Ăn lá ngón chỉ để giải quyết muộn phiền
Ông Và Bá Dê – Bí thư bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chia sẻ, năm nào trong bản cũng có vài người chết vì ăn lá ngón. Ông Dê chỉ một bụi cây đang nở ra loại hoa màu vàng ở bên đường và nói đó là cây lá ngón. Loại cây này cực độc. Lá ngón như “con ma của bản”.
Lá ngón là thứ dân bản, đặc biệt là đồng bào người Mông, tìm đến để “giải quyết” muộn phiền. Chỉ cần gặp chuyện gì khúc mắc là họ ăn lá ngón. Có người tìm ăn lá ngón vì tức giận. Cách đây không lâu, chỉ vì tức chuyện gia đình, em dâu của Bí thư chi bộ bản cũng đã chết vì ăn lá ngón.
Chưa có thống kê cụ thể nhưng đã rất nhiều người chết vì ăn lá ngón. Bản Pà Khốm cũng đã nhiều lần phát động người dân nhổ bỏ cây lá ngón mọc quanh bản. Tuy nhiên, loại cây này phát triển rất nhanh. Chỉ sau vài tháng, cây lá ngón lại mọc lên, xen lẫn trong nương rẫy, rìa đường.
Ông Lữ Văn Cương – Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết, trong các cuộc họp dân, chính quyền địa phương luôn chú trọng vận động người dân không tìm đến cái chết để giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống.
Đặc biệt là đối với phụ nữ, chính quyền địa phương thường tuyên truyền đừng vì giận chồng mà dại dột đi ăn lá ngón.
Lá ngón còn có tên gọi khác là đoạn trường thảo. Khi ăn phải loại lá này, nạn nhân sẽ bị giày vò để rồi kết thúc cuộc đời trong đau đớn.
Bác sĩ quân y với bài thuốc dân gian cứu nhiều người ngộ độc lá ngón từ cõi chết trở về
Năm 2013, thiếu tá Lê Anh Đức được điều động về tăng cường tại Trạm Y tế xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Những cái chết vì cây lá ngón khiến bác sĩ quân y luôn trăn trở. Đặc biệt, đối với những nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ.
Thiếu tá Lê Anh Đức bắt đầu suy nghĩ về phương pháp cứu chữa cho những bệnh nhân bị ngộ độc từ cây lá ngón. Anh kết hợp một số loại cây trên rừng, trong vườn của bà con dân bản để thành bài thuốc trị độc từ cây lá ngón. Đó là cây chuối và rau má. Trong đó, nước rau má và thân cây chuối rất tốt, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt.
Bài thuốc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc lá ngón được thiếu tá Đức làm ra từ những thứ cây, rau có sẵn trong tự nhiên. Chỉ cần sử dụng những thân cây chuối to bằng bắp tay rửa sạch, cắt ra, sau đó vắt lấy nước kết hợp nước lá rau má.
Theo anh, để cứu sống bệnh nhân ngộ độc lá ngón thì việc đầu tiên là phải loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Vì thế, anh bỏ vài con nhái còn sống vào thứ nước hỗn hợp này khoảng 5 phút rồi vớt nhái ra. Việc cho nhái bén còn sống vào nước nhằm tạo chất tanh cho bệnh nhân dễ nôn. Bệnh nhân ngộ độc lá ngón được cho uống nước hỗn hợp này, mỗi lần khoảng 400 – 500ml rồi dùng tay đưa vào miệng bệnh nhân kích thích gây nôn để đào thải hết thức ăn trong dạ dày.
Khi dạ dày đã sạch, bệnh nhân được cho uống tiếp khoảng 300ml nước thân cây chuối kết hợp với lá rau má giã nhỏ để lưu lại trong dạ dày. Nhiều trường hợp đã cứng lưỡi, không uống được thì bác sĩ phải rửa dạ dày.
Với bài thuốc này, những năm qua, bác sĩ quân y Lê Anh Đức để giành giật hàng chục mạng sống từ “con ma lá ngón”, nên được xem là một “thần y” của các bản làng nơi rẻo cao.
Với bài thuốc của mình, thiếu tá Lê Anh Đức cứu sống bệnh nhân đầu tiên bị ngộ độc lá ngón vào năm 2016. Năm 2017, nhiều trường hợp ngộ độc lá ngón được cứu thành công thì thiếu tá Đức mới thông báo với đơn vị để báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Cho đến nay, đã có gần 30 bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón được anh cứu sống.
Gần đây nhất là trường hợp em Th.Y.R (11 tuổi, trú xã Tri Lễ). Vì cha mẹ cãi nhau, trên đường đi học, nữ sinh này hái một nắm lá ngón bỏ vào cặp rồi lên trường ăn. Khi phát hiện sự việc, chất độc đã tác động lên hệ thần kinh, khiến nữ sinh rơi vào trạng thái bị giày vò, hồi hộp, sợ hãi. Nữ sinh này may mắn được thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức ở đồn biên phòng Tri Lễ cứu chữa kịp thời nên thoát chết.
Để chủ động nguồn nguyên liệu làm thuốc và tranh thủ thời gian cứu người đối với những trường hợp ngộ độc lá ngón, thiếu tá Đức tìm cây chuối giống và rau má về trồng quanh Trạm Y tế xã Tri Lễ. Hiện bài thuốc này cũng đã được anh phổ biến rộng rãi ở nhiều xã vùng cao Nghệ An nhằm tăng cơ hội cứu sống cho các nạn nhân.