Phần thi kéo lửa thổi cơm tại lễ hội chùa Keo Thái Bình là phần thi độc đáo tạo niềm vui tươi, hứng khởi để bắt đầu cho một năm mới thuận lợi. Clip: Nhật Hà
Theo ban tổ chức, phần hội chùa Keo mùa xuân có nhiều hoạt động văn hoá phong phú gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, gắn kết cộng đồng như: Màn trống hội, thổi cơm thi, múa kỳ lân, du thuyền hát hội, bắt vịt dưới hồ, du thuyền hát hội … và chuỗi hoạt động của chương trình lễ tế đầu năm.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngay từ sáng sớm nay, đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đã nô nức kéo về trẩy hội chùa Keo, cầu sức khỏe, bình an cho năm mới Giáp Thìn 2024.
Có mặt tại lễ hội chùa Keo từ rất sớm, anh Nguyễn Quang Thành (40 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng) chia sẻ: “Là một người con của làng Keo, tôi đã xa quê 24 năm, tuy nhiên cứ Tết đến xuân về, tôi và gia đình mình đều trở về thăm quê hương ăn Tết với bố mẹ, và vẫn giữ nguyên truyền thống của người con đất làng Keo, năm nào tôi cũng tới lễ hội chùa Keo mùa xuân để mong một năm mới sức khoẻ, may mắn, lộc tài cho các thành viên trong gia đình”.
Bà Lê Thị Hoa (ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho hay: “Dù huyện Đông Hưng cách chùa Keo khoảng 25km, nhưng cứ tới lễ hội chùa Keo mùa xuân là tôi rất háo hức đợi đến đây để cầu may, rút thẻ. Thậm chí tôi còn mang theo áo dài – trang phục Truyền thống của Việt Nam để lưu lại cho mình những bức ảnh đẹp tại ngôi chùa cổ kính, có kiến trúc bậc nhất Việt Nam này”.
Ông Phạm Văn Chiến (68 tuổi, ở Quảng Ninh) cho biết: “Theo thói quen từ ngày bé tôi đã theo mẹ tới chùa Keo vào mùng 4 Tết để du xuân và cầu may mắn cho gia đình, người thân. Nên từ đó tới nay, dù sinh sống ở xa, tôi vẫn duy trì thói quen này. Năm nay thời tiết khá luận lợi, trời hửng nắng ấm áp nên càng thuận lợi để tôi cùng nhiều bà con từ khắp nơi về đây lễ chùa”.
Cùng cháu nội tới chùa Keo từ sáng, bà Phạm Thị Xá (59 tuổi, ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, bà tới chùa cầu mong một năm mới sức khoẻ, làm ăn thuận lợi, vạn sự an khang, vạn sự lành. Đặc biệt, bà mong ước cháu nội của bà sẽ chăm ngoan, học giỏi, và hiếu thảo.
Ông Phạm Công Diện – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vũ Thư cho biết, Lễ hội chùa Keo mùa xuân là lễ hội truyền thống được duy trì đều đặn, khai mở vào ngày mùng 4 Tết âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công đức của Thiền sư Không Lộ (1016-1094), có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư.
Lễ hội nhiều năm qua thu hút du khách thập phương ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng đến du xuân.
Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: Hội xuân vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán và Hội thu (lễ hội chính), từ ngày 13 đến ngày 15/9 Âm lịch.
Lễ hội chùa Keo mùa xuân ở Thái Bình năm nay được tổ chức trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 Tết Giáp Thìn) tới hết ngày 16/2 (tức ngày mùng 7 Tết Giáp Thìn).
Một số hình ảnh về các hoạt động tại lễ hội chùa Keo mùa xuân 2024: