiến thuật chiến xa của người Ai Cập thường là chạy qua chạy lại trên chiến trường và xả tên vào đối phương hơn là xông vào giáp chiến
Ngoài ra thì lực lượng trên cạn của Ai Cập còn thu dụng thêm các lính đánh thuê như các chiến binh Maryannu châu Á, các binh sỹ người Nubia hay dân thuộc nhóm Hải Nhân như người Sherden
Trong số này thì các chiến binh người Nubia là quân Medjay với khả năng cung tên điêu luyện đã trở thành lực lượng lính đánh thuê bán quân sự được sử dụng trong nhiều mục đích như tuần tra biên giới, trị an, canh gác lăng tẩm
Ngoài ra thì trong quân Ai Cập thời Tân vương quốc cũng xuất hiện 1 đội vệ binh đánh thuê riêng của pharaoh có nguồn gốc từ 1 trong những bộ tộc Hải Nhân là lính đánh thuê Sherden
Các binh sỹ Sherden được trang bị như bộ binh nhẹ với vũ khí gồm trường kiếm và giáo
Chiến thuật bộ binh Ai Cập dùng thời cổ vương quốc là cung thủ sẽ mở màn với 1-2 loạt tên trong khi bộ binh tràn lên tấn công
Bên cạnh các lực lượng trên cạn thì lực lượng hải quân Ai Cập cũng đóng vai trò quan trọng trong quân đội Ai Cập cổ
Với địa hình sông Nile chảy xuyên suốt chiều Nam – Bắc cũng như bao bọc xung quanh là các khu vực sa mạc khô cằn thì việc chỉ hành quân không bằng đường bộ dưới cái nắng chói chang đổ lửa sẽ sớm vắt kiệt sức lực binh sỹ trước khi họ tới được mặt trận
Đó là 1 trong những lý do mà từ sớm, người Ai Cập cổ đã xây dựng hạm đội của mình: vận chuyển quân đội và vật tư ra chiến trường cũng như đi mua các nguyên liệu gỗ cần thiết cho ngành đóng tàu
Ngoài ra thì hạm đội Ai Cập còn được sử dụng cho mục đích vận chuyển tù binh hoặc làm các pháo đài nổi để các cung thủ có thể xạ tiễn lên kẻ thù ở khu vực ven bờ cũng như là thủy chiến
Sở hữu cả ưu thế sông lẫn biển thì nghề hàng hải của người Ai Cập cổ đại có cơ hội phát triển
Bên cạnh các loại thuyền nhẹ và nhỏ làm từ cây sậy để đi lại trên sông nước thì người Ai Cập còn đóng các loại tàu chiến, tàu vận tải có kích thước lên tới 60,96m với 1 cột buồm với buồm hình chữ nhật hoặc hình thang, có 1 -2 mái chèo lớn ở đuôi tàu dùng để điều chỉnh hướng tàu thông qua điều khiển sợi dây buộc của mái chèo cùng với khoảng 50 tay chèo thường với tải trọng 70-80 tấn, một số tàu còn chở được tới 250 người
Cấu trúc tàu Ai Cập có các khoang và sàn; ở thời kỳ đầu thì sàn tàu được lắp đặt bằng vài tấm ván được xếp chồng lên nhau, được kết nối và ổn định bằng các chốt hay dây thừng để rồi cuối cùng là được các khe hở giữa các tấm ván được trám hẳn bằng nhựa cây
Các tàu này do các thủy thủ chuyên nghiệp (w’w) thường xuất thân từ các gia đình quân nhân vận hành
Bên cạnh các tàu do người Ai Cập đóng thì trong hạm đội của Ai Cập còn xuất hiện 1 số tàu ngoại quốc có thể được sử dụng như hải quân đánh thuê hoặc được sử dụng để đi đến các nơi đó theo như tên gọi của chúng gồm thuyền knpwt a.ka kebentiu (thuyền Byblos) đến từ thành Byblos của của người Phoenicia và thuyền Keftiu (thuyền đảo Crete)
Phương thức thủy chiến của hải quân Ai Cập xưa là dùng dây móc cập mạn tàu rồi tràn qua loạn đả trên boong cũng như triển khai xạ thủ loạn tiễn
Về mặt phòng thủ thì để có thể nhằm dễ dàng phòng thủ biên giới cũng như đối phó nhanh trước các cuộc đột kích của các dân tộc xung quanh, người Ai Cập cổ đại đã cho xây 1 loạt các cứ điểm pháo đài đồn trú dọc theo biên giới cũng như bố trí các binh sỹ tuần tra, canh gác tại khu vực có gốc gác từ dân bản địa trong khu vực vốn thông thạo chiến thuật, địa hình của dân cư khu vực đó như lính Medjay người Nubia…
Bên cạnh đó thì trong 1 số câu chuyện cổ còn lưu lại của người Ai Cạp cổ thì người Ai Cập cổ cũng sử dụng 1 số chiến thuật tiềm nhập vào bên trong thành để phá từ bên trong ra kết hợp với vòng vây bên ngoài khi gặp phải thành trì phòng thủ kiên cố như trong câu chuyện về cuộc chinh phục thành Joppa của tướng Djehuty tại chiến dịch viễn chinh Syria của pharaoh vương triều thứ 18 là Thutmose Đệ Tam
Theo câu chuyện này thì khi quân Ai Cập tiến tới Joppa thì Djehuty đã giả vờ mời vua Joppa tới doanh trại dự tiệc rồi thịt luôn cũng như lợi dụng khi thành Joppa vô chủ đang sơ hở thì Djehuty đã cho 200 binh sỹ tinh nhuệ chui vào bao mang tới thành Joppa với lý do là người Ai Cập tới đầu hàng kèm theo dâng cống phẩm
Kết quả của câu chuyện là người Joppa không mảy may nghi ngờ nên đã nhận món cống phẩm chết người này để rồi khi vào được bên trong thành thì 200 binh sỹ đã chui ra khỏi bao và mở cửa thành đón đại quân vào làm thành Joppa thất thủ
Ý tưởng dâng cống nộp giả này có lẽ về sau đã được Homer mượn cho cuộc chiến thành Troy của mình
Ai Cập thời Tân vương quốc dưới sự cai trị của các vị pharaoh kiêm chiến binh như Sethi, Ramses Đệ Nhất, Ramses Đệ Nhị vẫn còn giữ được sự thịnh trị của mình
Song sau khi đánh bại được dân Hải Nhân trong các trân Djarhy cũng như trận chiến miền Châu Thổ vào năm 1178 TCN hoặc 1175 TCN và nhất là sau cái chết của pharaoh Ramses Đệ Tam thì Tân vương quốc Ai Cập bắt đầu suy vong và bước vào giai đoạn Trung gian (Giai đoạn Loạn thế) lần thứ 3 cho tới năm khoảng năm 1077 TCN hoặc 1069 TCN thì giai đoạn Tân vương quốc Ai Cập kết thúc khi vị pharaoh cuối cùng của vương triều thứ 20 là Ramses đời thứ 11 băng hà
Ai Cập từ đây bị suy yếu và liên tục bị dị tộc tiến vào đô hộ cũng như du nhập thêm nhiều kỹ thuật quân sự mới