Bác sĩ cảnh báo 1 dấu hiệu “say nguội”, mọi người chủ quan cho rằng gan khoẻ
Trong những ngày Tết Nguyên đán là dịp gia đình, bạn bè… đoàn tụ theo truyền thống của người Việt Nam, rượu bia là điều không thể tránh được trong những dịp này. Có không ít người sau khi uống rượu xong nhiều người không say ngay mà hôm sau mới say hay còn gọi là “say nguội”. Với hiện tượng “say muộn” này nhiều người lầm tưởng cho rằng gan mình khoẻ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho rằng, thông tin uống rượu “say nguội” chứng tỏ gan khoẻ là không có cơ sở khoa học. Và điều này cũng không đúng, lạm dụng rượu bia ảnh hưởng rất lớn tới gan.
“Gan được ví như là một nhà máy hoá chất của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng chuyển hoá. Rượu khi uống vào trong cơ thể 90% sẽ chuyển hoá tại gan, 10% còn lại chuyển hoá qua nước tiểu mồ hôi. Do vậy, việc uống rượu bia dung lượng nhiều sẽ tạo ra những gánh nặng cho gan”, bà Ngọc thông tin.
Theo bà Ngọc, rượu bia khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành Anđehit (chất độc) được hình thành do sự oxy hóa của rượu ethanol. Đây là thành phần nguyên nhân gây ngộ độc rượu (say rượu) với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt…
“Rượu ít dưới 3g -5g trong 1 giờ cơ thể có thể chuyển hoá được hết Andehit. Nhưng nếu uống rượu bia với lượng nhiều thì Andehit tồn tại ở gan gây ra những bệnh lý về gan rất nguy hiểm. Năm 2022, Việt Nam được xếp vào nước tiêu thụ rượu bia đứng đầu Đông Nam Á đây là một điều rất đáng cảnh báo”, bà Ngọc nhấn mạnh.
PGS Ngọc cho biết, người uống rượu ngày hôm sau mới say có liên tới cơ địa của cá nhân đó chuyển hoá rượu chậm hơn người bình thường (chuyển hoá kém) khiến cho họ không say ngay khi uống. Hoặc do người đó mới uống rượu có kích thích nên chưa cảm thấy mệt mỏi. Ngày hôm sau, hết kích thích, gan chuyển hoá rượu thành Andehit mới gây ra triệu chứng say (mệt mỏi).
Phó chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cũng lưu ý, những trường hợp “say nguội” sẽ rất nguy hiểm do mọi người thường chủ quan và uống nhiều. Tác hại của rượu đối với cơ thể là rất lớn nhưng hiện nay mọi người vẫn còn tồn tại văn hoá uống rượu chúc cho nhau say. Điều này cực kỳ nguy hại.
“Để bảo vệ chức năng gan cần hạn chế việc chúc tụng rượu bia cho nhau say. Chỉ nên uống 1-2 chén để tạo không khí vui vẻ trong những ngày lễ Tết. Trước khi uống nên ăn nhiều các loại thức ăn có chất đạm, rau xanh, hoa quả tươi sẽ làm chậm quá trình hấp thu rượu, kéo thời gian để gan có thể giải độc rượu”, PGS Ngọc lưu ý.
Say nguội: Làm thế nào để giảm tác dụng có hại của bia rượu?
Trước việc Tết Nguyên đán cận kề, TS.BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh Bạch Mai khẳng định, uống bia rượu rất có hại cho sức khỏe, chính vì vậy trước khi uống rượu bia mỗi người cần nhìn vào những tác hại của đồ uống này để tiết chế, giảm đến mức tối thiểu việc bia rượu nạp vào cơ thể.
Bác sĩ cũng chỉ ra rằng, không nên uống quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn ở nước ta tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương với khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Để tránh những trạng thái nguy hiểm cần chọn loại rượu, bia phù hợp, rõ nguồn gốc (đã được kiểm định bởi cơ quan quản lý); biết cách phân biệt hàng giả… Nếu không rõ cần kiểm định bằng cách như xét nghiệm, lâm sàng; ưu tiên kiểm định bằng xét nghiệm.
Theo bác sĩ Thuận, nếu trong trường hợp bắt buộc phải uống rượu, cần chuẩn bị cơ thể tốt, ăn đủ trước, trong và sau uống, giữ ấm, tránh lạnh, uống đúng mực, kiểm soát. Trong trường hợp phải lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao thì tuyệt đối không uống.
“Quan trọng nhất là chúng ta chỉ nên uống một lượng rượu vừa đủ, thay vì uống quá nhanh hãy uống chậm lại. Nên chọn các loại rượu có nồng độ cồn thấp, như rượu vang, rượu nồng độ cao thì pha nhạt đi. Ngoài ra, trước khi uống rượu cần uống đủ nước để giảm khát, vì khát nước khiến bạn uống nhiều rượu hơn.
Đặc biệt chú ý, đối với những người tuổi cao nên giảm lượng rượu, người có vấn đề sức khỏe như men gan cao, bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh não và các bệnh lý khác thì giảm lượng rượu so với khuyến cáo và bắt buộc cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”, chuyên gia chống độc cho hay.