Điều dưỡng Dương Thúy Nga, khoa Nhi, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, vào ngày Tết, các gia đình chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn, cùng với việc di chuyển nhiều như: về quê, đi du lịch cùng gia đình, giờ sinh hoạt đảo lộn, chế độ ăn uống thất thường.
Do đó, trong dịp Tết Nguyên đán, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, sốt, ngộ độc… luôn ở ngưỡng cao. Vậy nên cha mẹ phải thật chú ý dinh dưỡng của bé vào những ngày này.
Lưu ý dinh dưỡng ngày Tết cho trẻ
Theo điều dưỡng Nga, để tránh cho trẻ ngộ độc thực phẩm vào ngày Tết, cha mẹ cần chú ý:
– Các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ.
Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây phù hợp với nhu cầu của trẻ,… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc tết.
– Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm tinh bột (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ….), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…).
Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
– Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng.
– Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ.
– Chọn thực phẩm không có phẩm màu, chất tạo màu.
– Chọn thực phẩm của các công ty uy tín được đóng gói hoặc đóng bao đúng quy cách, bảo đảm vệ sinh khi bày bán và còn hạn sử dụng.
– Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… . Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt… hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì, với một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
– Hạn chế các món ăn có hạt nhỏ (hạt dưa, hạt bí…) vì rất dễ gây hóc hạt vào đường thở của trẻ, nguy hiểm tới tính mạng.
– Chú ý cho trẻ uống đủ nước và ngủ đủ giấc.
Cha mẹ cần chuẩn bị những gì cho trẻ ngày Tết.
– Những thực phẩm lành mạnh, đa dạng, tốt cho sức khỏe
– Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh đôi bàn tay của trẻ cũng như của các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ
“Ngoài thực phẩm cha mẹ cũng nên chuẩn bị một số thuốc thông thường (nếu gia đình có đi du lịch hoặc về quê :
Thuốc hạ sốt Paracetamol: sử dụng khi trẻ sốt ≥ 38.5 độ C, liều dùng từ 10-15mg/mỗi kg cân nặng của trẻ, cách 4-6h. Nếu trẻ sốt cao, liên tục, hoặc kèm các dấu hiệu như ho nhiều, khò khè, thở nhanh, tím tái, co giật, li bì, bỏ ăn… thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế.
Gói pha dung dịch bù nước- điện giải Oresol: Dùng để bù nước và các chất điện giải khi trẻ bị nôn nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần”, điều dưỡng Nga khuyến cáo.