di-le-chua-dau-nam-o-quang-ngai-voi-nhieu-ngoi-chua-kien-truc-doc-dao,-lich-su-gia-tri

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi với nhiều ngôi chùa kiến trúc độc đáo, lịch sử giá trị

Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, hiểu biết, yêu thương… Chính vì thế, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người. Đặc biệt là dịp đầu năm mới âm lịch thì càng có nhiều người đến các chùa để chiêm bái, du xuân và bái Phật.

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi: Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn được xây dựng vào năm 1694, nay thuộc xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Quảng Ngãi. Chùa nằm ở độ cao khoảng 100m, bao quanh là rừng cây ngút ngàn với diện tích rộng khoảng 1ha.

Đầu năm nên đi lễ chùa nào ở Quảng Ngãi?- Ảnh 1.

Một góc chùa Thiên Ấn. (Ảnh: Lê Xuân Thọ)

Được xây dựng từ thế kỷ 17, vì vậy, các kiến trúc trong chùa từ cánh cổng uy nguy, tòa chính điện đồ sộ,… đến những ngọn bảo tháp,… đều nhuốm màu thời gian, mang đến nét cổ kính, trầm mặc.

Ngôi chùa lớn ở Quảng Ngãi này gắn liền với tích “chuông thần, giếng Phật”. Giếng sâu khoảng 21m, đường kính hơn 2m, được xây dựng bằng đá ong. Chùa Thiên Ấn thu hút du khách với lối kiến trúc nhà Rường được làm hoàn toàn từ gỗ. Đặc biệt, trong chùa có một chiếc chuông với tiếng vang khắp cả vùng. Gần chùa, du khách có thể tới viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ yêu nước.

Chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi là nơi được người dân địa phương và du khách thập phương viếng thăm đông đảo vào dịp Tết Nguyên đán.

Địa chỉ: núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 3km.

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi: Chùa Hang Lý Sơn

Đầu năm nên đi lễ chùa nào ở Quảng Ngãi?- Ảnh 2.

Nội điện chùa Hang. (Ảnh Lê Hồng Khánh)

Chùa Hang có tên chữ là “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa đá trời sinh) được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông (1599-1618). Chùa Hang có chiều sâu 24m, rộng 20m, cao 3,2m. Ở đây vừa thờ Phật, vừa thờ các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây các làng xóm trên đảo Lý Sơn. Ngôi chùa lớn ở Quảng Ngãi – Chùa Hang được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994.

Trước chính diện chùa Hang có giếng nước gọi là giếng trời. Quanh sân chùa là những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm. Đặc biệt, bên trong chùa còn có 2 lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân địa phương quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”.

Điện thờ chính đặt giữa hang động chính. Hai bên chính điện có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc và các bệ đá thờ các vị thủy tổ, các vị tiền hiền có công gây dựng chùa. Ngày nay, chùa Hang là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Địa chỉ: núi Thới Lới, thôn Đồng Hộ, làng An Hải, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi: Chùa Ông Thu Xà

Đầu năm nên đi lễ chùa nào ở Quảng Ngãi?- Ảnh 3.

Chùa Ông. (Ảnh: Nguyễn Đăng Vũ)

Chùa Ông là một trong những ngôi chùa lớn ở Quảng Ngãi, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ hai (năm 1821). Trong gần 200 năm tồn tại, ngôi chùa này là nơi sinh hoạt tâm linh chung của cả người Hoa và người Việt tại Thu Xà.

Chùa Ông mang nét kiến trúc Việt – Hoa. Chùa Ông có kiến trúc hình chữ “tam” với 3 khối nhà liền nhau: tiền đường, chánh đường và hậu cung. Nghệ thuật trang trí ở chùa Ông Thu Xà cũng đạt đến trình độ tinh xảo, đặc biệt là các kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng,… trên các bình phong, cột, khám thờ, tượng, diềm bia…

Địa chỉ: Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, TP. Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về hướng Đông.

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi: Chùa Diệu Giác

Chùa Diệu Giác là một trong những ngôi cổ tự được xây dựng sớm nhất và có vai trò quan trọng trong lịch sử hoằng dương Phật giáo ở tỉnh Quảng Ngãi. Đây là ngôi chùa lớn ở Quảng Ngãi được công nhận là Di tích Văn hóa – Lịch sử cấp quốc gia năm 2000.

Đầu năm nên đi lễ chùa nào ở Quảng Ngãi?- Ảnh 4.

Cổng Tam quan chùa: “Sắc Tứ Diệu Giác”. (Ảnh : Vinh Bổn)

Có nhiều ý kiến cho rằng: Chùa được xây dựng vào năm Bính Ngọ (1966), gắn với sự kiện công chúa Huyền Trân vào Bình Định làm dâu nước Chiêm Thành. Trong chùa Diệu Giác vẫn còn đang lưu giữ một số văn bản chữ Hán giá trị ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến chùa. Theo đó, từ năm 1841 – 1848, chùa đã trải qua ba lần trùng tu, sau đó đến nay, chùa trải qua nhiều lần tôn tạo khác. Tuy vậy, chùa Diệu Giác vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm của ngôi chùa có lịch sử gần 400 năm.

Hiện nay, chùa có kiến trúc hình vuông. Trong khuôn viên chùa, ngoài am thờ Huyền Trân còn có ba ngôi tháp cổ, là mộ của các vị trụ trì đời thứ nhất, đời thứ hai và đời thứ năm.

Địa chỉ: thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP. Quảng Ngãi khoảng 20 km về hướng Bắc.

Đi lễ chùa đầu năm ở Quảng Ngãi: Chùa Thình Lình

Đầu năm nên đi lễ chùa nào ở Quảng Ngãi?- Ảnh 5.

Chùa Thình Lình. (Ảnh: D.H)

Tọa lạc trên đỉnh núi cao 168m so với mực nước biển, trong khuôn viên 500m2, chùa Thình Thình (tên chữ là Viên Giác Thanh Sơn) hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Để đến được núi Thình Thình có hai đường chính, hoặc đi từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, xuôi theo bờ bắc sông Trà, đến chợ Sa rẽ trái về hướng Thành cổ Châu Sa, men theo những cánh đồng lúa, núi đồi nhấp nhô thuộc xã Bình Tân (huyện Bình Sơn) và các xã Tịnh Châu, Tịnh Long (thành phố Quảng Ngãi); hoặc theo quốc lộ 1A đi về hướng bắc, đến cuối địa phận xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) rẽ phải khoảng 10km sẽ bắt đầu con đường lên núi để tới chùa Thình Thình.

Khách thập phương đến tham quan, vãng cảnh chùa Thình Thình không chỉ được tận mắt thấy quang cảnh, kiến trúc của một công trình tôn giáo cổ kính vẫn sừng sững trước sự hủy hoại của thời gian và chiến tranh, mà còn được tìm hiểu về lịch sử hào hùng qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

Du lịch Quảng Ngãi không thể thiếu chuyến thăm các ngôi chùa nổi tiếng đẹp và thanh tịnh nơi đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *