Tháng 5/2015, Tokyo (Nhật Bản) mưa nhiều. Giữa mùa hè lạnh ngắt ấy, anh Mạc Đức Mạnh (33 tuổi, quê ở Hải Dương) lọc cọc đạp xe, chở theo gánh chè, mỗi ngày đều đến ga tàu Shinokubo. Khói thuốc ở ga tàu nồng nặc, thỉnh thoảng anh Mạnh tặc lưỡi rời khỏi đó một lát, ra ngoài hít thở rồi quay lại để bán tiếp.
Nỗi vất vả xa xứ khi khởi nghiệp
Khoác vội chiếc áo mưa lên người, anh Mạnh vẫn cố cười nói, mời chào từng cốc chè khi thoáng thấy những khách là người Việt qua lại.
“Hạnh phúc nhất là khoảnh khắc thấy khách ăn ngon, thỏa nỗi nhớ quê. Dần dà, xe chè nhỏ của tôi có nhiều khách hơn, rồi mỗi ngày bán được 300 cốc, với giá 300 yên/cốc (tương đương 50.000 đồng). Vào những ngày lễ lớn, tôi có thể bán được 500 cốc/ngày. Nhìn khách đứng xếp hàng chờ mua, tôi vui không tả xiết!”, anh Mạnh nói.
Sau mỗi buổi bán chè ở ga tàu, anh Mạnh lật đật đạp xe về để đi làm thêm. Ngày qua ngày, thời gian biểu của anh cũng “kín lịch” vì công việc. Song, dù nắng hay mưa, vất vả cách mấy, anh Mạnh vẫn kiên trì với hàng chè nhỏ của mình.
Vợ anh Mạnh, chị Nguyễn Ngân Nhi, kể cả hai đến Nhật từ năm 2013 theo diện du học sinh. Sau mỗi giờ học, chị Nhi thường đến siêu thị làm việc còn anh Mạnh làm bốc vác ở công trường.
Thời gian đầu khi mới sang Nhật, cặp đôi gặp khó khăn trong giao tiếp nên mãi mới xin được công việc giản đơn, cố kiếm chút tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Đến năm 2015, cả hai về Việt Nam lo chuyện kết hôn.
“Trong một lần đi mời cưới ở nhà họ hàng, tôi tình cờ thấy hàng chè lâu năm của cậu mợ, rất đông khách. Lúc đó, vợ chồng tôi mới chợt nghĩ không biết có nên khởi nghiệp ở Nhật với món ăn vặt đậm chất Việt này không và “đánh liều” nhờ mợ chỉ công thức nấu chè”, chị Nhi nói.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng lập tức ghé chợ, gom nguyên liệu rồi lên máy bay đến Nhật với 80kg hành lý toàn đồ để nấu chè. Ở Nhật, chị Nhi ngày nào cũng luyện nấu chè, gửi cho bạn bè ăn, đến khi đạt được hương vị thơm ngon mới bắt đầu đăng lên mạng bán.
“Lúc đó cực lắm, tôi lại còn đang mang thai nên không thể đi làm thêm bên ngoài được. Chúng tôi vừa đi học, vừa bán chè trên mạng lẫn ở ga tàu. Sau 6 tháng bán chè, vợ chồng tôi bán thêm một món nữa là xôi xéo”, chị nhớ lại.
Thấy hàng xôi, chè ngày càng được ủng hộ, chị Nhi và anh Mạnh quyết định nghỉ hết các công việc bán thời gian để tập trung cho khởi nghiệp.
Khởi nghiệp: Làm chủ ở nước ngoài
Công việc “ăn nên làm ra”, đôi vợ chồng trẻ quyết định mở quán ăn nhỏ vào năm 2017, chuyên phục vụ các món như xôi, chè, nem rán, bún thịt nướng,.. Mỗi ngày, quán phục vụ 350-400 suất ăn với thực khách ra vào liên tục.
“Chúng tôi rất may mắn khi vừa mở ra là được nhiều khách hàng, đặc biệt là đồng hương xa quê đến ủng hộ. Vợ chồng tôi nhớ mãi cảnh phải rửa chén đến rạng sáng, 4h mới nghỉ rồi 7h tiếp tục dậy đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu cho buổi bán tiếp. Dù vất vả nhưng trong lòng tôi thấy vô cùng hạnh phúc”, chị Nhi cười, nói.
Dần dà, khách đến đông nghịt nên vợ chồng Mạnh – Nhi quyết định thuê thêm nhân viên, ưu tiên người Việt để tạo việc làm cho đồng hương. Đến năm 2020, đôi vợ chồng mở thêm quán karaoke và quán ăn nhanh chuyên các món xôi, chè và bánh mì.
Năm 2022, quán ăn thứ tư ở Nhật Bản của đôi vợ chồng trẻ cũng ra đời. Không chỉ người Việt, nhiều thực khách là người Nhật, khách du lịch Mỹ, Úc cũng dừng chân, ghé đây. Thậm chí quán ăn của vợ chồng chị Nhi còn được kênh truyền hình Nhật Bản đến ghi hình.
“Suốt quá trình khởi nghiệp, ngoài doanh thu, chúng tôi còn tích góp được nhiều kỷ niệm rất đáng nhớ. Trong đó, tôi nhớ nhất là những lần anh chị em nhân viên trong quán cùng làm việc thâu đêm suốt sáng, cùng vo gạo, nấu xôi ở một đất nước xa lạ, không khí gần gũi, ấp áp như vẫn ở giữa gia đình vậy”, chị Nhi nói.
Từ những ký ức đẹp ấy, chị Nhi và anh Mạnh bộc bạch, không chỉ đôi vợ chồng mà các nhân viên ở quán cũng cảm thấy ấm lòng trong cảnh phải xa quê hương, bươn chải kiếm tiền ở nước ngoài.
“Giờ nhìn lại, chúng tôi cảm thấy rất tự hào về những thành quả mà vất vả lắm mới có được. Sắp tới, tôi hi vọng việc kinh doanh thuận lợi, có thể mở thêm một cửa hàng ở trung tâm lớn của Nhật Bản, một phần để quảng bá ẩm thực Việt nơi xứ người, một phần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho đồng hương”, chị Nhi tâm niệm.