phan-doi-“cho-nguoi”-trong-cai-lanh-duoi-10-do-c:-gan-ca-tuan-chua-kiem-duoc-dong-nao

Phận đời “chợ người” trong cái lạnh dưới 10 độ C: Gần cả tuần chưa kiếm được đồng nào

Phận đời “chợ người” ngồi co ro trong giá lạnh dưới 10 độ C, gần cả tuần chưa kiếm được đồng nào

Sáng ngày 22/12, nhóm người làm nghề tự do ở đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngồi túm tụm, co ro trong cái lạnh dưới 10 độ C. Đây cũng là đợt lạnh nhất kể từ đầu mùa đông tới nay.

Từng đợt gió lạnh sâu cứ thế thốc thẳng khiến chị Nguyễn Thị Lệ (tên nhân vật đã được thay đổi), quê huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định ngồi bịt kín hai tai, đeo khẩu trang. Không có việc chị Lệ tranh thủ ngồi nhổ tóc bạc cho một người bạn. Gần đó, một nhóm công nhân nam nhặt cành củi khô, miếng gỗ ai đó vứt bỏ gom lại đốt để chống chọi với cái lạnh trong lúc chờ việc.

Phận đời

Nhóm thợ cửu vạn trên đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội chờ việc sáng ngày 22/12. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Lệ kể, hai vợ chồng đã gắn bó với công việc cửu vạn hơn 10 năm nay. Hàng ngày, hai vợ chồng chị Lệ dậy sớm ăn tạm gì lót dạ rồi ra đầu đường Kim Giang đứng chờ việc. Công việc cửu vạn như chị đó là ai thuê gì làm nấy, từ dọn dẹp, bốc vác, lau nhà, đào đất đến một số công việc nặng khác như vác xi măng, vật liệu xây dựng lên các tầng ở công trình xây dựng…

“Với phụ nữ cửu vạn như tôi chỉ mỗi không biết xây và ốp lát, còn lại việc gì tôi cũng làm được. Năm nay công việc khó khăn, nói thật ngồi gần cả tuần nay tôi chưa kiếm được đồng nào. Chồng tôi là đàn ông nên công việc đều hơn chút. Anh vừa có người thuê đi làm còn tôi thì ở đây chờ ai đó mướn gì làm nấy”, chị Lệ kể.

Phận đời

Không có việc chị Lệ ngồi nhổ tóc bạc cho đồng nghiệp. Ảnh: Gia Khiêm

Vợ chồng chị Lệ có 3 người con, cuộc sống ở quê khó khăn, quanh năm chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng nên anh chị quyết định lên Hà Nội mưu sinh. Bất kể ngày hè oi bức hay mùa đông giá rét, đoạn đầu cầu đường Kim Giang là chốn quen thuộc vợ chồng chị đứng kiếm kế sinh nhai suốt nhiều năm qua.

“Có tháng công việc nhiều cả hai vợ chồng dư giả được chục triệu, có tháng không có việc cả hai chỉ đủ ăn, tiền trang trải phòng trọ và cho con học tập. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng vẫn phải cố gắng vì nếu có về quê cũng không có việc gì”, chị Lệ tâm sự.

Phận đời

Theo chị Lệ, cả tuần nay chị chưa kiếm được đồng nào khi không có ai thuê mướn. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng có thâm niên hơn 10 năm làm cửu vạn như chị Lệ, chị Lê Thị Minh (quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) thừa nhận, năm nay công việc khó khăn. Chị Minh cũng chật vật ngồi chờ việc trong cái lạnh. Trời rét chị mặc nhiều lớp áo, đeo găng tay, ngồi co ro để đồng nghiệp nhổ tóc bạc cho mình.

“Làm nghề này có lúc bận tối tăm mặt mũi, việc nặng nhọc, nhưng có lúc chúng tôi ngồi chơi dài từ ngày này qua ngày khác. So với những năm qua, tôi thấy hai năm nay sau đại dịch Covid-19 khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều lúc muốn về quê tìm công việc nào đó để gần nhà nhưng không có việc, làm công nhân thì quá tuổi công ty không nhận”, chị Minh chia sẻ.

Phận đời “chợ người” san sẻ với nhau từng đồng vượt qua khó khăn

Đều hoàn cảnh ở quê khó khăn nên nhóm cửu vạn như chị Minh rất biết chia sẻ, đồng cảm với nhau. Mọi người xem nhau như người nhà, đồng cảm, san sẻ trong công việc cũng như lúc đau ốm.

“Có lúc gia chủ họ khoán 1 triệu đồng chỉ cần 5 người làm nhưng không có việc chúng tôi rủ nhau đi tất. Như thế có khi mỗi người cũng chỉ vài chục nghìn đồng nhưng công việc khó khăn nên mọi người san sẻ. Cũng vì kiếm kế sinh nhai nên khó khăn cùng chia sẻ, san sẻ với nhau kiếm tiền sống qua ngày, lo cho con cái ở quê”, chị Minh trải lòng.

Phận đời

Nhóm cửu vạn đốt lửa xua đi cái lạnh trong lúc chờ việc. Ảnh: Gia Khiêm

Mọi năm, mỗi tháng vợ chồng chị Minh dư giả vài triệu đồng nhưng năm nay cả hai vợ chồng chị chưa dư giả gì. Tiền làm thuê cũng chỉ tạm đủ để vợ chồng chị lo tiền nhà trọ, ăn uống.

“Được cái công việc này tự do, lúc có công có việc gì ở quê thì vợ chồng tôi tranh thủ về được. Nghề chọn người rồi nên khó khăn cũng cố gắng vượt qua, chỉ hy vọng trong tháng tới có nhiều việc để vợ chồng có tiền về trang trải dịp Tết”, chị Minh chia sẻ thêm.

Cũng đứng co ro chờ việc ở khu vực gần chân cầu vượt ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tuấn (quê Thanh Hoá) cho biết, đã gắn bó với nghề cửu vạn được vài năm nay.

“Nghề này mỗi mùa có một cái khổ riêng, mùa hè thì nắng nóng, oi bức còn mùa đông thì giá rét. Rét nhất là lúc đứng ngồi chờ đợi xem có ai thuê không. Đi làm không ngại chứ ngồi chờ đợi vừa nóng ruột mà vừa lạnh rét. Có những hôm mưa phùn chúng tôi cũng ngồi co ro để đợi việc”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn chia sẻ, nhà có 3 con đang tuổi ăn học nên chi phí mỗi tháng tốn kém. Vợ anh thì ở quê buôn bán, chăm sóc các con. Anh thì ra Hà Nội làm thuê. Để tiết kiệm chi phí, anh ở cùng với hai người bạn cùng công việc như mình trọ cùng.

“Năm nay, công việc ít hơn, kinh tế khó khăn nên mọi người cũng ít thuê mướn. Các công trình xây dựng thì cũng ít việc. Chỉ hy vọng những ngày tới đây việc nhiều để những người làm công nhân như chúng tôi đỡ khó khăn hơn khi Tết đang ngày một cận kề”, anh Tuấn nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *