Cống hiến 17 năm vẫn bị tinh giản biên chế, hơn 40 tuổi lo đi xin việc từ đầu
Chị T.T.N. (41 tuổi) và chị V.T.M.Q. (33 tuổi) đều là thạc sĩ, giảng viên khoa Kiến thức chung thuộc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (CĐ VHNT) tỉnh Đắk Lắk gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng khi nhận thông báo tinh giản biên chế.
Chị N. nghẹn ngào cho biết, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị từ tỉnh Thanh Hóa vào Đắk Lắk giảng dạy, lập nghiệp.
Suốt 17 năm giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, chị luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị N. còn học lên cao học, là thạc sĩ Triết học của trường.
Tháng 11 vừa qua, chị nhận thông báo tinh giản biên chế. Chị rất sốc, không tin đó là sự thật.
Theo chị N., nếu trường có lộ trình tinh giản, với thâm niên trong nghề, chị sẽ không phải là người bị tinh giản đầu tiên.
“Nhà trường trả lời do tôi không có vị trí việc làm nên phải tinh giản. Tuy nhiên, sao trường vẫn có thể bố trí việc cho nhiều người khác nhưng bản thân tôi lại không được sắp xếp và thành người phải rời bục giảng đầu tiên.
Suốt 17 năm công tác, tôi luôn được trường đánh giá cao về năng lực và chưa từng có bất cứ vi phạm nào. Việc đẩy một người như tôi vào diện tinh giản, liệu có công bằng không”, chị N. băn khoăn.
Chị N. là lao động chính trong gia đình, đang nuôi 2 con nhỏ tuổi ăn học, nuôi dưỡng bố chồng là cựu chiến binh. Bị tinh giản lúc này là áp lực nặng nề với chị và gia đình.
“Tôi đã 41 tuổi, đến ngần này tuổi, liệu tôi có thể xin công tác dễ dàng như thời còn trẻ hay không. Tôi mất việc làm, gánh nặng gia đình tôi biết phải làm sao? Tôi đề nghị trường xem xét, nếu tinh giản phải có lộ trình phù hợp và có cách xử lý thấu tình đạt lý”, chị N. bùi ngùi.
Chị Q. cũng rất hoang mang khi nhận quyết định tinh giản. Chị là thạc sĩ lịch sử. Năm 2012, chị về Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk giảng dạy ở tổ Văn hóa, sau đó được chuyển về khoa Kiến thức chung.
“Nay nhà trường lấy lý do Khoa kiến thức chung bị dôi dư nhân lực, sao không chuyển tôi về khoa cũ, khi nhu cầu giáo viên dạy môn lịch sử hệ giáo dục thường xuyên của trường vẫn còn?
Giảng dạy ở trường, nhiều giảng viên như tôi không đủ giờ đứng lớp nhưng tôi vẫn kiêm nhiệm nhiều công việc khác để đảm bảo đúng quy định”, chị Q. bày tỏ.
Cũng theo chị Q., hoàn cảnh của chị khá khó khăn. Chị lập gia đình nhiều năm chưa có con cái, đi làm phải tích góp tiền để xuống TPHCM điều trị, can thiệp với khát khao kiếm một mụn con.
“Nhà trường họp Hội đồng xét duyệt tinh giản biên chế nhưng không công khai bằng văn bản các tiêu chí cụ thể làm căn cứ xét duyệt tinh giản cho viên chức được biết. Hội đồng cũng chưa có buổi gặp gỡ viên chức trong diện tinh giản để nghe tâm tư, nguyện vọng. Như vậy là chưa khách quan”, chị Q. nói thêm.
“Tinh giản biên chế ai cũng đều có thắc mắc”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Chung Quốc Toản – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk – xác nhận trường đã ra thông báo kết quả duyệt tinh giản biên chế năm 2023 và 2024 của trường, trong đó cô N. và cô Q. nằm trong diện bị tinh giản năm 2023.
Ông Toàn cho rằng, đây là kết quả Hội đồng xét duyệt tinh giản biên chế nhà trường đưa ra, đã làm một cách chặt chẽ, đúng quy định. Đây không phải ý kiến chủ quan, cá nhân mà do tập thể thống nhất.
Ông Toản lý giải, việc tinh giản của nhà trường thực hiện theo Kế hoạch 33 ngày 3/3 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tinh giản biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 của các sở, ban, ngành và UBND các địa phương. Theo đó, nhà trường phải tinh giản 9 trường hợp, có lộ trình theo từng năm.
“Trường đã rà soát, đánh giá thực tiễn dựa trên định mức giờ dạy để đưa ra danh sách người thuộc diện tinh giản. Khi thực hiện việc sàng lọc thực sự rất khó vì viên chức của trường ai cũng có trình độ, năng lực nên dù tinh giản ai cũng đều có thắc mắc. Đó là điều dễ hiểu”, ông Toản lên tiếng.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nguyên nhân chính của việc tinh giản đó là trường tuyển sinh được quá ít học sinh, sinh viên nên nhiều vị trí giảng viên không đủ giờ đứng lớp.
Toàn trường có khoảng 260 học sinh, sinh viên nhưng có đến 116 cán bộ, viên chức (trong đó có 109 biên chế). Vị trí việc làm của trường đã đủ số lượng, rất khó thay thế.
Theo số liệu từ nhà trường, khoa Kiến thức chung nhu cầu chỉ 1 giảng viên, hiện dư 3, môn tiếng Anh dư 2, ngữ văn dư 1, kỹ năng mềm dư 2…
Ông Toản cho rằng, với trường hợp cô Q. có trình độ thạc sĩ lịch sử Việt Nam nhưng không thể bố trí dạy bộ môn dạy lịch sử vì môn này đã có giáo viên phụ trách. Trường hợp cô N. cũng bị dôi dư, không thể bố trí công việc.
Phó hiệu trưởng Chung Quốc Toản thông tin thêm, tháng 6 qua, nhà trường đã có văn bản gửi Sở Nội vụ đề nghị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát nguồn biên chế giáo viên, giảng viên hiện có để điều động số giáo viên các trường cao đẳng bị dôi dư về các trường phổ thông trong toàn tỉnh còn thiếu giáo viên thay vì cho thôi việc.
Sau đó, Sở Nội vụ đã có văn bản phúc đáp, căn cứ quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh, thẩm quyền tiếp nhận viên chức đã được phân cấp thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện.
Sở hướng dẫn Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật liên hệ các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu để thực hiện tiếp nhận.
“Nếu có chủ trương điều chuyển số lượng viên chức có trình độ sang các trường còn thiếu sẽ không lãng phí nguồn nhân lực. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời các giảng viên trong diện dôi dư có đơn kiến nghị đến để làm việc, nắm bắt thêm”, ông Toản nói.