Đoàn thanh tra tỉnh Hà Tĩnh xác định, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều bất cập. Đặc biệt, việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền tài trợ, cúng tiến chưa minh bạch.
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đền Chợ Củi là di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Đền Chợ Củi là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính được khởi dựng từ thời nhà Lê Sơ, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam.
Qua thanh tra, thời kỳ trước năm 2013, di tích này hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý. Việc thu, chi và quản lý tiền đền công đức chủ yếu giao thủ nhang thực hiện.
Năm 2011, UBND huyện Nghi Xuân đã cho thành lập Ban quản lý di tích đền Chợ Củi song không hoạt động thường xuyên mà giao toàn bộ việc quản lý đền hàng ngày cho gia đình thủ nhang đền để tiện cho việc tôn tạo di tích.
Do đó, địa phương không biết được cụ thể, không quản lý được nguồn thu từ di tích do nhân dân cả nước công đức, tiến cúng, đặt tiền lễ và sử dụng nguồn kinh phí đó không rõ ràng, minh bạch.
Đến năm 2014, Hà Tĩnh phê duyệt đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi. Ngay sau khi đề án được ban hành, UBND huyện Nghi Xuân đã thành lập lại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi trực thuộc UBND huyện (là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng).
Tổng số kinh phí mà Ban quản lý di tích thu được từ năm 2014 đến năm 2022 là hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu công đức do các gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hoá nộp là 17,9 tỷ đồng
Kết luận thanh tra khẳng định: “Ban Quản lý di tích không trực tiếp tham gia giám sát, kiểm kê nguồn thu công đức mà giao hoàn toàn cho gia đình thủ nhang thực hiện nên không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi. Việc này dẫn đến số liệu tài chính kế toán bị phân tán theo nhiều hệ thống sổ sách…”
Theo đó, ông Nguyễn Hải Nam – nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đã vi phạm khi tổ chức cuộc họp thống nhất khoán tiền công đức vào năm 2016 mà không có thành phần của các sở, ngành liên quan. Trực tiếp ký giao thu nộp tiền công đức tại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi năm 2018 là 2,5 tỷ đồng và giao thu nộp tiền công đức tại Ban quản lý di tích Đền Chợ củi năm 2019 là 2,5 tỷ đồng là chưa phù hợp với nội dung giao khoán tiền công đức theo Đề án 1177 của UBND tỉnh.
Ông Trần Vũ Quang, Nguyễn Long Thiên, Đậu Đình Hà (nguyên Trưởng ban QLDT đền Chợ Củi) chịu trách nhiệm trước UBND huyện về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tuy vậy, không thể hiện được đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao dẫn đến hoạt động tại di tích còn nhiều bất cập, xảy ra nhiều khiếu nại, phản ánh của người dân.
Đối với các gia đình thủ nhang, yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/1.
Nếu các gia đình thủ nhang không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND huyện Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.