Trong tháng 1/2024, 3 tỉnh gồm: Quảng Trị, Quảng Bình và Cà Mau cùng có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về việc xin rút khỏi danh sách hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Ngay sau khi biết được thông tin này, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ. Đặc biệt khi Quảng Bình, Quảng Trị hàng năm phải đối mặt với thiên tai, bão lũ tàn phá, sự khắc nghiệt của thời tiết, Cà Mau cũng là tỉnh khó khăn của vùng ĐBSCL nhưng lại có quyết định mang tính “lịch sử” như trên.
Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc 3 tỉnh trên xin rút khỏi danh sách hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân trong dịp Tết Nguyên Đán 2024 là điều rất đáng mừng, hoan ngênh.
“Điều này thể hiện rõ lãnh đạo các tỉnh trên đã cân đối các nguồn lực để có thể tự lo được cho nhân dân một cái Tết ấm no. Đây cũng là minh chứng cho việc 3 tỉnh đã có phát triển, tiến bộ. Lương thực là vấn đề rất quan trọng. Tôi chỉ hy vọng rằng, các tỉnh hãy đừng để ai bị bỏ lại phía sau, đừng để ai mất Tết và đừng để ai bị đứt bữa. Nếu làm được điều này sẽ rất vui, ai cũng hân hoan đón Tết nhất là những khó khăn sau đại dịch Covid-19”, ông Trí nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An cũng đánh giá rất cao tập thể lãnh đạo 3 tỉnh trên. Các tỉnh đã rất cố gắng vươn lên trong khó khăn, nhất là khó khăn về mặt kinh tế, cân đối được thu chi.
“Đây là 3 tỉnh xưa nay gặp không ít khó khăn khi thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ…, Cà Mau thì chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhiều nơi sạt lở, sụt lún… ít ai nghĩ rằng tỉnh lại cân đối được thu chi để có thể tự lo được cho nhân dân dịp Tết.
Có lẽ đây minh chứng cho việc đi đầu vượt khó, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề của chính mình. Điều này cũng góp phần hỗ trợ cùng với Nhà nước trong việc gỡ khó trong việc nhường cơm sẻ áo cho các tỉnh còn khó khăn hơn. Tôi thấy việc điều hành của các tỉnh rất tốt, tổ chức thực hiện tốt, cho nên mới vượt khó qua muôn vàn khó khăn, biết nhìn ra, định hướng đúng trong việc phát triển đúng”, bà An chia sẻ.
Bà An cũng mong rằng, trên nền tảng trên các tỉnh sẽ tiếp tục phát huy các năng lực để vượt lên hơn nữa, vượt thu nhập, đời sống của nhân dân được nâng cao hơn nữa so các năm trước.
“Hy vọng các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ có nhiều sáng kiến, kế sách tốt, làm cho thu nhập bình quân vượt lên hơn nữa. Đó cũng là sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phát triển kinh tế đất nước”, bà An nói thêm.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, tại văn bản báo cáo tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đề xuất các bộ, ngành xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.757 tấn gạo cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán và kỳ giáp hạt 2024. Còn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị gửi văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cấp 991,5 tấn gạo hỗ trợ cho 13.634 hộ dân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đang gặp khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, sau khi cân đối lại nguồn lực, tỉnh Quảng Trị có văn bản rút đề nghị hỗ trợ số gạo nêu trên. Tỉnh Quảng Bình thì xin rút khỏi danh sách hỗ trợ gạo để Chính phủ hỗ trợ các địa phương khác khó khăn hơn.
Ðại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi rà soát các nguồn kinh phí, tỉnh có thể tự cân đối nguồn lực để bảo đảm đời sống của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí ngân sách tỉnh để mua gạo hỗ trợ trong dịp Tết cho các hộ đặc biệt khó khăn, bảo đảm không để người dân nào thiếu đói.
Tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định sẽ tự bố trí kinh phí để bảo đảm đời sống cho nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách trong dịp Tết và kỳ giáp hạt 2024. Từ sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022 đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ở địa phương liên tiếp được mùa, nguồn lương thực cho người dân cơ bản được chủ động. Việc thiếu lương thực chỉ xảy ra ở một vài khu vực vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Cuối tháng 1, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng không nhận hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
“Qua rà soát, UBND tỉnh Cà Mau báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin không nhận hỗ trợ gạo trong dịp Tết do địa phương đã cân đối, đảm bảo việc hỗ trợ cho các hộ dân”, văn bản nêu.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có công văn báo cáo nhu cầu hỗ trợ gạo trong dịp Tết Giáp Thìn. Tỉnh Cà Mau đề nghị hỗ trợ hơn 1.000 tấn gạo cho hơn 18.000 hộ dân với hơn 69.100 nhân khẩu, với định mức 15kg/khẩu/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất cấp 7.014 tấn gạo cứu đói cho 60.551 hộ với 467.653 nhân khẩu dịp Tết Giáp Thìn và mùa giáp hạt năm 2024 cho các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum.