LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (15)
Tôn giáo Hittite và Canaan (tiếp theo)
Mâu thuẫn giữa những thế hệ thần thánh
Từ bản dịch đầu tiên của văn bản Hurri/Hittite, có thể chú ý thấy sự tương đồng với thần hệ Phoenicia. Theo Philo, vị thần cai trị đầu tiên là Elioun (tiếng Hy Lạp, Hypsistos, “Kẻ Cao Nhất”), tương ứng với Hurri/Hittite Alalu. Từ sự kết hợp của ông với Bruth sinh ra Uranus (tương ứng với Anu) và Ge (Gaea). Cặp này lại sinh ra 4 đứa con trai, đứa đầu là El (hay Kronos), tương ứng với Kumarbi. Cãi nhau với vợ, Uranus định hủy diệt con mình, nhưng El rèn 1 cái cưa (hoặc thương?), tống được người cha đi và trở thành vua. Cuối cùng thì Baal (đại diện cho thế hệ thứ 4 tương ứng với Teshub và Zeus) giành được quyền cai trị, đặc biệt là không cần qua một trận đánh nào.
Khi phát hiện ra văn hóa Ugarit thì tính chân thật truyền tải từ Philo có bị nghi ngờ. Nhưng sự kế vị của các thế hệ thánh thần thì có bằng chứng trong thần thoại Canaan. Việc Hesiod chỉ đề cập đến 3 thế hệ – đại diện bởi Uranus, Kronos và Zeus – xác nhận tính chân thật trong phiên bản của Philo. Có khả năng là thần thoại Phoenicia dẫn xuất hoặc bị ảnh hưởng mạnh bởi thần thoại Hurri.
Enuma elish có trình bày rằng (1) một chuỗi những thế hệ thần thánh, (2) cuộc chiến của những vị thần trẻ chống lại những vị thần cổ, (3) Marduk chiến thắng và giành quyền cai trị. Trong thần thoại Lưỡng Hà trận chiến kết thúc với sự hình thành một vũ trụ giống như con người sẽ thấy. Thần thoại này nằm trong một chuỗi những khởi nguồn vũ trụ liên quan đến trận chiến giữa thần và rồng, tiếp nối bằng chiến thắng và xé xác kẻ thủ bại. Trong thần Thần hệ của Hesiod thì việc thiến Uranus dẫn đến phân tách Trời (Uranus) và Đất (Gaea) nằm ngay phần đầu của tấn kịch và gây ra sự tranh giành chủ quyền. Tình huống tương tự xảy ra với thần thoại Hurri/Hittite: Vũ trụ – tức là sự phân tách Trời và Đất – xảy ra rất lâu trước đó, trong thời gian của “những vị cổ thần.”
Tổng kết lại, mọi truyện thần thoại đều kể lại mâu thuẫn giữa những thế hệ thừa kế của những những vị thần trong việc giành toàn quyền cai trị biện minh cho hai việc: một là vị trí cao quý của vị thần thắng trận cuối cùng, và hai là giải thích cho cấu trúc hiện tại của thế giới và điều kiện thực tế của nhân loại.
Một thần điện Cannaan: Ugarit
Một thời gian ngắn trước năm 3000 trước công nguyên, một nền văn minh mới của thời kỳ đồ đồng sớm xuất hiện tại Palestine: nó đánh dấu sự thiết lập đầu tiên của người Semit. Theo ghi chép trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ gọi họ là “người Canaan.” Những kẻ xâm lược này định cư, phát triển nông nghiệp và nền văn minh đô thị. Trong vài thế kỷ tiếp theo, những người nhập cư thâm nhập và làm tăng lưu lượng trao đổi với những nước láng giềng, đặc biệt là với Ai Cập. Khoảng năm 2200 trước công nguyên, nền văn minh đồ đồng sớm bị hủy hoại bởi một dân tộc Semit mới, người Amit, những chiến binh bán du mục. Tuy nhiên sự kết thúc của nền văn minh lại cấu thành nên một thời đại mới. Sự xăm lăng Syria và Palestine cảu người Amit chỉ là một phần trong một động thái lớn hơn nhiều có tư liệu vào cùng thời kỳ tại Lưỡng Hà và Ai Cập. Có hàng chuỗi những đợt công kích liên tiếp nhưng những con sóng bởi những kẻ du mục hung tợn từ sa mạc Syria, cùng lúc bị mê hoặc và tức giận bởi sự giàu có của những thành phố và cánh đồng. Trong quá trình chinh phạt này, họ thu nhận lối sống của thổ dân và được văn minh hóa. Sau một khoảng thời gian thì chính những hậu duệ của họ lại phải chống lại sự tấn công vũ trang của những thủ lĩnh man rợ dẫn đầu dân du mục ở vùng ngoại ô của những khu vực canh tác. Quá trình sẽ được lặp lại suốt những thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai khi người Israel bắt đầu thâm nhập Canaan.
