an-thit-thu-rung-de-“lay-may”-ngay-tet:-su-that-dang-so

Ăn thịt thú rừng để “lấy may” ngày Tết: Sự thật đáng sợ

Nhiều người săn lùng, ăn thịt thú rừng ngày Tết

Những năm gần đây, các món ăn được chế biến từ động vật hoang dã như thú rừng (lợn rừng, dúi, don, chồn…), bò sát (kỳ đà, rùa) hay chim trời, được một bộ phận người Việt xem là đặc sản, “món sang” tiếp khách.

Đa số người Việt vẫn có cái thú săn thịt thú rừng thuộc loại hoang dã quý hiếm vào các dịp lễ hay sự kiện đặc biệt như ngày Tết vì cho rằng “đặc sản rừng mới đẳng cấp…”. Đặc biệt, dịp lễ Tết, nhu cầu về các món đặc sản “từ thiên nhiên” lại tăng cao. Không ít người quan niệm đầu năm ăn thịt thú rừng sẽ giúp mang lại may mắn và tài lộc.

Ăn thịt thú rừng để

Tê tê bị bắt trước khi vận chuyển tới tay người sử dụng. Ảnh cắt từ video: Dân Việt

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện, Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) cho biết, hiện nay vào dịp Tết nhiều người có xu hướng thưởng thức món có lợi cho sức khỏe, lại vừa độc vừa lạ và không làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên.

Ăn thịt thú rừng để

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện, Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, nếu nhìn lại tình hình hơn 1 thập kỷ qua, thế giới và cả Việt Nam chứng kiến nhiều dịch bệnh bùng phát (AIDS, Ebola, SARS, cúm gia cầm Covid-19,…) mà nguồn gốc lại từ những loài động vật hoang dã. Chính các hoạt động của con người như săn bắt, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ… động vật hoang dã là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật bùng phát, lây lan.

Tính đến nay, toàn thế giới đã có hơn 700 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 với gần 7 triệu ca tử vong. Bên cạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, dịch bệnh còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như nhiều công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giao thương buôn bán đình trệ, du lịch hạn chế, không phát triển, giáo dục cũng gặp không ít khó khăn.

Ăn thịt thú rừng để

Nhiều người có xu hướng sử dụng thịt động vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp. Ảnh: WCS Việt Nam cung cấp

Theo bà Thuỷ, chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật. Cụ thể, như việc thực hành vệ sinh và an toàn sinh học kém như chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh, không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc động vật… sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân truyền lây bệnh từ động vật hoang dã sang người và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch bệnh và đại dịch.

Ăn thịt thú rừng: Ẩn hoạ không chỉ với bản thân

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, động vật hoang dã thường mang theo các loại vi khuẩn, virus và chúng có nguy cơ lây truyền sang người, làm cho con người bị nhiễm bệnh.

“Nguy cơ lây bệnh từ động vật hoang dã không chỉ gặp ở người ăn mà còn có thể xảy ra xuyên suốt chuỗi cung ứng từ săn bắt, vận chuyển, mua bán, làm thịt, chế biến (đặc biệt là ăn tái, ăn sống như ăn tiết canh)”, PGS. Huy Nga nói.

Ăn thịt thú rừng để

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Ông Nga cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể như đại dịch SARS xảy ra tại Việt Nam vào năm 2003 đã được xác định do virus từ cầy hương lây sang người và lây từ người sang người. Hay ví dụ mới nhất là đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới (do virus SARS-CoV-2 gây ra) với rất nhiều thương vong.

Đã có một số nghiên cứu cho rằng virus SARS- CoV-2 có bắt nguồn từ loài dơi và có bằng chứng phát hiện virus này trên một số loài động vật hoang dã khác như hổ, sư tử, báo, hươu, khỉ. Ngoài ra, virus giống virus SARS-CoV-2 cũng được phát hiện trên loài tê tê…

“Quá trình vận chuyển, nuôi nhốt các động vật hoang dã trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, yêu cầu chuồng trại… và quan trọng nhất là đã thu ngắn khoảng cách tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người có thể tạo cơ hội cho mầm bệnh từ động vật dễ dàng lây sang cho con người và ngược lại. Lúc đầu, mầm bệnh lây từ động vật sang người gây ra dịch bệnh. 

