Quá trình chuyển hóa cồn trong cơ thể
Theo các chuyên gia y tế, không có con số chính xác về thời gian cần để cơ thể hoàn toàn đào thải nồng độ cồn. Quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu uống, đặc điểm sinh học, và thể trạng sức khỏe của từng người.
1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đối với người có chức năng gan bình thường, sau khoảng 1 giờ, gan sẽ chuyển hóa và dung nạp hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hoàn toàn loại bỏ 1 đơn vị cồn, cần khoảng 1-2 giờ nữa.
Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cồn cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Với những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì cần thời gian lâu hơn để chuyển hoá hết cồn trong máu.
Theo khuyến cáo, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày, nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị cồn, và cả hai đều nên giữ mức uống dưới 5 ngày/tuần. Với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.
Phương pháp xác định nồng độ cồn
Rượu, bia có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra hơi thở, thậm chí trên tóc. Sau 6-12 giờ, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu; sau 12-24 giờ, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở; sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Đồ uống càng nhiều độ cồn thì thời gian để cơ thể chuyển hóa càng lâu hơn. Có những trường hợp, người uống rượu vào tối hôm trước đến tối hôm sau vẫn còn dương tính với nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Một công thức do các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu, đó là: Ci=C – 0,015t. Trong đó, C là nồng độ cồn trong máu khi uống xong, Ci là nồng độ cồn trong máu tại thời điểm xác định, t là thời gian, 0,015 là hằng số. Nồng độ cồn được đo bằng hơi thở hoặc nồng độ trong máu. Để hết nồng độ cồn trong máu thì Ci phải bằng 0.
Tuy nhiên, công thức tính chỉ dùng tham khảo để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện giao thông và không thay thế cho kết quả xét nghiệm chính xác.
Do đó, để an toàn cho bản thân, cho mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật, Bộ Y tế khuyến cáo tốt nhất đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.
Ngoài ra, uống rượu bia có hại cho sức khỏe. Theo thống kê, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Không có tiêu chuẩn cụ thể cho mức độ tiêu thụ cồn an toàn
Trên thực tế, không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại vì nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia. Nói cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.