Thu nhập không đủ sống, 40% nữ công nhân phải chi tiêu tằn tiện
37 tuổi, chị Nguyễn Thị Nhâm (Nam Định), công nhân Công ty Canon phải sống tạm trong ký túc xá dành cho công nhân. Là mẹ đơn thân, 1 mình phải gánh vác nuôi hai con nên chị phải để lại 2 con nhờ ông bà ở quê nuôi giúp và ra Hà Nội làm việc.
Chị Nhâm kể: “Trước đây cũng vì hai vợ chồng đi làm xa nhau nên tình cảm không được hòa thuận. Ly hôn xong, tôi lên Hà Nội làm việc, lương tháng chỉ được gần 7 triệu đồng, vừa chi tiêu, ăn uống lại vừa phải lo cho các con nên cuộc sống rất khó khăn”.
Cũng may, đầu năm 2023, chị được công ty hỗ trợ để tìm được chỗ ở trong khu ký túc xá cho công nhân. Mỗi tháng chỉ tháng chỉ phải đóng 45 nghìn tiền ở trọ. Trước đây, chị ra ngoài thuê trọ, mỗi tháng cũng mất 800 nghìn đồng, mất hơn 1/10 tháng lương.
Không chỉ chị Nhâm, đời sống của hầu hết nữ công nhân, lao động ở các khu công nghiệp đều rất khó khăn. Kết quả khảo sát về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa công bố một lần nữa lại khẳng định điều này.
Theo đó, lao động nữ di cư đã có gia đình chiếm tỉ lệ đông nhất (hơn 85%), lao động nữ chưa kết hôn chiếm 3,3% và lao động nữ ly hôn, ly thân chiếm khoảng 10%.
Hội thảo công bố kết quả khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và việc triển khai mô hình điểm về “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” do Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 15/12/2023.
Khảo sát được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2023. Nhóm phỏng vấn 906 người lao động, 32 người sử dụng lao động và 62 cán bộ công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 10 tỉnh/thành tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương.
Báo cáo chỉ rõ, đa số lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở (53,7%), số có nhà riêng khi di cư nhỏ (19,1%), trong khi số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể rất thấp (0,3%).
Tình trạng nhà ở của lao động nữ di cư còn rất nhiều khó khăn, bất cập. 64,7% lao động nữ di cư ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh, thiếu tiện nghi sinh hoạt, không đảm bảo an toàn.
Do mức thu nhập thấp nên nhóm lao động này thường tiết kiệm, không sắm sửa những vật dụng cần thiết trong gia đình như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… Thậm chí khi ốm đau cũng hạn chế đi khám bệnh, điều trị.
Nữ công nhân lao động đối mặt đời sống hôn nhân đầy bất ổn
Bà Trần Thu Phương – Phó trưởng Ban Nữ công (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng cho biết, khảo sát của Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy một gia đình lao động nữ di cư phải chi gần 10 triệu đồng cho các khoản thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện, nước, ăn uống… Trong đó, mức chi dành cho thuê nhà từ 1 đến 2 triệu đồng.
“Vì những điều kiện chưa thuận lợi nên phần đông lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con. Những yếu tố kể trên là rào cản trong đời sống gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc, nuôi dạy con của lao động nữ di cư”, bà Phương nói thêm.
Tuy nhiên, theo bà Phương điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng ly hôn, ly thân trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo đó, tỷ lệ lao động nữ đơn thân phải nuôi con một mình cũng tăng lên, tạo thành gánh nặng không hề nhỏ với đối tượng này. Nhiều lao động nữ đơn thân đã không còn lựa chọn nào khác là phải gửi con về quê.
“Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con”, bà Trần Thu Phương chia sẻ.
Để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ di cư, Ban Nữ công đề xuất công đoàn cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp… Tăng cường các buổi tuyên truyền dành cho lao động di cư về các chủ đề như bình đẳng giới, nuôi dạy con, gia đình, chính sách pháp luật. Công đoàn ngoài giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, còn cần thường xuyên khảo sát đoàn viên để lấy tiếng nói thực tế từ cơ sở.
“Ngoài ra cần có thêm chính sách hỗ trợ con em tới trường; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới; hỗ trợ thêm kinh phí cho công đoàn cơ sở để mời các chuyên viên tư vấn sức khỏe cho lao động nữ…”, bà Vân nói.