Ăn thịt thú rừng để

Thịt động thú rừng được bày bán tại một số lễ hội ở Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Khi thích ứng với cơ thể con người, các mầm bệnh này có thể hình thành bệnh lưu hành hàng năm trên người. Nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ động vật hoang dã là rất lớn và ngày càng phức tạp hơn do việc săn bắn, nuôi nhốt, ăn thịt động vật hoang dã. Việc ăn thịt động vật hoang dã không làm cho bạn khoẻ hay sang chảnh hơn mà thực tế sẽ tăng nguy cơ ăn bệnh vào người”, ông Nga cảnh báo.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Việt Nam cũng là một trong những nước “nhạy cảm” dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật.

“Đặc biệt, việc giao lưu giữa các nước trở nên phổ biến, con người thích vào rừng để khám phá, sau đó trở ra bên ngoài thế giới văn minh cũng nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh lạ, bệnh nguy hiểm lây từ các động vật hoang dã. Một nguyên nhân khác là từ việc nuôi, bắt nhốt, giết mổ động vật hoang dã phục vụ nhu cầu của con người”, ông Phu nói.

Ăn thịt thú rừng để

Một số vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã bị thu giữ. Ảnh: WCS Việt Nam cung cấp

Trước thực trạng hiện nay, bà Thuỷ khuyến cáo, nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người cũng như nguy cơ làm bùng phát, lây lan dịch bệnh mới nổi và tái nổi liên quan tới chuỗi cung ứng động vật hoang dã là có thể xảy ra. Nếu như chúng ta còn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, ăn động vật hoang dã thì vẫn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý về bảo vệ động vật hoang dã khá hoàn chỉnh, với các chế tài nghiêm khắc.

Đại diện WCS cũng đưa ra ý kiến đồng tình. Theo đó, hiện nay, với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã như săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã… có thể bị xử phạt lên tới 12 năm tù (đối với cá nhân), phạt tiền tới 6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động tới 3 năm (đối với pháp nhân) theo quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); hoặc phạt tù lên tới 15 năm tù (đối với cá nhân) và phạt tiền tới 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (đối với pháp nhân) theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều quy định pháp luật về phòng ngừa, kiểm soát bệnh lây truyền giữa người và động vật trong các lĩnh vực liên quan như: phòng, chống bệnh truyền nhiễm; an toàn thực phẩm; thú y. Tuy hệ thống quy định pháp luật tương đối đa dạng, nhưng trong thực tiễn áp dụng còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện.

“Hiện nay, hầu hết các quy định hiện hành về vấn đề kiểm soát, phòng ngừa bệnh lây truyền giữa động vật và con người trong lĩnh vực phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thú y hay an toàn thực phẩm chỉ đề cập tới động vật nói chung, chưa đề cập trực tiếp tới việc kiểm soát, phòng ngừa bệnh lây truyền có nguồn gốc từ động vật hoang dã. 

Trong khi đó, động vật hoang dã là những loài cư trú tự nhiên, có môi trường, sinh cảnh và tập tính rất khác so với vật nuôi. Thêm vào đó, chúng ta cũng chưa có chế tài xử lý hành vi tiêu thụ (ăn thịt) động vật hoang dã”, đại diện WCS Việt Nam chia sẻ.

Đại diện WCS cho biết, do nhận thức về tầm quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường tự nhiên còn hạn chế nên tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã phục vụ mục đích tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn đang diễn ra. Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường về nguy cơ lây truyền dịch bệnh, cũng như tạo điều kiện phát sinh các hành vi vi phạm và tội phạm phái sinh khác.

“Chính vì vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học là rất quan trọng”, bà Thuỷ nói thêm. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *