Mỗi dịp đầu năm mới hay đầu tháng, nhiều người có thói quen, đặc biệt là cánh mày râu thường xuyên truyền tai nhau câu nói “làm tí đỏ đỏ” – tức ăn tiết canh lấy may, xua đi cái đen đủi, thiếu may mắn của năm cũ, tháng cũ…
Mới đây, xuất hiện dấu hiệu đau tức hạ sườn phải, anh Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), 36 tuổi, sống tại Thái Nguyên đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
Tại đây, anh Hoàng được làm xét nghiệm maker ung thư và làm sinh thiết. Kết quả loại trừ nguyên nhân u gan và được chẩn đoán là tổn thương viêm. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tầm soát giun sán, ký sinh trùng.
Trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan do giun sán. Kết quả soi phân của bệnh nhân có nhiều trứng sán dây. Kết quả xét nghiệm máu bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo, sán lá gan.
Theo bác sĩ Thiệu, qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết rất thích ăn tiết canh. Đáng chú ý, bệnh nhân ăn đủ các loại tiết canh, từ tiết canh lợn, tiết canh vịt cho đến tiết canh dê, tiết canh gà, tiết canh chó…
“Thói quen ăn tiết canh là một trong các nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị nhiễm giun sán. Nếu không điều trị kịp thời, khối áp xe gan của bệnh nhân có nguy cơ bị vỡ. Ngoài ra các loại giun sán ký sinh trong cơ thể bệnh nhân cũng sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân được tẩy giun sán, dùng thuốc kháng sinh điều trị áp xe gan. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục dùng thuốc được kê đơn và quay lại thăm khám, siêu âm sau khoảng 2-3 tuần”, bác sĩ Thiệu thông tin.
Cũng theo chuyên gia này, áp xe gan là tình trạng cần điều trị lâu dài, không thể khỏi trong ngày một, ngày hai, với khối áp xe to, bác sĩ thậm chí phải tiến hành chọc hút. Bên cạnh các loại sán, theo BS Thiệu, việc ăn tiết canh còn gây nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn. Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.
“Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ”, bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, bác sĩ Thiệu cho biết số lượng các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng có xu hướng giảm so với trước đây do người dân hạn chế sử dụng mô hình canh tác vườn ao chuồng. Tuy vậy, mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh vẫn ở mức đáng báo động.
“Để tránh nhiễm các loại giun sán, người dân cần có những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như: Giữ môi trường sống sạch sẽ; Ăn uống hợp vệ sinh; Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh…; Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; Tẩy giun sán định kỳ”, bác sĩ khuyến cáo.
Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ…, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.