Trước 1929 thì dữ liệu về tôn giáo Syro-Canaan chỉ có từ Kinh Cựu Ước, chữ khắc Phoenicia và một số tác giả Hy Lạp. Tuy nhiên, Kinh Cựu Ước thì phản ánh sự chống đối ngoại giáo, còn các nguồn khác thì quá muộn hoặc quá phân mảnh. Từ 1929 thì nhiều tư liệu được khai quật tại Ras Shamra – Ugatir cổ – một thành phố cảng tại bờ biển bắc Syria. Mặc dù có nhiều chỗ khuyết và đứt quãng nhưng văn học Ugarit vẫn là vô giá. Nhưng vẫn cần phải chú ý rằng tôn giáo Ugarit không đại diện cho cả Canaan.
El đứng đầu thần điện, tên ông nghĩa là “chúa” trong tiếng Semit, nhưng ở Tây Semit thì ông là một vị thần cá nhân. Ông được gọi là “Quyền lực,” “Bò,”Cha của thần và người,”… Đến hiện tại thì không có tìm được văn bản nào về khởi nguồn vũ trụ. Tuy nhiên việc tại ra các vì sao từ đám cưới thần thánh có thể được phân tích từ các khái niệm vũ trụ Canaan. Văn bản số 52 mô tả El thụ thai cho hai người vợ, Asherah và Anath, với Sao Mai và Sao Hôm. Asherah được tạo ra bởi El, gọi là “Mẹ của các vị thần;” nàng mang bầu 72 đứa con trai. Trừ Baal ra thì tất cả các vị thần sinh ra từ cặp đôi đầu tiên El-Asherah.
Mặc cho những ngôn từ ca ngợi hết lời, mặc cho việc tên ông luôn xuất hiện trước, El trong thần thoại có vẻ yếu về thể chất, thiếu quyết đoán, già cỗi và cam chịu. Một số thần khinh miệt ông. Cuối cùng Baal lấy mất hai người vợ của ông. Việc thay thế một kẻ sáng tạo già bằng một vị thần trẻ năng động, chuyên ngành về sự sinh trưởng của vũ trụ, là một hiện tượng thường thấy.
Baal là vị thần duy nhất được gọi là “Con của Dagan.” Vị thần có tên ám chỉ “hạt giống” này rất được tôn sùng ở vùng Thượng và Trung sông Euphrates vào thiên niên kỷ thứ ba nhưng văn bản thần thoại Ugarit, Dagan không đóng một vai trò gì trong khi Baal (nghĩa là “bậc thầy”) lại là nhân vật chính. Baal được gọi là “Kẻ cưỡi mây,” “Hoàng tử, bậc thầy của trái đất,” “Quyền lực,” “Vua.” Ông là cội nguồn sinh trưởng nhưng cũng là một chiến binh, cũng như chị cũng là vợ ông cùng lúc là nữ thần của tình yêu và chiến tranh. Bên cạnh họ thì nhân vật thần thoại quan trọng nhất là Yam, “Hoàng tử biển cả, Nhiếp chính sông hồ,” và Mot, “Thần Chết,” kẻ thách thức vị thần trẻ để giành quyền tối cao.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/