Gần 40% phụ nữ bị rối loạn, trầm cảm sau sinh
Theo thống kê Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với tổng dân số là 100 triệu người, xấp xỉ 40% dân số sống ở thành thị. Việt Nam cũng là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh nhất trong 10 năm gần đây.
Việt Nam có cơ cấu dân số khá trẻ với trên 50% dân số ở độ tuổi 39, đây là độ tuổi lao động chính và cũng là độ tuổi sinh sản. Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có gần 4.000 trẻ em được sinh ra.
Bà Ngô Thùy Anh- Giám Đốc Công ty cổ phần phát triển và hội nhập HASU cho biết, ngoài mức sinh tăng cao, Việt Nam cũng đối mặt với thực trạng về trọng nam khinh nữ – điển hình là hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh, khi tỷ số trẻ em trai/trẻ em gái đang ở hàng cao trên thế giới (110 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Điều này cũng dẫn đến hệ luỵ là áp lực tâm lý rất lớn đối với người phụ nữ, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị, mang thai, sinh con và sau sinh.
Bà Thùy Anh dẫn lại một nghiên cứu cho thấy: Trên thực tế, 37% người từ 18 – 34 tuổi không xem sức khỏe của họ là ưu tiên hàng đầu. Theo các nghiên cứu thì khoảng 37% phụ nữ cảm thấy xấu hổ về sự thay đổi của cơ thể mình sau khi sinh con, 30% – 40% phụ nữ trải qua các rối loạn tâm trạng sau sinh, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng, áp lực sau sinh.
Một khảo sát của Mỹ được thực hiện gần đây cho thấy: 57% phụ nữ dưới 45 tuổi và 31% trên 45 tuổi có nhiều khả năng bị lo lắng hoặc trầm cảm sau khi sinh. 63% phụ nữ quan tâm đến sức khỏe của chính họ ngay sau khi sinh cũng nhiều như sức khỏe của đứa con sơ sinh.
Tại Việt Nam các dịch vụ chăm sóc phụ nữ mang thai, sau sinh và nuôi con dưới 5 tuổi tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh nhưng chưa chuyên nghiệp và còn nhiều điều cần cải thiện.
Bà Thùy Anh cũng cho biết, một điều dễ nhận thấy là trong khi các loại hình dịch vụ và sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đang phát triển khá nhanh, thì một mảng lớn dịch vụ quan trọng ít được quan tâm là: chăm sóc toàn diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bà mẹ sau sinh, dường như sau khi sinh nở, người phụ nữ đã trở nên “yếu thế”, ít được chú trọng.
Trong các gia đình, đa số sự quan tâm chú ý và nguồn lực tài chính dồn vào đứa trẻ được sinh ra, trong khi người mẹ – sau khi trải qua giai đoạn dài có những thay đổi lớn về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thì lại ít được quan tâm. Các vấn đề về tâm lý, sinh lý thay đổi trong giai đoạn này có thể gây nên những hậu quả rất trầm trọng, thậm chí kéo dài suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của người mẹ cũng như cả cho em bé, và cả gia đình. Chính vì vậy ngay cả những phụ nữ đã sinh con nhiều năm cũng là những người chịu tác động mạnh và lâu dài bởi sự thiếu hụt trong chăm sóc sức khỏe thể chất – tâm lý – xã hội thời kỳ sau sinh.
Hướng tới chăm sóc toàn diện cho bà mẹ sau sinh
Trước thực tế đó, chương trình “Chuyện của Mom” hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc toàn diện cho phụ nữ sau sinh. Hôm nay (27/12) các đơn vị cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh.
Chương trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu thực hiện tại 2 thành phố là Hà Nội và Hải Phòng. Giai đoạn sau nhân rộng và thực hiện ở 10 thành phố lớn khác.
Chương trình hướng tới làm thay đổi nhận thức của đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt là những người có uy tín, như cán bộ Hội phụ nữ tại địa bàn, chính quyền địa phương; những người thân trong gia đình … về chăm sóc phụ nữ thời kỳ mang thai và hậu sinh sản.
Chương trình cung cấp kiến thức, kỹ năng tới những phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang trong thai kỳ và nuôi con dưới 5 tuổi về các vấn đề nêu trên từ đó góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ của cộng đồng – gia đình trong chăm sóc thể chất và tinh thần cho phụ nữ, góp phần gia đình hạnh phúc hơn. Như vậy, trẻ em và người thân, cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Chương trình đặt mục tiêu tác động tới 110.000 người gồm cả bà mẹ lẫn đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ hội phụ nữ, chính quyền địa phương… và những người làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh.
Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) – cho biết, Yeumom – Viện Light là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình đầy nhân văn này. Bà hy vọng khi Light tham gia chương trình sẽ trở thành một hệ sinh thái dẫn đầu về sự sáng tạo, tính bền vững có khả năng kết nối và sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhằm đóng góp nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cụ thể là chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh.
Bà Giang cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân, trước đây lúc mang bầu cũng từng rất vất vả. Bà bị sảy thai lúc thai nhi đã 4 tháng tuổi. Dù sức khỏe bị suy yếu, nhưng bà vẫn phải làm việc và chăm sóc người thân. Bà Giang cho biết, nhiều bà mẹ phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, có những nỗi đau ám ảnh cả cuộc đời. Bởi vậy, bà hy vọng chương trình “Chuyện của Mom” sẽ góp phần hỗ trợ, giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện nhiều hơn cho các bà mẹ.