Sợ nhồi nhét, “phượt” 300km về quê đón Tết
Một tháng trước Tết năm ngoái, Nguyễn Đạt (28 tuổi) canh mua vé xe khách giường nằm từ Hà Nội về Nghệ An. Nghe báo giá tăng gấp đôi, lại mất thêm chi phí vận chuyển xe, anh quyết định tập hợp nhóm bạn tự đi xe máy về quê.
“Mỗi năm, cảnh đặt vé xe Tết về quê đều như một cuộc chiến”, Đạt thở dài, tính toán quãng đường từ Hà Nội về huyện Yên Thành (Nghệ An) gần 300km.
Nhóm 6 người của Đạt đều là nam, đi trên ba xe máy để tiện đổi lái. Tối 27 Tết, cả nhóm tập trung tại nhà một người để cùng ăn tất niên rồi sắp xếp đồ đạc, tìm cung đường thích hợp.
Họ chuẩn bị hành lý nhỏ gọn, mũ bảo hiểm trùm đầu, găng tay, đồ bảo hộ chân và tay.
Sáng hôm sau, nhóm xuất phát từ Bến xe Nước Ngầm khoảng 8h, bắt đầu hành trình, tổng thời gian dự kiến 7-8 tiếng (tính cả thời gian nghỉ ngơi). Điểm dừng chân đầu tiên tại thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), đổ xăng tại Thanh Hóa sau khi đi hết 100km.
Về đến cuối Thanh Hóa, nhóm tìm một chỗ nghỉ ven đường, rồi đi một mạch về Nghệ An.
“Trên đường đi, chúng tôi thấy những đoàn tàu ngược xuôi nên rất nôn nao về nhà”, Đạt nói.
Ám ảnh cảnh nhồi nhét trên xe khách mỗi dịp về quê ăn Tết, Ngọc Thảo (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định “phượt” xe máy về Hải Phòng. Quãng đường 100km dự kiến hết 3 tiếng, nhưng Thảo đi mất 5 tiếng do… lạc đường.
Đi một mình, cô gái vừa lái xe vừa hát để tự trấn an bản thân. Thảo di chuyển chậm do quãng đường thường xảy ra tai nạn, nhiều phương tiện nguy hiểm như: xe tải, xe container…
“Tôi lạc đường, phải quay ngược thêm 10km, nhìn theo phương tiện có biển số 15 và 16 để bám theo, sợ đi nhầm sang tỉnh khác”, cô nhớ lại, nói đây vừa là trải nghiệm vừa thử thách bản thân.
Ba cái Tết liên tiếp, Lê Hân (28 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự đi xe máy một mình về Thanh Hóa. Dù bố mẹ phản đối, cô giải thích kinh nghiệm “phượt” các tỉnh phía Bắc đã giúp cô rèn luyện kỹ năng đi xe máy.
Ngoài ra, giá vé Tết tăng chóng mặt, chưa kể chi phí mang xe máy về bằng vé một người, tốn từ 500.000 đến 600.000 đồng.
“Đi xe máy về quê giúp tôi chủ động công việc, sắp xếp thời gian và tiết kiệm chi phí”, Hân nói.
Cô xuất phát từ 7h ngày 29 Tết, mỗi 50km sẽ dừng lại nghỉ ngơi 10 phút. Để đảm bảo an toàn, cô di chuyển chậm, nhất là qua khu vực Thường Tín thường xảy ra tai nạn, men theo quốc lộ 1A. Đặt chân đến nhà, cô gái thở phào nhẹ nhõm.
Ám ảnh “săn” vé, bị nhồi nhét trên xe Tết
Tết năm ngoái, do không đặt kịp vé Tết, gia đình chị Minh Ngọc (32 tuổi) thuê ô tô riêng từ Thanh Hóa về Hà Tĩnh. Người phụ nữ chấp nhận bỏ ra mức giá đắt đỏ 4 triệu đồng/khứ hồi để tiện chăm sóc con gái 2 tuổi, tránh cảnh chen chúc trên xe khách.
“Trước chỉ hai vợ chồng, giờ có thêm con nhỏ, việc tìm vé tàu, xe, là cả một chuỗi gian nan vất vả”, chị nói.
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội 10 năm, nhưng chưa lần nào đặt xe về Tết là điều suôn sẻ với Đức Huy (29 tuổi, quê Quảng Trị). Những năm đầu đại học, cuộc chiến đặt vé “vô cùng khốc liệt” do chưa có kinh nghiệm, anh phải ngồi ghế phụ hoặc giữa hành lang với mức giá bằng ghế giường nằm.
Chàng trai kể từng gọi 7 nhà xe nhưng đều được thông báo hết vé, ngày 29 Tết chấp nhận may rủi đến bến “có xe nào đi xe đấy, ghế ngồi cũng như ghế nằm”. Mỗi lần xe dừng, anh lại nơm nớp có người mới lên, chịu cảnh nhồi nhét suốt mấy tiếng đồng hồ.
“Tết năm nay tôi dự tính lên mạng tìm ô tô ghép về quê, giá rẻ hơn, ngồi thoải mái, không phải chen chúc ở bến xe”, anh nói.
Cục Cảnh sát Giao thông từng khuyến cáo người dân về quê đón Tết bằng phương tiện cá nhân cần chủ động thời gian, loại phương tiện (ô tô con, xe máy…), lộ trình phù hợp.
Những ngày cận Tết, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ rất đông nên việc lựa chọn thời gian khởi hành và lộ trình phù hợp sẽ giúp người dân về quê nhanh hơn, tránh đi vào khung giờ cao điểm.
Phương tiện cá nhân cần được kiểm tra, bảo dưỡng đầy đủ về an toàn kỹ thuật, đảm bảo hoạt động ổn định trên hành trình.
Đối với người điều khiển xe máy chở thêm đồ vật, quà Tết cần phải đảm bảo chằng buộc chắc chắn, không vượt quá khổ giới hạn cho phép của phương tiện.
Người điều khiển phương tiện cần nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe và tỉnh táo, không được sử dụng rượu, bia. Trong quá trình di chuyển, người dân phải luôn tập trung quan sát, làm chủ tay lái, tuân thủ luật Giao thông đường bộ.
Việc điều khiển phương tiện liên tục trong thời gian dài (quá 4 tiếng) sẽ có tác động rất lớn đến khả năng điều khiển và xử lý tình huống. Nếu di chuyển liên tục, người dân cần nghỉ ngơi hợp lý giữa các chặng đường.
“Khi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, người dân cần dừng phương tiện an toàn, thư giãn, uống nước và vận động nhẹ giúp cơ thể tươi tỉnh hoặc có thể vào một số điểm dừng chân, quán nước bên đường để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe”, Cục CSGT cho biết.