Lương thấp, tiền thưởng Tết giảm, lao động gắn bó 20 năm rồi vẫn muốn về quê
Gắn bó với Hà Nội đã 20 năm nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh, 45 tuổi (Nam Định) vẫn muốn về quê. Hồi đó, học xong cấp 3, nhà nghèo chị Linh không thi đại học mà xin đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội.
Làm việc được 5 năm chị lập gia đình, cả hai vợ chồng đều làm công nhân, cuộc sống eo hẹp nên không đủ tiền mua nhà, đành đi thuê trọ.
Chị Linh tâm sự: “Trước đây làm cận lực, tăng ca, mỗi tháng 2 vợ chồng cũng nhận được 25-26 triệu đồng, nhưng từ ngày có dịch Covid -19 đến nay thu nhập giảm liên tục. Gần như vợ chồng tôi chỉ nhận đủ tiền lương cơ bản. Tháng được 17-18 triệu đồng”.
Tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền học, tiền nhà… cho các con đều tăng lên duy chỉ tiền lương là ngày một giảm hơn. Năm trước nghe tin công ty chị khó khăn, nhưng Tết lãnh đạo vẫn thưởng 1 tháng lương 6 triệu đồng. Năm nay nghe nói kinh tế còn khó khăn hơn nên công ty chỉ thưởng 3 triệu đồng.
Lương thấp, thưởng Tết lại giảm, vợ chồng chị đang không biết phải tính sao nếu về quê. “Tết chi tiêu tốn kém, tiền quà cáp biếu nội ngoại hàng xóm, chưa kể mua bán ăn tiêu. Nhà tôi đang không biết phải làm thế nào”, chị Linh nói.
Chị Linh cho biết, dự định sang năm con trai của anh chị vào đại học thì sẽ chuyển về quê sinh sống và tìm công việc nào đó gần nhà để tiết kiệm chi phí.
Tiền thưởng Tết ở Hà Nội có xu hướng giảm
Báo cáo về tiền lương và tiền thưởng Tết năm 2023 của Liên đoàn Lao động Hà Nội cho thấy tiền lương bình quân của người lao động tại Hà Nội năm 2023 vẫn giữ được mức như năm 2022. Tuy nhiên, tiền thưởng Tết năm 2024 lại bị giảm đáng kể so với năm 2023. Đặc biệt, mức giảm sâu nhất thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử…
Để chăm lo cho người lao động, đảm bảo mọi lao động đều có Tết, Công đoàn Hà Nội đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới các cấp công đoàn với nhiều hoạt động như: Tổ chức chương trình Tết Sum vầy – Xuân gắn kết và Chợ Tết Công đoàn, tặng phiếu mua hàng cho người lao động; Hành trình Tết Công đoàn hỗ trợ đưa – đón công nhân lao động về quê đón Tết và quay trở lại làm việc; hỗ trợ sửa “Mái ấm công đoàn”; thăm hỏi, tặng quà người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Về mức lương trung bình của người lao động năm 2023, thống kê của Liên đoàn Lao động Hà Nội cho thấy, bằng với năm 2022 hoặc tăng không đáng kể tùy loại hình doanh nghiệp.
Trong đó, chỉ các doanh nghiệp thuộc Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022, tương ứng tăng từ 6,95 triệu đồng lên 7 triệu đồng. Tuy nhiên mức tiền lương cao nhất ở khu vực này giảm mạnh, từ 70 triệu đồng còn 29,8 triệu đồng. Riêng mức tiền lương thấp nhất giữ nguyên với 5,1 triệu đồng.
Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại đều bằng năm 2022. Cụ thể, khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất 125 triệu đồng/người/tháng (giảm so với mức 180 triệu đồng của năm 2022); mức lương thấp nhất 4,68 triệu đồng.
Khối doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân đạt 7,4 triệu đồng. Mức cao nhất và thấp nhất bằng năm 2022, lần lượt đạt 70 triệu đồng và 4,68 triệu đồng.
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, điều này cho thấy do khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động.
Do đó, thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, nguyên nhân vì giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội tăng cao.
Về tiền thưởng Tết 2024, mức thưởng trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so với năm 2023. Trong đó, riêng thưởng Tết Dương lịch 2023 giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết 2022.
Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023. Mức giảm sâu nhất thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nhận định, nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm.