han-quoc-ban-lenh-cam-an-thit-cho-sau-46-nam-tranh-cai

Hàn Quốc ban lệnh cấm ăn thịt chó sau 46 năm tranh cãi

Ngày 9/1, Hàn Quốc chính thức ra quyết định chấm dứt truyền thống tiêu thụ thịt chó vốn gây tranh cãi trong quá khứ. Quốc hội thông qua dự luật đặc biệt, đánh dấu việc thống nhất cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó.

Dự luật đã nhận được sự tán thành nhất trí trong cuộc bỏ phiếu 208 – 0 trong phiên họp toàn thể, với hai phiếu trắng.

Theo dự luật, có hiệu lực từ năm 2027, việc nuôi hoặc giết thịt chó để tiêu thụ cho con người cũng như việc phân phối hoặc bán thịt chó đều bị cấm.

Hàn Quốc ban lệnh cấm ăn thịt chó sau 46 năm tranh cãi

Hàn Quốc ban lệnh cấm ăn thịt chó sau 46 năm tranh cãi- Ảnh 1.

Thịt chó được coi như thực phẩm tại Hàn Quốc. Ảnh: AzCentral.

Những người vi phạm pháp luật bằng cách nuôi và giết thịt chó sẽ phải chịu mức án tối đa 3 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won (22.768 USD), trong khi những người phân phối thịt chó có thể phải đối mặt với mức án tối đa là 2 năm tù giam hoặc mức phạt tối đa lên tới 20 triệu won

Đến nửa đầu năm 2024, các bên liên quan trong ngành thịt chó, chẳng hạn như nông dân, nhà bán lẻ và chủ nhà hàng, phải đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, họ phải nộp kế hoạch cho chính quyền địa phương vạch ra các bước để thu hẹp quy mô và cuối cùng là đóng cửa cơ sở của mình.

Các bên liên quan đã đăng ký sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để rời khỏi ngành và chuyển sang các ngành nghề nhân đạo hơn, chẳng hạn như chăn nuôi hoặc sản xuất nông nghiệp.

Đạo luật đặc biệt cấm bất kỳ hoạt động chăn nuôi hoặc thành lập cơ sở sản xuất thịt chó mới.

Tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ

Việc bán và tiêu thụ thịt chó đã tồn tại ở những “vùng xám” hợp pháp ở Hàn Quốc trong 46 năm.

Kể từ khi sửa đổi Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm năm 1978, việc tiêu thụ chó làm thực phẩm là bất hợp pháp, được đánh dấu bằng việc loại bỏ chó khỏi danh sách vật nuôi của đạo luật.

Bất chấp việc sử dụng chó làm thức ăn là bất hợp pháp theo Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm, việc nuôi chó vẫn hợp pháp theo Đạo luật Công nghiệp Chăn nuôi, vẫn phân loại những động vật này là vật nuôi. Đồng thời, Đạo luật kiểm soát vệ sinh sản phẩm chăn nuôi thiếu các quy định liên quan đến việc giết mổ và bán lẻ thịt chó.

Trong bối cảnh không có hướng dẫn pháp lý rõ ràng, thì nhận thức của công chúng ngày càng tăng về phúc lợi động vật đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt việc tiêu thụ thịt chó. Có nhiều sự kiện thúc đẩy sự thay đổi văn hóa này, đặc biệt khi Hàn Quốc đăng cai tổ chức các sự kiện toàn cầu như Thế vận hội Seoul 1988, FIFA World Cup 2002 và Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang. Những sự kiện văn hoá này khiến cho Hàn Quốc phải nhận chỉ trích từ các phương tiện truyền thông nước ngoài và các nhóm bảo vệ quyền động vật. Khiến cho tập tục ăn thịt chó ngày càng ít được chấp nhận ở đất nước này.

Theo nghiên cứu mới nhất của chính phủ, có 1.156 trang trại nuôi chó ở Hàn Quốc nuôi hơn 520.000 con chó để lấy thịt và 1.666 nhà hàng bán hơn 388.000 con chó để tiêu thụ trên toàn quốc mỗi năm.

Các đại diện của ngành cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều, với ước tính khoảng 3.500 nông dân có “sinh kế đang bị đe dọa”.

Theo các nhóm vận động động vật địa phương, hầu hết những con chó này được sinh ra và lớn lên trong những chiếc lồng bẩn thỉu, rỉ sét, buộc phải ăn thức ăn thừa và bị giết bằng xiên sắt điện ngay sau khi trưởng thành.

Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc nỗ lực chấm dứt buôn bán thịt chó

Hàn Quốc ban lệnh cấm ăn thịt chó sau 46 năm tranh cãi- Ảnh 2.

Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee phát biểu trong cuộc họp báo do các nhóm dân sự tổ chức tại Trung tâm Báo chí Hàn Quốc ở trung tâm Seoul, ngày 30/8/2023. Hội nghị được tổ chức nhằm kêu gọi ban hành luật cấm tiêu thụ thịt chó. Ảnh: Korea Times.

Để dự luật được thống nhất, không thể không kể đến những nỗ lực của đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee nhằm chấm dứt ngành chăn nuôi này.

Kim Keon Hee là một người ủng hộ quyền lợi động vật, bà nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó trong các cuộc phỏng vấn truyền thông và gặp gỡ các nhà hoạt động vì động vật.

Tháng 7/2023, Kim đã có cuộc trò chuyện với nhà linh trưởng học và nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Jane Goodall về nỗ lực của cô nhằm chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó trong chuyến thăm Hàn Quốc.

Có sáu dự luật vào năm ngoái do các đảng đối thủ đề xuất lên Quốc hội, nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó. Tuy nhiên, các dự luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những người chăn nuôi và buôn bán thịt chó, những người cho rằng luật được đề xuất xâm phạm quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của họ và quyền tự do quyết định ăn uống của người dân.

Tuy nhiên, các đảng đối thủ, mỗi đảng đều có các dự luật tương ứng đang chờ xử lý tại Quốc hội, đã cùng tuyên bố vào tháng 11/2023 rằng, việc chấm dứt buôn bán thịt chó đã trở thành một chương trình nghị sự chính trị hàng đầu. Họ đã đạt được thỏa thuận để thông qua lệnh cấm.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới nơi chó được nuôi và giết mổ rầm rộ để làm thức ăn cho con người. Một số các quốc gia châu Á láng giềng có truyền thống tiêu thụ thịt chó tương tự như Đài Loan, Philippines và Singapore đã cấm hành vi này.

Theo một cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu phúc lợi động vật địa phương AWARE thực hiện và công bố hôm thứ Hai, 93,4% người Hàn Quốc không có ý định ăn thịt chó trong tương lai. Ngoài ra, 82,3% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm buôn bán thịt chó.

“Lệnh cấm này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong thái độ của Hàn Quốc đối với việc bảo vệ động vật. Tôi hy vọng nó sẽ không chỉ xóa bỏ tập tục tiêu thụ chó khỏi nhận thức của xã hội chúng ta mà còn nâng cao nhận thức về cuộc sống của những động vật chăn nuôi công nghiệp khác đang phải chịu đựng sự khốn khổ chỉ vì một lý do duy nhất là nhu cầu tiêu dùng của con người”, Lee Sang-kyung, giám đốc chiến dịch Humane Society International Korea cho biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *